Vay nợ lãi rồi bỏ trốn phạm tội gì?

ANTĐ - Chị Bùi Thái Bình đến cơ quan công an làm đơn trình báo về việc trong khoảng thời gian 1 năm trước chị Bình có cho một người bạn là Nguyễn Tiến Hùng vay số tiền 1,2 tỉ đồng để làm ăn buôn bán với lãi suất 4.000 đồng/1 triệu/1 ngày. Hùng bỏ trốn. Vậy Hùng có phạm tội không? phạm tội gì và sẽ bị xử lý như thế nào? Chị Bình cho vay như vậy có phải là hành vi vi phạm pháp luật hay không và có bị xử lý không?

  Vay nợ lãi rồi bỏ trốn phạm tội gì? ảnh 1

Nội dung vụ án:

Vì tin tưởng và đã có giao dịch qua lại nhiều lần nên chị Bình không làm giấy tờ vay nợ. Toàn bộ số tiền trên chị Bình đều trực tiếp gửi vào tài khoản của Hùng mở tại ngân hàng. Thời gian gần đây do có nhiều vụ vỡ nợ xảy ra liên tiếp chị Bình lo lắng và yêu cầu Hùng làm giấy tờ xác nhận chuyện vay nợ này thì Hùng nói chị Bình viết giấy sẵn để Hùng ký hoặc Hùng sẽ viết giấy rồi mang về cho chị Bình (chị Bình có lưu lại tin nhắn trên điện thoại khi trao đổi về việc này với Hùng) nhưng Hùng đã cố tình không thực hiện.

Đến hạn trả cả gốc và lãi thì Hùng bỏ trốn đến nay đã gần 4 tháng, chị Bình có đến nhà thì được biết gia đình Hùng đã bán nhà và chuyển đi nơi khác. Sau đó, chị Bình có liên hệ qua điện thoại với người nhà Hùng để hỏi tin tức thì họ đều trả lời là không biết. Đến cơ quan Hùng thì được biết anh ta đã bị cơ quan sa thải vì nghỉ không có lý do quá ngày luật quy định. Vấn đề đặt ra là Hùng có phạm tội không? phạm tội gì và sẽ bị xử lý như thế nào, trong trường hợp chị Bình cho vay như vậy có phải là hành vi vi phạm pháp luật hay không và có bị xử lý không?

 Ý kiến bạn đọc:

Nghi can Hùng đã phạm tội lừa đảo

Theo tôi trong trường hợp của vụ việc này Hùng đã dựa vào mối quan hệ với chị Bình để vay tiền. Chắc chắn khi vay tiền Hùng đã phải cam kết với chị Bình về khả năng trả nợ. Tuy nhiên đến kỳ hạn thanh toán Hùng đã không thanh toán, không viết giấy vay nợ và thậm chí đã bỏ trốn để chiếm đoạt số tiền đó. Như vậy bằng thủ đoạn gian dối, Hùng đã chiếm đoạt tiền của chị Bình.

Hành vi này đã vi phạm điều 139 Bộ luật Hình sự về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Với số tiền chiếm đoạt là 1,2 tỷ đồng trong vụ việc này hành vi của Hùng đã vi phạm mục a, khoản 4 của điều 139 Bộ luật Hình sự. Theo đó khi chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.
                                                       Trần Thúy Hà (Bảo Thắng - Lào Cai)

Hành vi của Hùng là lạm dụng tín nhiệm

Theo tôi, mục đích của Hùng vay chị Bình số tiền 1,2 tỷ đồng ban đầu là để làm ăn buôn bán. Chị Bình là người hiểu rõ điều này vì trước đó đã từng có giao dịch với Hùng nên mới đồng ý để cho anh Hùng vay tiền.Tuy nhiên trong quá trình làm ăn, do thua lỗ nên Hùng mới bị mất khả năng trả nợ cho chị Bình, đến khi chị Bình đòi tiền thì Hùng cố tình không trả.

Đến thời điểm phải thanh toán món nợ, Hùng không thể trả được khoản nợ và bỏ trốn với mục đích không phải trả món nợ đó. Như vậy, Hùng đã lợi dụng sự tin tưởng của chị Bình để chiếm đoạt tiền, cho dù ban đầu lúc vay tiền của chị Bình có thể ý thức của Hùng không nghĩ tới điều đó.
                         Dương Đình Tùng (Yên Mô - Ninh Bình)

Chị Bình đã phạm tội cho vay nặng lãi

Tôi cho rằng trong trường hợp chị Bình cho Hùng vay khoản tiền 1,2 tỷ đồng với lãi suất 4000/ngày/1 triệu thì nếu tính ra cụ thể sẽ tương đương 0,4-0,6%1ngày và rơi vào khoảng 12-18%/tháng. Như vậy có thể thấy như chị Bình đã cho vay cao gấp 10 lần so với mức cho vay cao nhất mà Nhà nước quy định.

Như vậy chị Bình đã vi phạm khoản 1 Điều 163 Bộ luật Hình sự Tội cho vay lãi nặng. Theo đó, người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ mười lần trở lên có tính chất chuyên bóc lột, thì bị phạt tiền từ một lần đến mười lần số tiền lãi hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm.
                                                    Trần Quảng Hà (Hải Châu - Đà Nẵng)

 Bình luận của luật sư :

Vay tiền là giao dịch dân sự bình thường được pháp luật cho phép, nhưng trong bối cảnh có tác động giao dịch này có thể bị biến tướng, bị bóp méo trở thành vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 73/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự an toàn xã hội, người có hành vi “dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản của người khác nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự” có thể bị phạt tiền từ 1.000.000 đến 2.000.000 đồng.

Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là “tịch thu tang vật, phương tiện” và phải bồi thường toàn bộ thiệt hại do vi phạm hành chính gây ra. Ngoài biện pháp xử phạt vi phạm hành chính, người vay vốn trả lãi suất cao và bỏ trốn khi không trả được nợ thì tùy từng trường hợp cụ thể có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. 
Trong trường hợp của vụ việc này, căn cứ vào Điều 140 Bộ luật Hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản có quy định:

“1. Người nào có một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ một triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới một triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm:

  a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian  dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó;

  b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm và bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản hoặc một trong hai hình phạt trên”.

Hùng đã dựa vào sự tin tưởng của chị Bình để vay tiền, nhưng do đã vay đến một số tiền quá lớn và không có khả năng thanh toán được thì bỏ trốn (thuộc vào điểm a, Khoản 4, Điều 140 Bộ luật Hnh sự). Do đó hành vi của anh Hùng là hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Theo tôi, trong trường hợp này để khẳng định Hùng có phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điều 139 - Bộ Luật Hình sự hay không thì phải căn cứ vào hành vi cụ thể của anh này. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản bao gồm 2 hành vi khách quan. Đó là hành vi dùng thủ đoạn gian dối và hành vi chiếm đoạt tài sản. Đây là dấu hiệu bắt buộc (yếu tố cần và đủ) để xác định một người có phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay không.

Trong trường hợp của vụ việc này, Hùng chỉ mới có hành vi gian dối mà không có ý định chiếm đoạt, tức là có ý thức vay rồi sẽ trả (bằng chứng là đã có giao dịch qua lại nhiều lần) nhưng do làm ăn thua lỗ, gặp hoàn cảnh khó khăn… nên không trả được. Để xác định Hùng có chiếm đoạt tiền hay không cần phải căn cứ vào các tình tiết cụ thể, mối quan hệ giữa chị Bình và Hùng; mục đích, động cơ của Hùng về việc sử dụng số tiền vay như thế nào...

Nếu Hùng sau khi vay được tiền đã sử dụng tiền đó vào mục đích phạm tội như buôn lậu, đánh bạc, đưa hối lộ... dẫn đến mất khả năng trả nợ thì phải coi hành vi vay tiền của Hùng là chiếm đoạt tài sản. Trong trường hợp Hùng sau khi vay được tiền và đã dùng số tiền đó đầu tư vào các lĩnh vực khác không đúng với thỏa thuận với chị Bình (kể cả kinh doanh hợp pháp và không hợp pháp) dẫn đến mất khả năng thanh toán nợ thì cũng không bị coi là chiếm đoạt.

 Đối với hành vi của chị Bình, theo quy định Điều 163, Bộ luật Hình sự 1999 có quy định về tội cho vay nặng lãi như sau:
 “1. Người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ 10 lần trở lên có tính chất chuyên bóc lột, thì bị phạt tiền từ 1 lần đến 10 lần số tiền lãi hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm. 2. Phạm tội thu lợi bất chính lớn thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”. Quy định về mức lãi suất thì tại Điều 476 Bộ luật dân sự có quy định: “Lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150 % của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng”. 

Theo Quyết định số 2868/QĐ-NHNN ngày 29-11-2010 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định mức lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam là 9%/năm, có hiệu lực từ ngày 01/12/2010. Nếu lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố hiện nay là 9%/năm, thì mức cho vay tối đa là 13,5 %/năm (tức 1,125%/tháng). Nếu trường hợp cho vay 1,2 tỷ đồng với lãi suất 4000/ngày/1 triệu thì tương đương 0,4-0,6% 1 ngày và 12-18% /tháng.

Như vậy chị Binh đã cho vay cao gấp 10 lần so với mức cho vay cao nhất mà nhà pháp quy định. Tuy nhiên Căn cứ theo Điều 163 Bộ luật Hình sự về tội Cho vay nặng lãi có quy định: “Người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ mười lần trở lên có tính chất chuyên bóc lột, thì bị phạt tiền từ một lần đến mười lần số tiền lãi hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm”.

Do việc cho vay của chị Bình không có tính “chuyên bóc lột” nên chị Bình sẽ không chịu trách nhiệm hình sự về tội cho vay nặng lãi. Tuy nhiên chị Bình sẽ bị phạt tiền từ 5000.000 đến 15000.000 theo Điểm d khoản 3 Điều 11 Nghị định167/2013/NĐ-CP:
“ Điều 11. Vi phạm các quy định về quản lý ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự 

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
d) Cho vay tiền có cầm cố tài sản, nhưng lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm cho vay”.
Luật sư Đỗ Quang Hùng, Văn phòng Luật Quang Trung