Chiếc ghế Tổng thống Brazil lung lay

ANTĐ - Vị thế của Tổng thống Dilma Rousseff đang bị lung lay sau khi Hạ nghị viện Brazil bỏ phiếu tán thành việc tiến hành luận tội đối với vị nữ Tổng thống này.

Chiếc ghế Tổng thống Brazil lung lay ảnh 1Nữ Tổng thống Brazil Dilma Rousseff
đang phải đối mặt với nhiều sức ép của phe đối lập đòi từ chức

Tổng thống Brazil Dilma Rousseff ngày 18-4 lên tiếng khẳng định, những cáo buộc của phe đối lập chống lại bà là hoàn toàn vô lý bởi các tổng thống trước đây cũng từng làm như vậy và chưa bao giờ bị đưa ra xét xử vì vi phạm pháp luật vì trên thực tế đây chỉ là những con số báo cáo kỹ thuật. Bà tố cáo những gì đã và đang diễn ra có vẻ là một quy trình hợp pháp nhưng đây chỉ là vỏ bọc để phá hoại nền dân chủ, không hề có cơ sở và là một cuộc đảo chính. 

Đây được xem là phản ứng đầu tiên của Tổng thống Rousseff sau khi Hạ viện Brazil ngày 17-4  bỏ phiếu tán thành việc tiến hành luận tội đối với người đứng đầu đất nước. Theo đó, Hạ viện cáo buộc nữ Tổng thống vi phạm Luật Trách nhiệm tài chính do đã “làm đẹp” các con số thống kê nhằm giảm bớt tỷ lệ thâm hụt ngân sách năm 2014 và đã sử dụng kinh phí bổ sung không có trong dự toán ngân sách mà không có sự đồng ý của Quốc hội. 

Tuy nhiên, bà Rousseff “phản pháo” lại rằng từ trước tới nay, các tổng thống và các chính phủ trước đều áp dụng hình thức thống kê nói trên và bản thân bà không hề tư lợi từ những khoản tiền này. Nữ Tổng thống tuyên bố sẽ chiến đấu đến cùng để bảo vệ nền dân chủ cũng như chống lại “âm mưu đảo chính” của phe đối lập. 

Ngay sau khi nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai kéo dài 4 năm từ ngày 1-1-2015, Tổng thống Rousseff đã phải đối mặt hết khó khăn này đến thử thách khác. Cũng trong năm 2015, nền kinh tế Brazil tăng trưởng âm 3,8%, mức tồi tệ nhất trong vòng 25 năm qua và dự báo kinh tế của quốc gia lớn nhất Mỹ Latinh này sẽ tiếp tục suy thoái ở mức âm 3,6%, đợt suy thoái tồi tệ nhất của Brazil trong gần 9 thập kỷ qua kể từ cuộc đại suy thoái thập niên 1930.

Cùng với những khó khăn kinh tế, vụ bê bối tham nhũng khổng lồ bị phanh phui hồi tháng 3-2014 của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Brazil (Petrobras) đã đẩy tình hình chính trị tại Brazil càng rơi vào bế tắc. Đường dây tham nhũng này đã dùng khoảng 4 tỷ USD hối lộ hàng loạt chính trị gia và quan chức, làm Tổng thống Rousseff cùng Đảng Lao động (PT), đảng cầm quyền suốt 13 năm qua ở Brazil mất uy tín trầm trọng.

Trong lúc “họa vô đơn chí”, bà Rousseff lại thêm khốn khó khi quan hệ với Phó Tổng thống Michel Temer, người đã “kề vai sát cánh” kể từ đầu nhiệm kỳ Tổng thống thứ nhất tới nay, bất ngờ bị rạn nứt. Không chỉ để Đảng Phong trào Dân chủ Brazil (PMDB) của mình rút khỏi liên minh cầm quyền ngày 23-3 vừa qua, ông Temer còn cho người của PMDB đăng tải một đoạn băng với nội dung dường như bà Rousseff đã bị phế truất vào ngày 11-4, thời điểm nhạy cảm trước cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện. 

Theo Hiến pháp Brazil, sau khi hơn 2/3 số nghị sĩ Hạ viện (367/513 nghị sĩ) bỏ phiếu tán thành luận tội Tổng thống Rousseff ngày 17-4 vừa qua, vụ việc đang được chuyển lên Thượng viện. Trong trường hợp 41 trên tổng số 81 nghị sĩ tại Thượng viện thông qua, bà Rousseff sẽ phải rời nhiệm sở trong vòng 180 ngày, nhường chỗ cho Phó Tổng thống Temer. Nếu khả năng này xảy ra, đó sẽ là cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất trong lịch sử quốc gia Nam Mỹ này.