"Quả bom" Hy Lạp chờ phát nổ

ANTĐ - Quyết định nói “Không” với chính sách khắc khổ “thắt lưng buộc bụng” để đổi lấy khoản cứu trợ của người dân Hy Lạp khiến một “quả bom” nguy hiểm có thể phát nổ, gây tổn thất cho cả nước này và chủ nợ.

"Quả bom" Hy Lạp chờ phát nổ ảnh 1Người dân Hy Lạp nói “Không” với chính sách thắt lưng buộc bụng để đổi lấy gói cứu trợ 
nhưng tương lai phía trước không hề tươi sáng

Dù đã lường trước song việc có tới 61,31% cử tri Hy Lạp nói “Không” với các điều kiện của các chủ nợ đưa ra để đánh đổi lấy gói cứu trợ cho quốc gia bên bờ vực phá sản này vẫn gây ra cú sốc lớn cho cả đất nước này cũng như khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và thế giới. Điều này có thể dẫn tới kịch bản xấu nhất mà không bên nào mong muốn là Hy Lạp rời khỏi Eurozone mà vào lúc này chưa ai có thể lường hết hậu quả của nó với cả hai bên cũng như nền tài chính, kinh tế toàn cầu.

Việc có tới hơn 60% số cử tri tham gia cuộc trưng cầu dân ý hưởng ứng lời kêu gọi trước đó của Thủ tướng Alexis Tsipras nói không với điều kiện của các chủ nợ trong gói cứu trợ đã tiếp thêm sức nặng cho Chính phủ của vị Thủ tướng này trong cuộc thương lượng với chủ nợ quốc tế gồm: Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Vốn đã “rắn” trong các cuộc thương lượng với “bộ ba” chủ nợ quốc tế, Chính phủ của Thủ tướng Tspras sẽ càng không dễ dàng nhượng bộ để đánh đổi lấy khoản cứu trợ cho nước này.

Tuy nhiên, không phải cứ được kết quả cuộc trưng cầu dân ý hậu thuẫn là Chính phủ Hy Lạp có thể buộc các chủ nợ phải “nhún” theo yêu cầu mà họ đưa ra. Bởi hiện nền kinh tế Hy Lạp, đặc biệt là lĩnh vực ngân hàng cùng xã hội nước này đang đứng trước thử thách khắc nghiệt trước thềm cuộc khủng hoảng vỡ nợ.

Kinh tế Hy Lạp đã rơi vào tình trạng khốn đốn từ nhiều năm qua, người dân liên tục phải sống trong hoàn cảnh thiếu lương thực, thực phẩm, thuốc men... Nay nếu không đạt được thỏa thuận với các chủ nợ để được nhận gói cứu trợ mới, Hy Lạp sẽ không có tiền trả lương, hệ thống y tế ngưng hoạt động, mạng lưới điện và giao thông công cộng sụp đổ, tình trạng thất nghiệp càng tồi tệ hơn. Nước này cũng sẽ không thể nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm thiết yếu vì không có khả năng thanh toán…

Việc không đạt được thỏa thuận với các chủ nợ quốc tế cũng có thể khiến Hy Lạp phải rời khỏi Eurozone, đưa vào sử dụng trở lại đồng nội tệ Drachma. Song việc dùng đồng nội tệ trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, tài chính nặng nề như hiện nay có thể dẫn tới khả năng đồng Drachma mất giá nhanh, lạm phát phi mã dẫn tới hệ lụy còn khó lường hơn.

Trong khi đó, dù ở vị thế “người có tiền” nhưng các chủ nợ, nhất là châu Âu, cũng phải đau đầu lo ngại trong trường hợp Hy Lạp rút khỏi Eurozone, thậm chí xấu nhất là cả EU. Rõ ràng hiện EU cũng như ECB chưa có tiền lệ, kịch bản cho diễn biến được cho là sẽ gây ra tác động hết sức tiêu cực với tương lai ổn định của cả liên minh. Đó là chưa kể nhóm các chủ nợ, nhất là EU, có thể sẽ bị quy trách nhiệm trong cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Hy Lạp trong trường hợp nước này buộc phải tuyên bố vỡ nợ do không nhận được gói cứu trợ mới.

Cuộc đối đầu giữa Hy Lạp và nhóm chủ nợ đang đưa đến một cuộc chiến cân não giữa hai bên. Ai nhượng bộ, nhượng bộ đến đâu và như thế nào hay đàm phán sẽ đổ vỡ để “quả bom Hy Lạp” phát nổ… đang phụ thuộc vào cuộc họp thượng đỉnh Eurozone dự kiến diễn ra ngày 7-7 cũng như đàm phán sau đó giữa nhóm chủ nợ với Chính phủ Hy Lạp.