6,1 tỷ USD khơi dòng tiềm năng

ANTĐ - Với việc thông qua Chiến lược Tokyo 2015 bao gồm các định hướng rõ ràng cho hợp tác trong giai đoạn 2016-2018, Hội nghị Cấp cao Mekong - Nhật Bản lần thứ 7 đã đặt dấu mốc quan trọng trong mục tiêu khai phá tiềm năng của khu vực gắn liền với dòng sông Mekong.

Sông Mekong là con sông dài nhất ở Đông Nam Á và lớn thứ 12 trên thế giới (4.800 km) với hơn 100 con sông nhánh lớn nhỏ đổ vào. Khởi nguồn từ cao nguyên Tây Tạng, sông Mekong chảy theo hướng Bắc - Nam qua 6 nước gồm Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Dung lượng nước sông Mekong là 475 tỷ m3/năm, đứng thứ 8 trên thế giới.

6,1 tỷ USD khơi dòng tiềm năng  ảnh 1

Các nhà lãnh đạo các nước dự Hội nghị Cấp cao Mekong - Nhật Bản lần thứ 7

Nhưng tiềm năng lớn nhất gắn với dòng sông Mekong chính là lưu vực rộng lớn với tổng diện tích 2,3 triệu km2 rất giàu tài nguyên thiên nhiên, điều kiện tự nhiên thuận lợi cho sản xuất nông, lâm nghiệp. Đây là nơi sinh sống của 320 triệu người với các sắc tộc và nền văn hóa rất phong phú. Chính vì thế mà nhiều nước ngoài khu vực muốn tăng cường hợp tác để khai thác tiềm năng của vùng Mekong. 

Diễn ra tại Tokyo hôm 4-7, Hội nghị Cấp cao Mekong - Nhật Bản lần thứ 7 đã ghi nhận những kết quả quan trọng đạt được trên cả ba trụ cột hợp tác mà Chiến lược Tokyo năm 2012 đề ra. Trên cơ sở đó, Hội nghị đã thông qua Chiến lược Tokyo 2015 cho giai đoạn 2016-2018 với mục tiêu bao trùm là bảo đảm ổn định khu vực và đạt “tăng trưởng chất lượng” tại tiểu vùng Mekong. 

Dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đề cập 3 nội dung chính để hiện thực hóa mục tiêu mà Chiến lược Tokyo 2015 đề ra. Đó là Hỗ trợ các nước Mekong xây dựng nền tảng kinh tế vững chắc để tăng trưởng ổn định và ứng phó hiệu quả với các ảnh hưởng tiêu cực từ bên ngoài; Bảo đảm sự hài hòa và cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, đặc biệt là hợp tác trong quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước Mekong; Bảo đảm môi trường hòa bình và ổn định cho phát triển. 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh đến việc tranh chấp chủ quyền biển đảo tại Biển Đông đang diễn biến phức tạp, những hoạt động bồi đắp, cải tạo và xây dựng trên quy mô lớn đã làm thay đổi căn bản nguyên trạng cấu trúc của nhiều đảo, đá và bãi ngầm, vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), làm giảm lòng tin và gia tăng căng thẳng khu vực. Những hành động này đã gây quan ngại sâu sắc và khiến không chỉ các nước ASEAN, mà còn nhiều quốc gia, tổ chức trên thế giới phải lên tiếng.

Từ thực tế trên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông là nguyện vọng, là lợi ích và trách nhiệm chung của tất cả các nước trong và ngoài khu vực. Các bên liên quan cần tuân thủ các nguyên tắc tự kiềm chế, không làm phức tạp thêm tình hình, không làm thay đổi nguyên trạng, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982; thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố DOC; thúc đẩy việc sớm xây dựng Bộ quy tắc COC.

Có thể nói đoàn Việt Nam đã đóng góp tích cực vào thành công của hội nghị lần này. Sáng kiến của Việt Nam nêu tại Hội nghị Cấp cao Mekong - Nhật Bản năm ngoái về mở rộng kết nối tiểu vùng Mekong với các khu vực xung quanh đã trở thành một nội dung quan trọng trong Chiến lược Tokyo 2015. Dư luận tin tưởng với tiềm năng vốn có và nguồn lực 750 tỷ yen (6,1 tỷ USD) vốn viện trợ phát triển mà Nhật Bản cam kết hỗ trợ các nước Mekong trong 3 năm tới, quan hệ đối tác Nhật Bản - Mekong chắc chắn sẽ có bước phát triển mạnh trong tương lai.