Liên hợp quốc đau đầu với vấn đề ngân sách

ANTĐ - Việc có tới 14 quốc gia thành viên Liên hợp quốc (LHQ) chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính với tổ chức quốc tế đa phương lớn nhất hành tinh này cho thấy việc bảo đảm ngân sách hoạt động cho LHQ luôn là vấn đề nóng. 

Liên hợp quốc đau đầu với vấn đề ngân sách ảnh 1Hoạt động của lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ đòi hỏi những khoản chi phí lớn

Theo thông báo của Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon với Đại hội đồng LHQ, 14 “con nợ” gồm Comoros, Guinea-Bissau, Sao Tome, Principe, Somalia, Venezuela, Cộng hòa Dominica, Saint Vincent và Grenadines, Burundi, Bahrain, Libya, Mali, quần đảo Marshall và Vanuatu. Trong số những nước trên có Venezuela, quốc gia hiện đang là thành viên của Hội đồng Bảo an LHQ và sẽ đảm nhiệm chức Chủ tịch luân phiên vào tháng tới. 

Ngân sách của LHQ được xây dựng trên cơ sở đóng góp của các quốc gia thành viên. Tỷ lệ đóng góp được thông qua tại Đại hội đồng LHQ gồm 193 nước thành viên, căn cứ vào chỉ số GDP bình quân trong giai đoạn 10 năm, thu nhập bình quân đầu người và nợ nước ngoài. Trong danh sách các nước đóng góp nhiều nhất có Mỹ, chiếm 22% tổng ngân sách của LHQ, tiếp đến là Nhật Bản (9,68%), Trung Quốc (7,92%), Đức (6,38%), Pháp (4,85%), Anh (4,46 %), Brazil (3,82%), Italy (3,74%), Nga (3,08%) và Canada (2,92%).

Chỉ tính riêng trong hai năm 2016-2017, chi tiêu cơ bản của LHQ đã lên tới 5,4 tỷ USD. Tuy nhiên, mức dự toán này thấp hơn 1,6% so với ngân sách hiện nay. Thiếu tiền khiến ông Ban Ki-moon phải đề xuất “đóng băng” 56 vị trí trong Ban thư ký nhằm cắt giảm chi tiêu. Ấy thế nhưng ngân sách này còn chưa bao gồm khoản chi cho các hoạt động gìn giữ hòa bình vốn được cho là khoản tài chính được thỏa thuận riêng dựa trên sự đóng góp tự nguyện của các nước thành viên. Trong tài khóa kết thúc vào ngày 30-6-2016, chỉ riêng chi phí cho hoạt động gìn giữ hòa bình lên tới 8,27 tỷ USD.

Trong khi chi phí cho các hoạt động của LHQ ngày càng tăng thì kinh tế thế giới lại đang ảm đạm, khiến việc đóng góp tài chính của các nước thành viên gặp khó khăn. Theo điều 19 trong Hiến chương LHQ, thành viên nào của tổ chức này nợ những khoản tiền đóng góp của mình cho LHQ sẽ bị tước quyền bỏ phiếu ở Đại hội đồng, nếu số tiền nợ bằng hoặc vượt quá số tiền mà quốc gia đó đóng góp trong 2 năm qua. 

Chiểu theo quy định trên, 9/14 nước nợ tiền sẽ bị đình chỉ quyền bỏ phiếu. Điều này sẽ khiến vị thế của những nước này bị suy yếu tại LHQ. Để khôi phục lại quyền bỏ phiếu, 9 quốc gia trên bắt buộc phải cung cấp các khoản đóng góp tối thiểu, từ 1.360 USD đối với Burundi và 2.155 USD đối với Saint Vincent và Grenadines, đến 2,1 triệu USD đối với Cộng hòa Dominica và dưới 3 triệu USD đối với Venezuela.  

Không chỉ việc nợ tiền mà tỷ lệ đóng góp cũng gây nhiều tranh cãi. Mỹ, nước đóng góp nhiều nhất (22%) cho ngân sách của LHQ, luôn than phiền về hiệu quả sử dụng các khoản đóng góp này. Trong khi đó, nước đóng góp nhiều thứ hai là Nhật Bản thì đòi mình phải có vai trò lớn hơn trong LHQ. Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, hai Thủ tướng Nhật Bản là Miyazawa và Hosokawa đã lên tiếng yêu cầu bổ sung nước này vào danh sách các nước thành viên Hội đồng Bảo an LHQ. Sau khi đề xuất này không được chấp nhận, Tokyo đã nhiều lần cảnh báo sẽ giảm đóng góp cho LHQ.

So với chi tiêu của các nước cho mục đích quân sự (số liệu năm 2013 là 1.750 tỷ USD), ngân sách hiện nay của LHQ chưa bằng 0,5%. Chính vì thế,  Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon phải lên tiếng kêu gọi các nước thực hiện đúng trách nhiệm thành viên và tích cực đóng góp thêm cho LHQ. Đây là vấn đề sẽ còn làm ông Ban Ki-moon đau đầu cho đến khi kết thúc nhiệm kỳ vào ngày  31-12-2016.