"Nữ sinh điểm 0" chống tiêu cực trong giáo dục

ANTĐ - Nữ sinh trung học người Ai Cập Mariam Malak đang công khai đấu tranh với tiêu cực trong ngành giáo dục khi cho rằng bài thi của mình đã bị đánh tráo với bài của một học sinh giàu có nào đó. Vụ kiện điểm thi cuối cấp của Malak thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận khi Ai Cập đang mạnh tay chống tham nhũng.
"Nữ sinh điểm 0" chống tiêu cực trong giáo dục ảnh 1

“Nữ sinh điểm 0” ấm ức khi nói về trường hợp điểm thi của mình

Học sinh giỏi bị 7 bài thi điểm 0

Mariam Malak, 19 tuổi, luôn mơ ước trở thành bác sĩ giống như 2 người anh trai. “Mỗi ngày tôi thường học hết 15 tiếng, bởi muốn mình trở thành học sinh ưu tú cấp quốc gia” – nữ sinh từng đạt 97/100 điểm trong các bài kiểm tra những năm trước cho biết. Do vậy, khi cầm trên tay bảng điểm 0 cho 7 bài thi cuối cấp, Malak đã rất sốc. “Nhìn thấy bản sao phần  bài làm, tôi không tin nổi vào mắt mình” – Malak kể và cho biết cô đã làm bài thi cẩn thận trên nhiều trang giấy, chứ không phải chỉ có một vài dòng ngắn ngủi như trong bản sao này đồng thời khẳng định chữ viết trên bản sao không phải là chữ viết tay của cô.

Malak và luật sư tin rằng, bài thi của cô đã bị đánh tráo với bài của một học sinh nhà giàu nào đó. “Nữ sinh điểm Zero” Malak quyết định làm đơn khiếu nại lên cơ quan giáo dục của thành phố Asyut. Malak đã được kiểm tra chữ viết và kết luận cho thấy, các bài thi là do chính cô viết ra. Một lần nữa Malak choáng váng, anh trai Malak cho biết cô đã ngất đi khi nghe tin này.

Tuy nhiên, “nữ sinh điểm zero” chưa mất  niềm tin, cô tiếp tục khiếu kiện. “Tôi biết rằng mình đang chiến đấu với tiêu cực, vì trường hợp giả mạo bài thi của tôi cho thấy rõ ràng là có tiêu cực” – Malak cho biết trong một chương trình truyền hình.

Một trang Facebook đã được lập ra để hỗ trợ Malak. Trang này thu hút hơn 40.000 like chỉ trong 1 tuần. Hàng nghìn người ủng hộ cô trên Twitter với cụm từ “Tôi tin Mariam Malak”. Trường hợp của “nữ sinh điểm zero” cũng được Thủ tướng Ai Cập Ibrahim Mahlab chú ý. Ông mời Malak tới Thủ đô Cairo để nói chuyện và sau đó phát đi một tuyên bố ủng hộ nữ sinh này “như con gái của ông”. Hiện cơ quan công tố Ai Cập đã mở lại cuộc điều tra, với việc chỉ định một nhóm chuyên gia tại Thủ đô Cairo kiểm tra chữ viết tay trên các bài thi được cho là của Malak.

Quyết tâm loại bỏ tiêu cực

Theo trang DW.com của Đức, người dân Ai Cập đang chịu nhiều tác động tiêu cực từ tham nhũng. Năm ngoái, Ai Cập chỉ được 37 điểm trong thang điểm 100 của Tổ chức Minh bạch Quốc tế khi đánh giá mức độ “liêm khiết” của các quốc gia (theo quy định, điểm số càng cao thì càng ít tham nhũng). “Tham nhũng tại nước chúng ta đã thành hệ thống” – ông Abdel Moaty, cựu Phó giám đốc Cơ quan Kiểm toán Trung ương Ai Cập cho biết và nhấn mạnh “tình trạng này không thể chỉ quy kết cho một vài cá nhân”. Hiện tại, ông Moaty là người đứng đầu Cơ quan Minh bạch và chống tham nhũng Ai Cập. 

“Khoảng 88 triệu m2 đất ở gần kênh đào Suez đã được bán cho 5 người với 27 euro/m2; tức là rẻ hơn 5 euro so với giá quy định” – ông Moaty đưa ra ví dụ về một trường hợp nghi ngờ tham nhũng, “5 người mua đó đã bán lại mảnh đất với giá 1.355 euro mỗi m2 và thu về lợi nhuận “khủng” từ thương vụ này”. Mới đây, Bộ trưởng Nông nghiệp Ai Cập Salah Helal từ chức do liên quan tới một điều tra tham nhũng. Ông Helal bị cáo buộc nhận quà đắt tiền, như căn hộ hạng sang và những cuộc hành hương tới thánh địa Mecca, để tạo ra những ưu đãi phi pháp trong phân chia đất đai. 

Theo ông Abdel Moaty, Chính phủ Ai Cập đang nỗ lực đưa ra ánh sáng nhiều vụ tham nhũng trước Ngày Quốc tế chống tham nhũng 9-12, để thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc trấn áp tệ nạn này. Đối với trường hợp của “nữ sinh điểm zero” Malak, một quan chức cao cấp thuộc Bộ Giáo dục Ai Cập đã khẳng định, công lý sẽ được thực hiện. Trong khi đó, Malak cũng cho biết cô quyết không chịu khuất phục trước nạn tiêu cực, tham nhũng.