Tổng thống Mỹ kế nhiệm phải gạt bỏ "niềm tự hào", hợp tác cùng ông Putin

ANTĐ -Trong bối cảnh căng thẳng đang diễn ra giữa Washington và Moscow, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã đưa ra lời khuyên rằng, cho dù ai trở thành tổng thống Mỹ tiếp theo, người đó nên thực sự cần phải trao đổi, hợp tác, hiệp lực cùng Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel 

Hiện nay, mối quan hệ Nga - Mỹ đang ở mức rất thấp. Trong chiến lược quân sự quốc gia 2015, Mỹ không ngần ngại nêu tên Nga là mối đe dọa chính đối với an ninh của nước này. Trong khi đó, học thuyết quân sự mới của Nga chỉ rõ, việc tăng cường quân sự của khối NATO và sự mở rộng phạm vi hoạt động của khối quân sự do Mỹ đứng đầu về phía biên giới của Nga là mối đe dọa chính từ bên ngoài đối với an ninh Nga.

Mỹ hiện đang tham gia vào cuộc tập trận quân sự chung với Gruzia, chỉ cách biên giới Nga vài dặm, trong khi Hải quân Hoa Kỳ đã lên đường đầy mạnh mẽ đến gần vùng biển của Nga ở Biển Baltic.

Để tránh xung đột trong tương lai, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Hagel khuyên rằng, Tổng thống Mỹ kế nhiệm phải gạt bỏ “niềm tự hào” của mình, cùng chung lòng với Tổng thống Nga Vladimir Putin để thảo luận mọi vấn đề nhằm xuống thang căng thẳng.

"Bây giờ chúng ta có thể thấy khó chịu với ông Putin, nhưng chúng ta đủ hiểu Tổng thống Putin là nhà lãnh đạo biết đối phó với các lãnh đạo khác. Có rất nhiều thiệt hại đã xảy ra trên thế giới, và cho đến khi cuộc đối thoại giữa các nhà lãnh đạo bắt đầu, những gì bạn cần, những gì chúng ta cần, và chúng ta hãy bắt đầu phân loại, xem xét giải quyết", ông Hagel cho biết tại Hội đồng Đại Tây Dương.

Nói về kế hoạch tăng sự hiện diện của NATO ở vùng biển Baltic, ông Hagel cảnh báo rằng, điều này có thể dẫn đến những hậu quả ngoài ý muốn.

"Tôi sẽ rất cẩn thận với điều này. Bởi vì lực ly tâm của việc này là rất khôn khéo, nó có thể sẽ đưa bạn rơi vào tình huống mà bạn không muốn. Với việc NATO triển khai thêm quân cho các quốc gia vùng Baltic, Nga sẽ phản ứng bằng những hành động tương xứng, và khi đó cả hai bên có thể sẽ càng thúc đẩy nhanh một cuộc Chiến tranh Lạnh khác”, vị cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ phân tích và cho rằng, các quan chức ở Washington đang thất bại khi coi những hoạt động “hiếu chiến” không cần thiết này là những chính sách lâu dài.

"Chúng ta tiếp tục gia tăng nhiều tiểu đoàn, nhiều buổi diễn tập quân sự, điều thêm nhiều tàu chiến, và người Nga cũng sẽ có những hoạt động đáp trả tương tự. Tôi không chắc chắn có một số tư duy chiến lược thực sự ở đây. Đó là một phản ứng. Đó là một kiểu chiến thuật ‘chơi nhau’ từ khủng hoảng đến khủng hoảng", ông Hagel lưu ý.

Trong khi phản đối với việc đóng quân thường trực của lực lượng NATO ở Baltic, vị cựu bộ trưởng này lại ủng hộ việc sử dụng các lữ đoàn thiết giáp luân phiên.

Nhưng ngay cả việc triển khai luân phiên cũng có thể dẫn đến tình trạng thù địch ngoài ý muốn. Tháng trước, phái viên thường trực của Nga tại NATO Alexander Grushko nhấn mạnh sự cần thiết cho một liên minh để ngăn chặn sự gia tăng tập trung quân gần biên giới Nga.

"Nếu NATO thực sự muốn nối lại các cuộc đối thoại về kiểm soát vũ khí, tăng cường sự ổn định và an ninh của châu Âu, họ nên dừng lại quá trình tăng cường sự hiện diện quân sự của mình dọc biên giới của chúng ta. Tất cả các lực lượng đã được gửi đến và đã được xoay dọc biên giới của chúng ta phải quay về địa điểm triển khai thường xuyên", ông Hagel kết luận.