Xây trường rồi bỏ hoang: Phòng học mới - giấc mơ xa vời?

ANTĐ - Một trong những lý do được đưa ra để giải thích cho những công trình trường học xây dựng với tốc độ “rùa bò” này là vì ảnh hưởng của… “khủng hoảng kinh tế”. Chủ đầu tư, tức UBND xã Cộng Hòa và Tân Hòa (Quốc Oai, Hà Nội) đều đổ lỗi do nhà thầu chưa hoàn thiện nên xã chưa thể thanh toán tiền, trong khi đó nhà thầu lại than trời vì chủ đầu tư không thanh toán công nợ nên công trình suốt mấy năm nay buộc phải… ì ra đó.

Trường Tân Hòa xây xong phần thô cũng bỏ hoang vì chưa hoàn thiện

Chủ nợ hay con nợ?

Trong lúc đi khảo sát công trình lớp học “rùa bò” tại trường THCS Tân Hòa, tình cờ chúng tôi gặp ông Nguyễn Hữu Trường – Giám đốc doanh nghiệp Trường Sơn. Đây cũng chính là nhà thầu nhận trách nhiệm xây dựng công trình trường học tại 2 xã nói trên. Khi biết chúng tôi về phản ánh tiến độ xây dựng của 2 trường, ông Trường nói như khóc: “Các anh phải cứu chúng tôi, không thì tôi chết. Cũng vì 2 công trình này mà hiện nay tôi sắp trắng tay rồi”.

Để chứng minh, ông Trường móc túi ra chiếc ví rồi lộn ngược: “Đây các anh xem, có tay giám đốc công ty xây dựng nào mà bây giờ chỉ còn vỏn vẹn có 50 nghìn đồng trong túi vì đi xây trường học như tôi không?”. Theo ông Trường thì doanh nghiệp của ông nhận thi công 2 ngôi trường Cộng Hòa và Tân Hòa từ năm 2010. Theo thỏa thuận ban đầu với chủ đầu tư thì công trình sẽ được ứng vốn theo từng giai đoạn. Nhưng hiện nay doanh nghiệp hết vốn mà chủ đầu tư không hề có sự trợ giúp nên công trình mới rơi vào thảm cảnh như vậy.

Ông Trường tố khổ: “Nào chúng tôi có muốn như vậy, việc chậm tiến độ hiện nay hoàn tòan bởi lý do khách quan. Ví dụ như trường Tân Hòa, nói thật là để hoàn thiện chúng tôi chỉ cần đúng 100 triệu đồng nữa cho việc lắp cổng và hệ thống điện chiếu sáng. Nhưng do doanh nghiệp hết tiền mà không thể huy động được vốn thành ra công trình bao lâu nay vẫn phải để mặc như vậy mới dẫn tới xuống cấp và hư hại và không bàn giao được. Hay như bên trường Cộng Hòa. Chỉ cần trời hết mưa là chúng tôi sẽ cho lát sân trường, sơn lắp cửa và quét vôi là hoàn thiện cả. Lúc này doanh nghiệp rất khó khăn, chỉ mong chủ đầu tư tạo điều kiện chứ chúng tôi kiệt sức lắm rồi”.

Theo ông Trường thì: “Khi nhận công trình này thì doanh nghiệp cùng một lúc nhận khá nhiều công trình xây dựng tại địa phương. Vì vốn ít lại phải đầu tư dàn trải, hình thức thanh toán “hoàn thành hạng mục nào, nghiệm thu mới được thanh toán hạng mục đó” nên gặp đúng giai đoạn kinh tế suy thoái doanh nghiệp càng khốn đốn. Một lý do khác là chúng tôi bị nợ nhiều quá. Ngay cả UBND huyện và một số xã ở Quốc Oai vẫn nợ chúng tôi cả chục tỷ đồng chưa thanh toán. Điều đó càng khiến chúng tôi thêm khó khăn”.

Chủ đầu tư ra “tối hậu thư”

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Vương Sỹ Hồng – Phó Chủ tịch xã Cộng Hòa cho biết: “Việc xây dựng trường THCS của xã dùng nguồn vốn ngân sách do thành phố cấp. Hiện nay tiến độ xây dựng đã chậm 2 năm và tổng chi phí đã lên tới 11,6 tỷ so với 9,8 tỷ ban đầu. Thế nhưng nhà thầu mới hoàn thành việc xây thô và chưa thể bàn giao khu hiệu bộ và khu phòng học gồm 2 tầng 6 phòng. Ngoài ra còn sân trường, cổng trường và tường rào cũng chưa hoàn thiện. Xã đã 5 lần 7 lượt đôn đốc, nhưng do doanh nghiệp này thiếu vốn nên quả thực họ cũng không thể hoàn thành khối lượng công việc được. Chính vì vậy mà công trình vẫn dây dưa cho đến tận thời điểm này”. 

Cũng theo ông Hồng thì đến thời điểm hiện tại, xã đã bàn giao cho nhà thầu 8,6 tỷ đồng dưới hình thức công trình xây dựng đến đâu, nghiệm thu và thanh toán tiền đến đó. Thậm chí ngày 7-9, UBND xã và doanh nghiệp Trường Sơn đã có buổi làm việc lần chót. Cũng tại biên bản buổi làm việc này, xã đã ra “tối hậu thư” yêu cầu nhà thầu phải hoàn thiện để bàn giao công trình muộn nhất vào ngày 30-9. Chúng tôi cương quyết yêu cầu doanh nghiệp Trường Sơn nếu không bàn giao đúng thời hạn thì sẽ đơn phương thanh lý hợp đồng và mời đơn vị khác thi công tiếp. Mọi thiệt hại về kinh tế của doanh nghiệp chúng tôi không chịu trách nhiệm – ông Hồng cho biết.

Tương tự với công trình của trường Tân Hòa, ông Vương Sỹ Kiểm – Chủ tịch xã này cũng khẳng định đã “chốt” lịch buộc nhà thầu phải bàn giao vào ngày 15-9. Nếu họ không hoàn thành chúng tôi cũng sẽ thanh lý toàn bộ hợp đồng. Tuy nhiên ông Kiểm cũng thừa nhận, việc chậm tiến độ suốt thời gian qua của 2 trường học thuộc xã Cộng Hòa và Tân Hòa không phải là huyện không biết, nhưng năng lực nhà thầu có hạn mà chủ đầu tư không được phép ứng vốn nên mới xảy ra tình trạng như trên. 

Mặc dù “tối hậu thư” của chủ đầu tư đã đưa ra như vậy, nhưng xem ra khả năng thực hiện bàn giao được của doanh nghiệp Trường Sơn xem ra khó thành hiện thực trong khi 2 mốc thời hạn ngày 15 và 30-9 đã cận kề. Và việc học sinh của trường THCS Cộng Hòa, Tân Hòa có được phòng học mới cũng còn rất xa vời.