Gây hấn ở Biển Đông, Trung Quốc sẽ phải trả giá

ANTĐ - Người đứng đầu Lầu Năm góc đã lên tiếng cảnh báo mạnh mẽ Trung Quốc khi tuyên bố thẳng rằng, Bắc Kinh sẽ phải gánh chịu những hậu quả cho các hành động “gây hấn” trên Biển Đông.

Gây hấn ở Biển Đông, Trung Quốc sẽ phải trả giá ảnh 1Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter trong một lần thị sát trên tàu sân bay Ronald Reagan hoạt động ở Thái Bình Dương

Lời cảnh báo được cho là cứng rắn trên được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter đưa ra ngày 1-3 khi phát biểu tại Diễn đàn Câu lạc bộ Thịnh vượng chung (Commonwealth Club) ở thành phố San Francisco, Mỹ. Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Mỹ mạnh mẽ tuyên bố: “Trung Quốc không được theo đuổi quá trình quân sự hóa tại khu vực Biển Đông. Những động thái cụ thể sẽ gặp phải những hậu quả cụ thể”. 

Tuyên bố thể hiện lập trường không khoan nhượng của chính quyền Mỹ diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang thực hiện hàng loạt hành động leo thang căng thẳng trên Biển Đông, vùng biển mà Washington tuyên bố có lợi ích sống còn về kinh tế và an ninh. Mới đây nhất, truyền thông Philippines ngày 2-3 tố cáo Trung Quốc đã bố trí 5 tàu thuyền xung quanh bãi cạn Hải Sâm tranh chấp trên Biển Đông để ngăn ngư dân Philippines tiếp cận các ngư trường truyền thống này, động thái được cho là để chuẩn bị cho hoạt động chiếm giữ, bồi đắp và xây đảo nhân tạo của Bắc Kinh.

Trước đó, Trung Quốc sau khi bồi đắp, xây dựng 7 bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã triển khai nhiều giàn tên lửa đối không hiện đại nhất HQ-9 và máy bay chiến đấu J-11 do nước này chế tạo tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Trung Quốc cũng đồng thời xây dựng hệ thống radar phát hiện, cảnh báo sớm trên đá Châu Viên thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Tất cả những động thái leo thang quân sự hóa ở Biển Đông thời gian qua của Trung Quốc cho thấy điều rất rõ  là Bắc Kinh đang ráo riết nhằm chuẩn bị cho việc thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại Biển Đông. ADIZ một khi được thiết lập tại đây sẽ là “nanh vuốt” để Bắc Kinh kiểm soát và khống chế hoàn toàn cả vùng trời và vùng biển, tiến bước dài thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông chiến lược trọng yếu.

Những hành động gây hấn, leo thang quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc đang khiến quốc gia bị cáo buộc là “cường quốc vô trách nhiệm” này phải trả giá. Trước hết, Trung Quốc ngày càng bị cô lập trong khi những tiếng nói lên án, phản đối ngày càng mạnh mẽ, đặc biệt là cả khu vực và quốc tế đang ngày một đồng lòng nhất trí hơn trong việc phối hợp hành động để ngăn chặn tham vọng của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter không nói rõ Trung Quốc phải gánh chịu hậu quả thế nào cho việc theo đuổi sự leo thang nguy hiểm quân sự hóa Biển Đông, song trên thực tế, Mỹ đã có những hành động cụ thể. Trước hết đó là việc Mỹ gia tăng hợp tác, viện trợ cho các quốc gia Đông Nam Á tăng cường năng lực thực thi đảm bảo an ninh hàng hải và gia tăng những hoạt động nhằm đảm bảo tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông.

Lầu Năm góc đã và sẽ điều tàu khu trục, máy bay trinh thám tuần tra trong phạm vi 12 hải lý các hòn đảo, đảo nhân tạo mà Trung Quốc chiếm đóng phi pháp ở cả Hoàng Sa và Trường Sa để tỏ rõ thông điệp bác bỏ tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh. Mới đây, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương (PACOM) của Mỹ, đô đốc Harry Harris ngày 25-2 vừa qua tuyên bố cân nhắc điều tàu ngầm và tăng cường thêm tàu khu trục tới Biển Đông để răn đe hành động quân sự hóa khu vực quần đảo Trường Sa của Trung Quốc.