Á quân Vua đầu bếp Việt Nam 2014- Lê Chi: "Tôi không thể là bạn của các con"

ANTĐ - Trong một lần về Việt Nam, á quân Vua đầu bếp Việt Nam 2014 Lê Chi đã có những chia sẻ về cuộc sống gia đình của mình tại nước ngoài.  

Luôn dành những lời yêu thương, khen ngợi pha lẫn tự hào mỗi khi nhắc đến các con của mình, nhưng á quân cuộc thi Vua đầu bếp Việt Nam 2014 Lê Chi lại không đồng ý là một người bạn của con vì như vậy mới có thể “trị” được các con lúc không nghe lời. 

- Trong cuộc thi "Vua đầu bếp", Lê Chi có nhớ giám khảo luôn nói, chị tham gia thi thố không phải để chứng tỏ kỹ thuật, tài năng nấu nướng của mình mà chỉ là để thỏa niềm đam mê và vô tình như "đại tổng quản” chăm sóc cho mọi người?

Đúng vậy, tôi thích thú và chỉ muốn giới thiệu các món ăn Việt Nam đến cho mọi người được biết. Món ăn Việt ngon, bày trí trên bàn tiệc sang trọng hay kết hợp giữa cách nấu nướng Á – Âu cũng không thua kém bất kỳ ẩm thực của nước nào. Mỗi khi tôi nấu ăn thì tình cảm tôi đều đặt vào trong đấy nên tôi muốn người ăn có thể cảm nhận được hết tất cả mọi thứ từ hương vị cho đến cảm xúc. Niềm hạnh phúc của tôi chính là được nấu ăn cho gia đình, cho chồng, cho các con nên khi thi, bản năng, tình cảm của mình mỗi khi nấu không khác mấy. Con cá, nồi súp, trái sầu riêng thơm lừng… Tôi thấy thật quá ngon và tôi thể hiện điều đó ra bên ngoài như trong chính cuộc sống thường nhật của tôi. 

 Tuy nhiên, khi tôi tham gia cuộc thi này, thời gian đầu tôi không hòa nhập được với các thí sinh khác. Tôi cảm thấy mình cô đơn, lạc lỏng trên quê hương, những con người cùng dòng máu của mình. Trở về Việt Nam hơn 20 năm xa cách, tôi cứ nghĩ rằng mọi người sẽ yêu thương dành tình cảm cho nhau. Nhưng không, họ ngờ vực và tẩy chay. Tôi nhớ mãi, mình muốn giúp đỡ một thí sinh vì lúc thi họ quên một nguyên vật liệu quan trọng nhưng họ không quan tâm lời nói của tôi. Sau đó tôi mới biết rằng họ sợ tôi hại họ. 

Lê Chi - Á quân Vua đầu bếp Việt Nam 2014

- Ở nhà, chị có hay nấu món ăn Việt cho gia đình mình không?

 Dù sống ở nước ngoài mấy chục năm và con của tôi được sinh ra bên ấy nhưng gia đình tôi vẫn ăn các món ăn Việt Nam. Dĩ nhiên cũng có thay đổi các món với nhau tùy theo độ tươi ngon hoặc nguyên liệu mình có. Cá kho, cà ri Ấn, mì Ý… được luân phiên thay đổi. Trời lạnh thì ăn phở. Nơi tôi ở lúc nào cũng mưa, lạnh lẽo, ngày nắng rất ít nên ăn phở giúp cho mình cảm thấy rất ấm lòng.

Mình làm được những gì mà bản thân mình thấy hạnh phúc, thoải mái thì cứ làm. Tôi được chăm sóc, được lo lắng, được nấu ăn cho chồng tôi và các con là một điều hạnh phúc lớn. Thật ra những lời khen của những người trong gia đình dành cho tôi mỗi khi ăn xong là động lực sống của tôi hàng ngày. Chồng tôi trước đi làm về đều gọi điện thoải hỏi: “Hôm nay ăn gì vợ ơi? Anh về liền”. Những gì mình thích đều làm được cả. Bởi vì, mình thích nó cho nên mình sẽ thấy dễ dàng, còn nếu mình không thích thì sẽ cảm thấy bực mình. Tôi thì không như vậy, có nhiều khi tôi về tới nhà là mười giờ đêm, vẫn phải thức nấu thức ăn, hoặc ướp sẵn đồ ăn. Người Mỹ họ thường hay dùng thuốc ngủ còn tôi thì không.  

- Cách dạy dỗ con cái trong gia đình mình như thế nào?

Như tôi đã nói, tôi không lộ vẻ mệt mỏi hay than phiền điều gì khi bước chân vào nhà. Tôi không muốn các con mình nghe, thấy những điều đó. Cho nên, cả nhà tôi mỗi người một việc không ai phàn nàn vì chúng biết rằng khi mình đi ngủ thì mẹ mình vẫn còn đang làm việc, khi mình chưa dậy thì mẹ mình đã dậy đi làm.

 Người ta bảo, những ức chế, sự mệt mỏi mình cứ kìm nén thì đôi khi sẽ rất căng thẳng nhưng đối với tôi thì không. Những lúc căng thẳng tôi hay nghĩ những điều tốt đẹp, nấu mấy món mới cho chồng, con tôi ăn. Điều tôi muốn dạy dỗ con cái đó chính là ý thức và để được như thế thì phải có một quá trình rèn luyện, bản thân tôi phải làm gương trước cho tụi nhỏ. Nếu mình không kỷ luật thì mình không thể nói ai cả. Tôi với con hay nói chuyện với nhau rất gần gũi nhưng chúng muốn tôi trở thành bạn thân của chúng thì không được. Tôi không muốn quá gần với chúng vì bởi vì chúng muốn thân với mình để khi làm điều gì sai, hoặc nói gì đó mình không la chúng được. Tôi nghĩ, làm cha làm mẹ mình không chỉ có tình yêu lớn mà mình còn phải sáng suốt để dạy con từ nhỏ. 

Lê Chi và Hoàng Minh Nhật (quán quân) trong vòng tranh tài chung kết "Vua đầu bếp Việt Nam" 2014

- Tác động của xã hội và giáo dục trong gia đình là điều quan trọng nhất đến tâm sinh lý của trẻ nhỏ?

Đúng vậy. Mọi người đừng nghĩ những đứa trẻ bên Mỹ không có đứa hư, đứa xấu. Người ta có thể bỏ bê con cái để làm việc kiếm thật nhiều tiền. Nhưng tôi thì không làm vậy. Bản thân tôi cũng làm việc rất nhiều nhưng chuyện trong nhà, nấu nướng tôi vẫn không bỏ qua. Tôi muốn mọi người cảm nhận được tình yêu của tôi dành cho gia đình, dành cho công việc bếp núc này. Gia đình hạnh phúc ấm êm luôn có tình yêu bao quanh thì trẻ nhỏ mới phát triển được tốt. Tôi không muốn gieo vào đầu đứa nhỏ những điều không tốt dù biết rằng hiện thực ngoài xã hội không giống cuộc sống trong gia đình của mình.

Tôi nhớ, khi con bé lớn học lớp 12, có một bài kiểm tra nó cần phải làm, bài kiểm tra này dùng để nộp cho nó vào đại học nên rất quan trọng. Trong phòng thi ai cũng mở sách ra xem, cô giáo phía trên thì không kiểm tra, ai cũng có thể 100 điểm, nó không mở thì nó chỉ có 99 điểm thôi nhưng ai cũng 100 mà nó 99 thì nó sẽ được điểm B, thua sút người ta  nhưng con bé quyết tâm không xem. Đó là việc làm tốt, phải biết cái gì đúng, cái gì sai và thực hiện. Tôi muốn nó ghi nhớ bài học này và lấy đó làm nền tảng về sau. Mình tốt thì cuộc sống mình cũng sẽ tốt đẹp theo. Giáo dục ở gia đình là điều cực kỳ quan trọng.

- Điều chị mong ước hiện nay là gì?

Hiện tại tôi đang thực hiện quyển sách nấu ăn đầu tay của mình. Như tôi đã từng chia sẻ, tôi sẽ mở một nhà hàng Việt Nam, nấu những món ăn mà mọi người đã thấy trong cuộc thi vừa qua. Và tôi mong ngóng rằng, sự chia sẻ về cuộc sống, niềm vui những công việc nấu nướng hàng ngày của bản thân tôi sẽ giúp ích cho mọi người.