Lời qua tiếng lại vì lợi ích riêng

ANTĐ - Chính quyền Ankara đã dùng những ngôn từ mạnh mẽ để cáo buộc và phản đối việc máy bay chiến đấu của Nga bay vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ khi thực hiện các cuộc không kích nhắm vào lực lượng IS tại Syria.

Lời qua tiếng lại vì lợi ích riêng ảnh 1Không quân Thổ Nhĩ Kỳ điều 2 máy bay chiến đấu F-16 lên ngăn chặn máy bay chiến đấu Nga 
xâm phạm không phận nước này

Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ ngày 5-10 một lần nữa lên tiếng cáo buộc một máy bay chiến đấu của Nga xâm phạm không phận nước này trước đó 1 ngày, đồng thời, triệu Đại sứ Nga tại Ankara đến để phản đối. Đây là lần thứ hai trong vòng 3 ngày qua, Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng máy bay chiến đấu của Nga xâm phạm không phận.

Thông tin chi tiết hơn, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, 1 máy bay MiG-29 đã “quấy rối” 2 chiếc F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ tại không phận nước này ở khu vực biên giới giáp với Syria. Nguồn tin quân sự Thổ Nhĩ Kỳ còn nói rõ hơn là trong lúc 10 máy bay chiến đấu F-16 của nước này tuần tra dọc biên giới với Syria thì 2 chiếc trong số đó bị chiếc MIG-29 khóa radar mục tiêu (thao tác chuẩn bị khai hỏa) suốt 5 phút 40 giây.

Bộ Quốc phòng Nga đã thừa nhận máy bay chiến đấu nước này trong khi không kích lực lượng IS tại phía Bắc Syria gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ đã bay lạc sang không phận Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian “chỉ vài giây”, đồng thời giải thích là do thời tiết xấu. Bộ Quốc phòng Nga cũng nói rõ thêm rằng nước này chỉ có máy bay Su-30 hoạt động trong khu vực chứ không có máy bay MIG-29 nào, đồng thời cam kết áp dụng các biện pháp nhằm ngăn chặn các trường hợp tương tự.

Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ dường như không muốn khép lại vụ việc mà Nga cho rằng do vô tình. Sau khi không quân Thổ Nhĩ Kỳ điều 2 máy bay chiến đấu F-16 xuất kích ngăn chặn máy bay Nga, Thủ tướng Ahmet Davutoglu còn lên truyền hình tuyên bố, “sẽ có hành động đáp trả nếu không phận nước này bị xâm phạm” và “sẽ áp dụng các quy tắc giao chiến với đối tượng xâm phạm không phận”.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ tỏ ra gay gắt với Nga trong vụ xâm phạm không phận đã gây sự chú ý của dư luận quốc tế. Từ khi Nga bắt đầu tiến hành không kích lực lượng IS tự xưng tại Syria, chính quyền Ankara đã lên tiếng “bày tỏ quan ngại sâu sắc”, “kêu gọi ngừng không kích”… rồi lại tuyên bố đây là hành động “sai lầm nghiêm trọng”, “không thể chấp nhận được” và “đe” Nga sẽ bị cô lập do không kích tại Syria.

Nhiều người có thể khó hiểu khi Thổ Nhĩ Kỳ phản đối và tìm cách gây khó dễ với Nga. Thế nhưng, nếu nhìn vào quan điểm của Ankara với Tổng thống Syria Bashar al-Assad, sẽ thấy ngay lập trường mà thoạt nhìn tưởng mâu thuẫn của Thổ Nhĩ Kỳ.

Ankara cũng như các nước phương Tây, nhất là Mỹ, hiện đang coi IS là mối đe dọa nguy hiểm cần phải tiêu diệt, song cũng xem ông Bashar al-Assad là một “cái gai” cần phải “nhổ” càng sớm càng tốt. Nga không kích IS sẽ gây tổn thất và làm suy yếu lực lượng này, qua đó trực tiếp giúp chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad trụ vững hơn tại Syria bởi IS cũng đang tấn công, đánh chiếm các vùng lãnh thổ do chính quyền ông Bashar al-Assad kiểm soát, hòng thực hiện tham vọng lập một nhà nước Hồi giáo. Bởi vậy, Ankara hoàn toàn không muốn ông Bashar al-Assad vững vàng hơn dù cuộc không kích của Nga có gây tổn thất lớn cho IS.