Hiệu ứng đa chiều sau vụ bắn rơi máy bay Nga

ANTĐ - Trong khi cả thế giới đang nỗ lực hình thành một liên minh thống nhất để tập trung sức lực chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) thì vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Su-24 của Nga có thể làm chệch hướng đi này.

Hiệu ứng đa chiều sau vụ bắn rơi máy bay Nga ảnh 1Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ  Recep Tayyip Erdogan tại Hội nghị thượng đỉnh G-20 diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ ngày 16-11 vừa qua

Cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang có cách nhìn nhận và quan điểm khác nhau trong việc chiếc máy bay chiến đấu Su-24 của Nga bị bắn rơi khi đang thực hiện nhiệm vụ không kích lực lượng thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ngày 24-11. Trong khi Nga khẳng định chiếc Su-24 bị bắn hạ khi đang ở trong không phận Syria, quốc gia đã yêu cầu Matxcơva trợ giúp để không kích lực lượng IS, thì Ankara lại cho rằng, chiếc máy bay này đã xâm phạm không phận của Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo những bằng chứng được đích thân Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra, chiếc máy bay ném bom Su-24 của Nga bị bắn hạ trên không phận của Syria bằng tên lửa đối không phóng đi từ máy bay tiêm kích F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ. Thời điểm bị trúng tên lửa, máy bay Nga đang bay ở độ cao 6.000m và cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ 1km, sau đó chiếc máy bay này đã rơi xuống vị trí trên lãnh thổ Syria, cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ 4km. 

Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan lại cho biết, lực lượng phòng không của Thổ Nhĩ Kỳ đã cảnh báo tới 10 lần song chiếc máy bay của Nga vẫn vi phạm vùng trời nước này. Vì thế, máy bay F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn hạ theo quy ước giao chiến để bảo vệ chủ quyền biên giới.

Theo giới quan sát và phân tích quốc tế, ngay cả trong trường hợp chiếc máy bay Su-24 của Nga có bay vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ thì việc máy bay F-16 của Ankara phóng tên lửa bắn hạ nó cũng có thể vi phạm quy ước giao chiến quốc tế. Bởi, thứ nhất, nếu chiếc Su-24 có vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ thì thời gian cũng không đủ lâu và khoảng cách cũng không quá xa đến mức để bị bắn hạ bằng tên lửa. Thứ hai, Thổ Nhĩ Kỳ có nhiều cách khác để bảo vệ chủ quyền vùng trời chứ không đến mức phải bắn hạ máy bay Nga.

Chính vì thế, hoàn toàn có thể hiểu được vì sao Nga lại tỏ ra giận dữ đến vậy trước hành động của Ankara mà Tổng thống Putin đã tuyên bố thẳng là “đâm sau lưng” Nga và “đứng về phía những kẻ khủng bố”. Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cũng nhấn mạnh, việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Su-24 là hành động phạm tội và gây ra 3 hậu quả: làm trầm trọng thêm mối quan hệ vốn căng thẳng giữa Nga và NATO mà Ankara là thành viên; bao che cho các tay súng thuộc nhóm khủng bố bị cấm tại Nga; làm tổn thương mối quan hệ láng giềng lâu năm giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Đáng lo ngại nhất là việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Nga diễn ra trong bối cảnh Nga đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc tiêu diệt IS, kể từ khi tham gia không kích lực lượng khủng bố này từ ngày 30-9. Cùng đó, thế giới đang cần hợp lực chống IS sau cuộc tấn công đẫm máu vào Paris ngày 13-11 vừa qua. Vì thế, hành động của Ankara có thể làm rạn vỡ nỗ lực thành lập một liên minh quốc tế nhằm hợp lực chống tổ chức khủng bố IS trong bối cảnh còn nhiều quan điểm khác nhau về liên minh này, nhất là giữa Mỹ và Nga.

Tuy nhiên, qua những tuyên bố của Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon, Tổng thống Mỹ Barack Obama… và của chính các nhà lãnh đạo Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, có thể thấy, không ai muốn vụ bắn hạ máy bay Su-24 của Nga sẽ “tác động xấu” tới cuộc chiến chống tổ chức khủng bố IS.