Ngăn chặn toan tính

ANTĐ - Trước những toan tính của Trung Quốc đối với Biển Đông, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cần phải có cách tiếp cận chung, mạnh mẽ hơn với nước này để thúc đẩy hoàn thành sớm Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). 

Tình hình căng thẳng trên Biển Đông luôn là chủ đề nóng tại các cuộc họp của ASEAN

Đây là phát biểu của Tiến sĩ W. Choong, chuyên gia nghiên cứu cấp cao của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) – khu vực châu Á, khi trả lời phỏng vấn báo chí. Theo ông W. Choong, những hành động của Trung Quốc liên quan tới Bãi cạn Hoàng Nham/Scaborough, vùng biển mà Philippines cũng tuyên bố chủ quyền, Bãi đá James nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia, cùng với việc hạ đặt trái phép giàn khoan dầu tại vùng biển Việt Nam “là chiến lược được tính toán kỹ càng của Trung Quốc” để dần chiếm toàn bộ khu vực “Đường 9 đoạn”. 

Ông W. Choong cũng cảnh báo trước những hành động của Trung Quốc tại Biển Đông, nếu không có phản ứng nào, dù là phản ứng quân sự hay phi quân sự từ các nước tuyên bố chủ quyền ở trong vùng, thì “Trung Quốc sẽ biến ý đồ của họ thành thực tế và mở rộng cơ bản chủ quyền của mình tại Biển Đông. Điều này sẽ có hại cho an ninh khu vực, vốn được thiết lập trên cơ sở các cuộc thương lượng và cộng tác giữa Trung Quốc và các nước châu Á – Thái Bình Dương”. 

Thực tế thì ASEAN cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc tìm những công cụ thiết thực để bảo đảm an ninh và ổn định ở Biển Đông. Ngay từ những năm 1990, những ý tưởng đầu tiên xung quanh Tuyên bố của các bên về ứng xử trên Biển Đông (DOC) đã được ASEAN thai nghén và chuẩn bị ở cấp chuyên viên. Tuy nhiên, phải hơn mười năm sau, đến năm 2002, Trung Quốc mới đặt bút ký với ASEAN văn bản này. Và phải chờ thêm gần 9 năm nữa, Quy tắc hướng dẫn thực thi Tuyên bố này mới được thông qua.

Đó là bằng chứng cho thấy việc đưa Trung Quốc tham gia vào các văn bản pháp lý liên quan đến Biển Đông là rất phức tạp. Một trong những trở ngại nổi lên hiện nay là yêu sách “Đường lưỡi bò” đã được Trung Quốc ấp ủ từ lâu và chính thức hoá bằng Công hàm gửi lên LHQ cũng như bằng những hoạt động gây sức ép trên thực địa nhằm giành sự công nhận trên thực tế yêu sách phi lý đó.

ASEAN không có cách nào khác là phải cùng nhau nỗ lực hướng tới xây dựng một văn bản pháp lý có tính cam kết và ràng buộc cao hơn DOC là Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Không chỉ kế thừa những điểm tích cực của DOC, COC được nâng cao thêm trên cơ sở các cơ chế giám sát và bảo đảm thực hiện, đặc biệt là bổ sung quy định nhấn mạnh nguyên tắc tôn trọng Vùng đặc quyền kinh tế và Thềm lục địa của các quốc gia ven biển theo Công ước của LHQ về Luật biển 1982.

Phải gần 20 năm các bên mới thỏa thuận được về DOC. Chính vì thế không ai đoán được phải chờ bao nhiêu thời gian nữa Trung Quốc và ASEAN mới ký kết được văn bản cuối cùng mà khu vực và thế giới đang nóng lòng đón đợi là COC? Nhưng có điều rõ ràng là COC có tính chất ràng buộc không chỉ với Trung Quốc mà còn với cả các nước ASEAN tuyên bố chủ quyền tại vùng biển này, tức là nó đáp ứng lợi ích của tất cả các bên liên quan. Một khi được thông qua, COC sẽ quy định cách ứng xử trong việc giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và như vậy sẽ rất hữu ích đối với việc ngăn chặn nguy cơ bùng nổ xung đột trên Biển Đông.