Philippines mời Mỹ sử dụng 8 căn cứ quân sự trên biển Đông

ANTĐ - Chính quyền Philippines vừa đề xuất cho Mỹ sử dụng 8 căn cứ để xây dựng thao trường huấn luyện và bãi thử vũ khí, trong bối cảnh tranh chấp lãnh thổ trên biển với Trung Quốc đang ngày càng gia tăng.

Ngày 13-11, hãng tin của Anh Reuters đưa tin, chính quyền của Tổng thống Benigno Aquino đã đề xuất cho Washington sử dụng 8 căn cứ quân sự của nước này, trong đó có những căn cứ rất quan trọng trên biển để Hoa Kỳ xây dựng bãi thử dành cho vũ khí và đạn dược.

Được biết, đây là những hành động trong khuôn khổ thỏa thuận an ninh mới mang tên “Thỏa thuận Tăng cường hợp tác quốc phòng” (EDCA) giữa Mỹ và Philippines, được ký kết tháng 4-2014. Trong thỏa thuận có thời hiệu 10 năm này, hai nước đã nhất trí gia tăng sự hiện diện của Mỹ trong khu vực.

Căn cứ không quân Clark năm 1989, khi quân đội Mỹ còn sử dụng

Theo đó, Mỹ có thể bố trí các lực lượng quân sự bổ sung ở Philippines trên cơ sở nguyên tắc “hiện diện tạm thời", tức là phải thường xuyên thay quân ở các căn cứ này. Về bản chất, đây là một biện pháp “lách” luật cấm binh sĩ Mỹ hiện diện thường trực trên đất Philippines.

Ngoài ra, quân đội Mỹ cũng được quyền triển khai máy bay chiến đấu và tàu chiến của mình trên căn cứ của Philippines, để tham gia các hoạt động huấn luyện cho binh lính nước này hoặc tham gia các cuộc diễn tập song phương, đa phương trong khu vực.

Reuters dẫn lời người phát ngôn quân đội Philippines, Đại tá Restituto Padilla cho biết, 3 cơ sở đầu tiên mà nước này đề xuất cho Hoa Kỳ sử dụng, gồm có sân bay Clark - từng là căn cứ không quân lớn của Mỹ nằm trên đảo Luzon. Hai cơ sở khác nằm trên đảo Palawan trên biển Đông.

Ngoài ra, Hoa Kỳ có kế hoạch nhận quyền tiếp quản ba hải cảng dân sự và sân bay dân sự trên đảo Luzon, kể cả căn cứ hải quân trước đây Mỹ đã từng sử dụng ở vịnh Subic. Năm ngoái, có hơn 100 chiến hạm, năm nay đã có hai chiếc tàu ngầm hạt nhân Mỹ đậu ở vịnh Subic.

Truyền thông Philippines cũng vừa đưa tin hôm 12-1, Tòa án tối cao của Philippines đã thừa nhận thỏa thuận an ninh mới với Washington, cho phép tăng sự hiện diện quân sự của Mỹ ở trong nước, là không vi phạm hiến pháp của đất nước này.

Cũng thời điểm này, tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Los Angeles mang tên USS Topeka (SSN 754) cũng đã tới vịnh Subic ở Philippines ngày 12-1. Thông tin chi tiết về hoạt động của tàu ngầm này không được Washington tiết lộ, nhưng đây rõ ràng là hành động ủng hộ Manila trong vấn đề  biển Đông.

Các động thái hợp tác chặt chẽ giữa Mỹ và Philippines được triển khai trong bối cảnh tình hình biển Đông liên tục gia tăng căng thẳng, do những hành động đơn phương thay đổi hiện trạng, đào xúc, hút cát, xây đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa, của nhà cầm quyền Trung Quốc.