Nga đi "nước cờ" bất ngờ, G-7 muốn quay trở lại G-8

ANTĐ - Việc một thành viên quan trọng trong G-7 (trước đây là G-8) như nước Đức lên tiếng ủng hộ đưa Nga trở lại tổ chức này là tín hiệu cho thấy Matxcơva có thể sẽ sớm trở lại nhóm của những quốc gia phát triển nhất thế giới.

Nga đi "nước cờ" bất ngờ, G-7 muốn quay trở lại G-8 ảnh 1Những cuộc không kích đầy sức mạnh và hiệu quả vào lực lượng khủng bố IS cho thấy vai trò không thể thiếu của Nga trong cuộc chiến chống khủng bố

Phát biểu trên báo “Hình ảnh Chủ nhật” của Đức ngày 22-11, Ngoại trưởng nước này Frank-Walter Steinmeier đã đề cập triển vọng sớm đưa Nga trở lại nhóm G-7 nhằm tranh thủ sự hợp tác của Matxcơva giải quyết các cuộc xung đột trên thế giới. Theo ông Steinmeier, nếu tiếp tục loại bỏ được các rào cản trong cuộc xung đột Ukraine và nếu trong cuộc xung đột ở Syria, Nga tiếp tục hợp tác như hiện nay thì phương Tây có thể không còn muốn loại Nga khỏi nhóm các cường quốc có nền công nghiệp phát triển nhất thế giới. 

Người đứng đầu cơ quan ngoại giao Đức nhân đây cũng “thanh minh” rằng, G-7 không bao giờ mong muốn cô lập Nga hay duy trì lâu dài nhóm G-7, mà quyết định không mời Nga dự các cuộc gặp G-7 gần đây xuất phát từ việc “niềm tin bị phá vỡ” liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine. Hội nghị Thượng đỉnh G-7 gần đây nhất diễn ra tại thành phố Garmisch-Partenkirchen thuộc miền Nam nước Đức hồi tháng 6 vừa qua là lần thứ hai liên tiếp nhóm các nước công nghiệp phát triển tẩy chay Nga sau sự kiện sáp nhập bán đảo Crimea vào Nga tháng 3-2014.

Nga sau khi chính thức tham gia để G-7 đổi tên thành G-8 từ năm 1998, đã bị tổ chức gồm 7 quốc gia phát triển nhất thế giới (gồm: Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Italia, Canada và Nhật Bản) “trục xuất” khỏi G-7 vào thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng Ukraine đầu năm 2014 với đỉnh điểm là việc bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga. Không những thế, G-7 còn đi đầu trong việc thực thi các biện pháp trừng phạt nhằm gây áp lực với Nga.

Song, tất cả các biện pháp trừng phạt của phương Tây đều không khiến Nga chùn bước. Chẳng những vậy, chiến dịch quân sự quy mô lớn, phô trương sức mạnh như vũ bão của quân đội Nga uy hiếp tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, đã khiến không chỉ tổ chức khủng bố này e sợ, mà cả phương Tây cũng phải bất ngờ. Phương Tây thực sự bất ngờ về nước cờ và thời điểm sức mạnh của Nga xuất hiện. Đó là sức mạnh của quốc gia mà phương Tây ngỡ rằng đã suy yếu rất nhiều sau những đòn tẩy chay, trừng phạt giáng vào xứ sở bạch dương.

Trong khi đó, việc thiếu vắng sự hợp tác và giúp đỡ của một cường quốc tầm cỡ như Nga đã khiến phương Tây, kể cả Mỹ, gặp thêm rất nhiều khó khăn trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu, đặc biệt trong các vấn đề đảm bảo an ninh và chống khủng bố. Điển hình là liên minh chống IS do Mỹ đứng đầu trong cuộc chiến tiêu diệt tổ chức khủng bố này.

Chiếc dịch không kích đầy sức mạnh và hiệu quả của Nga là một minh chứng rõ ràng về vai trò của Matxcơva trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu phức tạp. Chẳng thế mà quốc gia đầu tiên mà Tổng thống Pháp Francois Hollande sẽ tới thăm để bàn hợp tác tiêu diệt lực lượng IS là nước Nga, chứ không phải quốc gia đồng minh nào khác ở phương Tây hoặc NATO. Tại cuộc gặp Thủ tướng Dmitry Medvedev bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN ở Kuala Lumpur (Malaysia), Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon cũng vừa đánh giá cao vai trò của Nga trong cuộc chiến chống khủng bố, đặc biệt là IS.

Tuy nhiên, dù quốc gia có trọng lượng là Đức đã lên tiếng, nhưng việc Nga trở lại để G-7 lại thành G-8 còn vấp phải không ít phản đối từ các thành viên khác của nhóm này. Việc một số lãnh đạo phương Tây khi gặp nhau tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 mới đây ở Thổ Nhĩ Kỳ vẫn nhất trí gia hạn trừng phạt Nga tới tháng 7-2016 do cuộc khủng hoảng Ukraine, cho thấy tư duy chống Nga vẫn còn khá mạnh.