Đằng sau câu chuyện phá giá đồng Nhân dân tệ

ANTĐ - Việc Trung Quốc bất ngờ hạ giá đồng nội tệ đã gây chấn động thị trường tài chính quốc tế. Nguyên nhân thực sự đằng sau quyết định này của Trung Quốc là gì và đồng nhân dân tệ giảm giá sẽ gây ra những tác động ra sao đối với nền kinh tế Việt Nam?
Đằng sau câu chuyện phá giá đồng Nhân dân tệ ảnh 1

Đồng nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc

Một cuộc khủng hoảng

Ngày 11-8, ngay sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) điều chỉnh giảm gần 2% tỷ giá tham chiếu của đồng nhân dân tệ (NDT) so với đồng USD, thị trường chứng khoán ở một loạt quốc gia từ đông sang tây đã nhuộm sắc đỏ. Khi giải thích cho hiện tượng sụt giảm này, các chuyên gia đã nêu ra cùng lúc 3 nguyên nhân và xếp việc đồng NDT bị hạ giá nằm cùng với 2 cuộc khủng hoảng khác là cuộc nội chiến Ukraine và cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp. Khủng hoảng thì chưa thật sự rõ ràng nhưng có cơ sở để nói về nguy cơ của một cuộc khủng hoảng, trước hết là đối với nền kinh tế Trung Quốc.

Sau khi ấn định tỷ giá tham chiếu hàng ngày (11-8) của đồng NDT ở mức 6,2298 NDT/1 USD, giảm 1,86% so với 6,1162 NDT/1 USD của ngày 10/8, PBoC giải thích việc tỷ giá của đồng NDT giảm mạnh như vậy là do cách tính toán mới dựa trên giá chốt phiên ngày hôm trước, yếu tố cung cầu cũng như biến động tỷ giá của đồng tiền của các nền kinh tế lớn khác. PBoC nhấn mạnh đây là một phần của những cải cách cơ chế tỷ giá nhằm cho phép thị trường có vai trò lớn hơn. Trung Quốc cũng tránh sử dụng từ “phá giá” đồng NDT để tránh gây ra những tác động không mong muốn.

 Thế nhưng, các phân tích của giới chuyên gia lại chỉ ra rằng thực tế có vẻ trái ngược với tuyên bố về “vài trò của thị trường” mà PBoC đưa ra. Để hiểu được nguyên nhân thực sự đằng sau động thái này, có lẽ nên căn cứ vào hai sự kiện mới đây nhất, đó là việc công bố số liệu xuất khẩu của Trung Quốc và việc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) từ chối đưa đồng NDT vào giỏ tiền dự trữ quốc tế. Quyết định hạ giá đồng NDT được Bắc Kinh đưa ra chỉ ít ngày sau thông báo xuất khẩu trong tháng 7-2015 của nước này sụt giảm 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương 195,10 tỷ USD. Bên cạnh đó, các chỉ số kinh tế quan trọng như chỉ số mua hàng công nghiệp (PMI) và nhất là chỉ số giá thành sản xuất (PPI) đều giảm rất mạnh (PPI giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuối 2009, PMI xuống mức thấp nhất trong vòng 2 năm qua).

 Trong khi đó, nền kinh tế Trung Quốc nhìn chung cũng đang gặp khó khăn với mức dự báo tăng trưởng chưa tới 7% trong năm nay, mức thấp nhất kể từ năm 1990, và thậm chí có thể tiếp tục giảm trong những năm tới. Thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng trên đà suy thoái kể từ hồi tháng 6 vừa qua, nếu không muốn nói đang trong thời kỳ “hỗn loạn” buộc nước này phải áp dụng các biện pháp mạnh tay. Đồng NDT hiện có giá trị quá cao đã và đang tác động tiêu cực tới ngành xuất khẩu của Trung Quốc khi đẩy giá hàng hóa của Trung Quốc ở thị trường nước ngoài lên cao. Căn cứ vào thực tế này, có thể thấy mục tiêu hàng đầu của quyết định hạ giá đồng NDT là nhằm hỗ trợ xuất khẩu của Trung Quốc. 

Một điểm đáng chú ý khác là quyết định của Trung Quốc được đưa ra ngay sau khi IMF từ chối đưa đồng NDT vào giỏ tiền dự trữ của quốc tế (SDR). Không ít chuyên gia nhận định rằng quyết định của IMF như giọt nước cuối cùng làm tràn ly, khiến Trung Quốc đưa ra điều chỉnh nêu trên. Theo đó, hành động “phá giá” đồng NDT của Trung Quốc được xem như một phản ứng đối với quyết định của IMF, chứ không liên quan đến các chỉ số kinh tế. Trung Quốc có lẽ muốn đánh tiếng với IMF về mong muốn đưa đồng NDT vào rổ tiền tệ tạo thành tài sản dự trữ quốc tế của định chế tài chính toàn cầu này. Trong một báo cáo mới đây, IMF cho rằng việc xem xét này có thể sẽ được lùi đến ngày 30-9-2016 vì các cải cách của Trung Quốc trên thị trường hối đoái cho đến nay là chưa đủ.

Không thể cứu vãn?

Với lần hạ giá này, đồng NDT đã ở vào mức thấp nhất so với đồng USD trong gần 4 năm trở lại đây và đây cũng là lần giảm giá mạnh nhất trong hơn 20 năm qua, kể từ tháng 1-1994 - khi Trung Quốc bất ngờ giảm 1/3 giá trị đồng nội tệ. Việc giảm giá NDT đã ngay lập tức tác động tới thị trường tài chính quốc tế, trong đó có Mỹ. Và cũng chính Mỹ là nước đầu tiên có những phản ứng công khai chỉ trích động thái của Trung Quốc. Các nghị sĩ Mỹ cho rằng đây là bằng chứng mới nhất cho thấy không thể tin tưởng vào chính sách tiền tệ của Bắc Kinh. Giới lập pháp Mỹ một lần nữa hối thúc chính quyền của Tổng thống Barack Obama liệt Trung Quốc vào danh sách những quốc gia thao túng tiền tệ. 

Hiện có nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại việc Bắc Kinh can thiệp mạnh vào đồng nội tệ có khả năng châm ngòi cho một cuộc “đua hạ giá đồng tiền” tại châu Á, thậm chí là một “cuộc chiến tranh tiền tệ” trêm quy mô toàn cầu. Thế nhưng, cảnh báo đầu tiên lại dành cho chính Trung Quốc bởi việc đồng NDT bị phá giá có thể sẽ khiến nước này chịu thiệt hại nhiều hơn những cái lợi trước mắt. Đơn cử như các doanh nghiệp Trung Quốc vốn đang nợ nước ngoài khoảng 529 tỷ USD, sẽ phải trả thêm 10 tỷ USD nữa do tỷ giá đồng NDT tăng gần 2% (thậm chí sẽ nhiều hơn nữa khi đồng NDT vẫn tiếp tục giảm giá mạnh).

Một nguy cơ lớn khác là các nhà đầu tư có thể ồ ạt rút vốn khỏi Trung Quốc và người giàu Trung Quốc cũng tìm cách chuyển tiền của mình ra nước ngoài. Có ý kiến cho rằng việc giảm giá đồng NDT không thể giải quyết những vấn đề cấp bách mà Trung Quốc đang đối mặt. Các ngành công nghiệp cơ bản như sản xuất nhôm, thép đang ở trong tình trạng dư thừa sản phẩm. Bong bóng bất động sản ngày càng phình to và có thể vỡ bất kỳ lúc nào. Các ngân hàng thì đau đầu với các khoản cho vay và cuộc khủng hoảng trên thị trường cổ phiếu sẽ chưa thể chấm dứt trong ngắn hạn. Theo phân tích, có 8 nhóm người chịu ảnh hưởng từ đợt điều chỉnh tỷ giá đồng NDT, đó là các nhà đầu tư chứng khoán, đầu tư bất động sản, du học, mua hàng nước ngoài, du lịch nước ngoài, doanh nghiệp xuất khẩu lớn, doanh nghiệp sử dụng nhiều đồng NDT và người nước ngoài đến đầu tư thu lợi tại Trung Quốc. 

Phải chăng Trung Quốc không còn lựa chọn nào khác khi buộc phải phá giá đồng nội tệ. Diễn biến những ngày qua cho thấy đồng NDT vẫn đang tiếp tục giảm giá. Có chuyên gia quốc tế đã đùa rằng xu hướng giảm 2% (trong ngày 11/8) chưa ăn thua gì và trong vài tháng tới, mức giảm có thể lên tới 10%, thậm chí 15%. Thực tế thì trong ba ngày liền, từ 11-13/8, Trung Quốc đã điều chỉnh tỷ giá đồng NDT giảm tổng cộng tới 4,61%. 

Kinh tế Việt Nam chủ động đối phó 

 Quyết định phá giá đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc ngay lập tức đã gây chú ý lớn trên thị trường tiền tệ quốc tế, đặc biệt với những nước có quan hệ kinh tế chặt chẽ như Việt Nam. Cùng với hàng chục nước khác, ngay lập tức Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều chỉnh biên độ tỷ giá so với đồng USD từ 1% lên 2%, thực chất là cho phép nới tỷ giá ngoại tệ thêm 1% nữa. 

Là quốc gia láng giềng, đồng thời lại là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, chắc chắn việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế chúng ta. Ảnh hưởng đầu tiên là cán cân thương mại Việt Nam - Trung Quốc có thể thâm hụt nặng hơn. Theo Tổng cục Thống kê, trong 7 tháng đầu năm 2015, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch ước tính đạt 28,8 tỷ USD, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước. Do đó lượng hàng giá rẻ hơn từ Trung Quốc sang thị trường Việt Nam sẽ là sức ép với doanh nghiệp nội địa.

Hiện nay, thâm hụt cán cân thương mại của Trung Quốc đối với Việt Nam là rất lớn (gần 17 tỷ USD). Ở góc độ vĩ mô, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, Hiệu trưởng trường Đại học tài chính Marketing (Bộ Tài chính) phân tích trong cán cân thương mại chung, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chỉ chiếm 10% tỷ trọng, nhưng ở chiều nhập khẩu là 30%. Với tình hình trên, nếu cơ quan điều hành không có những phòng vệ thích đáng thì nhập siêu từ Trung Quốc sẽ tăng mạnh, vì nhân dân tệ mất giá thì hàng hoá của Trung Quốc vào Việt Nam sẽ rất rẻ, gây khó khăn cho sự cạnh tranh của các sản phẩm trong nước.

Với việc phá giá nhân dân tệ, hàng hóa Trung Quốc sẽ rẻ hơn và thâm nhập sâu hơn vào thị trường Việt Nam. Ở chiều ngược lại, hàng hóa Việt Nam trở nên đắt hơn tại Trung Quốc, sức cạnh tranh của hàng Việt Nam tại Trung Quốc giảm, ảnh hưởng nhất định đến xuất khẩu của Việt Nam. 

Từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 7 tháng của chúng ta ước đạt 16,93 tỉ USD, giảm 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), hơn 90% doanh nghiệp thủy sản Việt Nam chọn USD là đồng tiền thanh toán cho các đơn hàng xuất khẩu. Bởi vậy, sự tăng giá của đồng USD so với nhiều đồng tiền khác tại các thị trường nhập khẩu thủy sản của Việt Nam như châu Âu, Nhật Bản, Nam Mỹ đã ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp thủy sản. Nay đồng Nhân dân tệ Trung Quốc và nhiều đồng tiền khác tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục giảm giá so với USD sẽ làm tình hình xuất khẩu thêm khó khăn.

Việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ ảnh hưởng đến xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam khi các nước xuất khẩu thủy sản khác sẽ giảm giá đồng tiền, cạnh tranh trên thị trường thế giới nói chung. Động thái điều chỉnh tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước ngày 12-8 đã tạo sự cân bằng để xuất khẩu giảm bớt áp lực do đồng Nhân dân tệ bị phá giá, tuy nhiên nếu Trung Quốc tiếp tục phá giá sâu đồng nhân dân tệ, chúng ta sẽ tiếp tục gặp khó, không thể chạy theo họ mãi được. Tương tự mặt hàng thủy sản, cà phê và cao su của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc cũng được dự báo sẽ khó khăn trong thời gian tới đây. Cùng lo ngại, một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo sang Trung Quốc cũng cho biết, xuất khẩu sang Trung Quốc thời gian tới có thể giảm mạnh vì đồng Nhân dân tệ yếu đồng thời cũng kém cạnh tranh so với các nước khác như Thái Lan, Indonesia… là những thị trường cạnh tranh trực tiếp với mặt hàng gạo của Việt Nam.