Toàn thế giới kết nối ứng phó tin tặc

ANTĐ - Việc Trung Quốc lên tiếng kêu gọi thiết lập một bộ quy tắc ứng xử quốc tế về không gian mạng cho thấy, lĩnh vực có tính toàn cầu này ngày càng thu hút sự quan tâm của tất cả các nước. 

Toàn thế giới kết nối ứng phó tin tặc ảnh 1Tấn công mạng đã trở thành nguy cơ mang tính toàn cầu

Quan điểm của Bắc Kinh được ông Vương Quần, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát vũ khí thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đưa ra tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Mỹ, hôm 9-10. Theo ông Vương, không gian mạng là “không gian vô hình và phẳng, không có đường biên giới” và Trung Quốc cho rằng, một bộ quy tắc quốc tế về không gian mạng mà tất cả các nước đều có thể chấp nhận được phải phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và các quy tắc cơ bản về quan hệ quốc tế, tôn trọng chủ quyền không gian mạng ở mỗi nước. 

Lâu nay, “không gian mạng” hay “không gian ảo” -  Cyber Space là viết tắt của mạng lưới toàn cầu với các cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phụ thuộc lẫn nhau, mạng viễn thông và hệ thống xử lý máy tính. Là một trải nghiệm xã hội, các cá nhân có thể tương tác, trao đổi ý kiến, chia sẻ thông tin, cung cấp hỗ trợ xã hội, đạo đức kinh doanh, hành động trực tiếp, tạo ra phương tiện truyền thông nghệ thuật, chơi trò chơi, tham gia vào các cuộc thảo luận chính trị… khi tham gia mạng toàn cầu.

Có thể nói, không gian mạng đã tạo ra cuộc cách mạng công nghệ trên toàn thế giới, ảnh hưởng sâu sắc tới nền văn minh nhân loại thời hiện đại. Thế nhưng, khi Internet trở nên thân thiết với đời sống thường nhật thì các vụ tấn công mạng và tội phạm tin học cũng tăng mạnh. Đơn giản có thể là các vụ lấy cắp mật khẩu để lừa đảo đến những cuộc tấn công lớn của tin tặc đánh sập cả các trang mạng của các quốc gia hay tổ chức quốc tế. Gần đây, có thêm thông tin về việc các lực lượng khủng bố sử dụng mạng toàn cầu vào các hoạt động ngầm của mình. 

Thậm chí, tấn công mạng và tự do trên không gian mạng đã trở thành chủ đề nóng trong quan hệ quốc tế, làm căng thẳng quan hệ giữa các nước. Nguyên nhân ở chỗ, mỗi năm, tội phạm mạng gây thiệt hại tới gần 500 tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu. Các nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng là những nạn nhân lớn nhất của tội phạm mạng. Những cuộc trừng phạt nhau vì tin tặc cũng thường xuyên diễn ra. Chẳng hạn, Nhà Trắng từng dự định thông qua quyết định trừng phạt Trung Quốc vì cho rằng nước này đã tham gia các cuộc tấn công mạng nhằm vào các công ty tư nhân Mỹ. 

Không phải ngẫu nhiên mà ông H. Toure, Tổng Thư ký Liên minh Viễn thông quốc tế của Liên hợp quốc đã phải lên tiếng cảnh báo: “Cuộc chiến tranh thế giới tiếp theo có thể xảy ra trên không gian mạng... Tổn thất từ tấn công mạng có thể làm tê liệt bất cứ quốc gia nào và không ai có thể miễn dịch trước các cuộc tấn công đó”. 

Ngày nay, không quốc gia nào dám coi thường mức độ nguy hiểm của tấn công mạng. Mỹ đã lên kế hoạch tăng nhân lực của lực lượng không gian mạng tại Bộ chỉ huy không gian mạng từ 1.800 người hiện nay lên 6.000 người vào cuối năm 2016. Hàn Quốc đã quyết định thành lập Ban Tác chiến không gian mạng thuộc Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân. Bộ Quốc phòng Nhật Bản chi hàng tỷ yên mỗi năm để đối phó với các cuộc tấn công của tin tặc…

Xây dựng một bộ quy tắc ứng xử quốc tế về không gian mạng đã trở thành nhu cầu cấp thiết. Bộ quy tắc như vậy sẽ giúp giải quyết các tranh chấp quốc tế trong lĩnh vực này bằng các biện pháp hòa bình và đảm bảo rằng không gian mạng chỉ có thể dành cho các nhà hoạt động vì mục đích duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Nó cũng giúp ngăn chặn những mưu toan lợi dụng không gian mạng làm công cụ để can thiệp vào vấn đề nội bộ của nước khác hay gây phương hại tới các lợi ích của quốc gia đó. Tuy nhiên, để có một công cụ điều tiết như vậy với tất cả các nước không phải là dễ dàng, đòi hỏi một quá trình thương thảo kéo dài và nhiều thách thức.