Nhật Bản gỡ bỏ "vòi bạch tuộc" yakuza

ANTĐ - Dưới áp lực ngày càng tăng do luật pháp có những thay đổi, các nhóm tội phạm có tổ chức của Nhật Bản đang phải đối mặt với phản ứng mạnh mẽ từ công chúng và doanh nghiệp vốn nuôi sống mình. Cảnh sát Nhật Bản cũng chuẩn bị kỹ càng hơn để ứng phó trước những biến động của “thế giới ngầm”.

Nhật Bản gỡ bỏ "vòi bạch tuộc" yakuza ảnh 1Lực lượng chống yakuza của cảnh sát Kiakyushu, tỉnh Fukuoka  tuần tra đêm tại khu đèn đỏ của thành phố

Trả tiền “bảo kê” là phạm luật

Mới đây, chủ một cửa hàng trò chơi điện tử ở miền nam Nhật Bản đã tìm đến cảnh sát để trình báo về số tiền “bảo kê” mà ông đã phải trả cho băng nhóm mafia Kudo-kai trong 15 năm qua. Doanh nhân này ước tính rằng, ông đã nộp cho băng đảng tội phạm này khoảng 40 triệu yên (tương đương 332.809 USD). Cảm thấy công việc kinh doanh ngày càng khó khăn, ông đã tìm đến sự hỗ trợ của nhà chức trách để ngừng việc phải trả tiền “bảo kê”.

Trường hợp chủ cửa hàng game ở thành phố Kitakyushu phản ánh sự thật rằng  người dân bắt đầu tin tưởng, tìm đến cơ quan công quyền để được hỗ trợ trước sự hoành hành của các băng nhóm mafia Nhật Bản - gọi chung là yakuza. Điều này xuất phát từ những thay đổi về pháp lý mà đi đầu là tỉnh Fukuoka trong năm 2010, sau đó được nhân rộng trên cả nước.

Theo đó, luật mới quy định công dân nếu thường xuyên tạo điều kiện cho các băng nhóm tội phạm hoạt động là bất hợp pháp. Như vậy, nếu doanh nghiệp nào hoạt động hợp pháp nhưng lại trả tiền “bảo kê” cho các yakuza là vi phạm pháp luật. Phía cảnh sát cho rằng, thời gian tới, các công ty, cửa hàng quy mô nhỏ sẽ không duy trì trả tiền “bảo kê”, hệ quả là các yakuza có thể phải đối mặt với tình trạng sụt giảm thu nhập nghiêm trọng. 

Trong khi đó, cảnh sát Nhật Bản đang đẩy mạnh việc ứng phó trước một đợt bùng phát bạo lực giữa các băng nhóm sau khi băng đảng lớn nhất Nhật Bản, Yamaguchi-gumi, chia rẽ vào cuối tháng 8-2015. Shinobu Tsukasa, “ông trùm” 73 tuổi của Yamaguchi-gumi đã bị 5 băng nhóm dưới quyền tách ra, đồng thời 8 nhóm khác rơi vào thế án binh bất động. Nguyên nhân sâu xa khiến tổ chức mafia này chia rẽ là do “ông trùm” bị cáo buộc thiên vị và thích hành xử “nặng tay”.

Đây là cơn địa chấn trong “thế giới ngầm” yakuza nhưng nó cũng đã từng xảy ra và đó là lý do mà cảnh sát lo ngại. Trong quá khứ, Yamaguchi-gumi từng trải qua biến động trong nội bộ hồi năm 1984 làm nổ ra cuộc nội chiến giữa các phe phái. Bạo lực kéo dài 3 năm, 25 vụ giết người xảy ra, trong đó có 1 sĩ quan cảnh sát và 1 dân thường vô tội thiệt mạng do kẹt trong làn đạn của các vụ đấu súng. Đó là chưa kể khoảng 70 người bị thương trong các sự cố lẻ tẻ trên khắp Nhật Bản.

Siết dần đường làm ăn của yakuza

 Hiện các băng nhóm rời bỏ “ông trùm” Tsukasa đã nhanh chóng liên kết với nhau, đặt tên là Kobe Yamaguchi-gumi và thông báo rằng họ “làm ăn” như bình thường tại các thành phố phía tây Nhật Bản, chủ yếu là các hoạt động: cho vay nặng lãi, tống tiền, ma túy, cờ bạc và mại dâm.

Thông báo này khiến cho nhà chức trách không thể không chú ý. Chỉ vài ngày sau khi băng đảng mới thành lập, 50 nhân viên cảnh sát tỉnh Hyogo, trang bị công cụ chống bạo động đã đột kích vào Kobe Yamaguchi-gumi. Về danh nghĩa, cảnh sát vào kiểm tra do nghi ngờ băng đảng gian lận trong lập tài khoản ngân hàng, nhưng “chuyến thăm” này như là một lời cảnh báo.

“Thông điệp được đưa ra là cảnh sát có khả năng cáo buộc bất kỳ nhóm nào thuộc “lực lượng chống đối xã hội”. Khi đó, băng nhóm tội phạm bị “sờ gáy” sẽ “mất đường làm ăn”, vì thế họ sẽ không muốn viễn cảnh xấu đó trở thành hiện thực. Đây có thể là vũ khí tốt nhất của chính quyền trong việc đối phó với một thế giới ngầm lì lợm và hay thay đổi”, Jake       Adelstein, chuyên gia về các băng đảng tội phạm của Nhật Bản nhận định. 

Một trói buộc thứ hai khiến các yakuza Nhật Bản hiện thời không dám manh động, đó là thủ lĩnh của họ phải chịu trách nhiệm trước luật pháp với mọi điều xảy ra trong băng nhóm. Giả sử thành viên trong băng đảng hoặc dân thường vô tình bị giết hay bị thương, “ông trùm” sẽ phải đền số tiền lớn, lên tới cả triệu USD. Áp lực tài chính khiến các băng nhóm phải cân nhắc hành động cẩn trọng hơn.

“Đối với các cơ quan chức năng, thách thức đặt ra với họ là loại bỏ vòi bạch tuộc của yakuza trong mọi mặt đời sống hàng ngày mà chúng đã nắm giữ. Và đó là cả một quá trình, không thể nóng vội”, Brett Bull, nhà sáng lập trang Tokyo Reporter chuyên về tội phạm và văn hóa Nhật Bản đánh giá.