Trồng nhầm dưa vô sinh, nông dân trắng tay

ANTĐ - Được quảng cáo là cho quả to, đẹp, năng suất cao, sinh trưởng khỏe, hàng chục hộ nông dân tại thôn Văn Quán và Khê Ngoại, xã Văn Khê, huyện Mê Linh, Hà Nội đã đua nhau mua hạt giống dưa leo HMT356 về trồng. Thế nhưng sau 2 tháng canh tác, hầu hết bà con đều “méo mặt” bởi giống dưa này chỉ cho ra… lá.

Trồng nhầm dưa vô sinh, nông dân trắng tay ảnh 1Trồng 3,5 sào dưa mô hình thí điểm, chị Lan vẫn hoàn tay trắng

Điêu đứng vì… tin quảng cáo

Gần 2 tháng nay, gia đình chị Trương Thị Thắm, trú tại thôn Khê Ngoại rơi vào cảnh vợ chồng lục đục. Cứ mỗi khi thấy chị vác cuốc ra thăm bãi dưa, chồng chị lại mát mẻ: “Nhớ mang về ít lá dưa cho đàn lợn ở nhà nhai tạm nhé”. Chị Thắm bảo, những lúc như thế, chị bực lắm. Lợn thì ăn cám chứ nào ăn được lá dưa bao giờ, nhưng cứ nghĩ tới ruộng dưa được gia đình chăm bẵm trong gần 2 tháng thì chị lại tức đến… sôi máu. 

Sở dĩ xảy ra cơ sự này là bởi hồi tháng 2, chị Thắm nghe bà con trong thôn kháo nhau rằng, hiện Công ty Hai Mũi Tên Đỏ cử cán bộ về tiếp thị một giống dưa leo mới cho năng suất rất tốt. Giống dưa này cho nhiều quả, đẹp mã và sinh trưởng tốt hơn các giống dưa mà bà con đã từng gieo trồng trước đây. Chị Thắm nói: “Lúc ấy mọi người đua nhau trồng. Thấy vậy tôi cũng mua hạt giống về gieo cho 2 sào đất bãi của mình. Nhưng chồng tôi bảo, kinh tế cả nhà chỉ trông vào 2 sào đất bãi nên cứ giống cũ mà làm. Giống mới chẳng biết thế nào, lỡ năng suất thu hoạch không được như giống cũ thì lấy đâu ra tiền nuôi lũ trẻ ăn học. Tiếc là tôi chẳng nghe, cứ theo lời vị cán bộ nọ “mạnh dạn cải tiến kỹ thuật”. Ai dè, sau mấy tháng trồng giống dưa mới lại ra nông nỗi thế này!”.

Trồng nhầm dưa vô sinh, nông dân trắng tay ảnh 2Người dân rất bức xúc vì bị lừa

Với giống cũ, chỉ sau 50 ngày trồng, gia đình chị Thắm đã được thu hoạch, trung bình mỗi sào thu về 15 triệu đồng. Nhưng với giống dưa mới thì sau 2 tháng chăm bẵm chị Thắm chỉ thấy lá tốt um chứ chẳng hề ra quả. Bấm bụng chăm ruộng thêm 1 tháng nữa, áp dụng đủ các biện pháp để thúc cây ra quả, thậm chí mời cả nhân viên của công ty về hướng dẫn kỹ thuật và theo dõi hàng ngày, nhưng kết quả vẫn… toàn lá. Lúc này thì vị cán bộ của Công ty Hai Mũi Tên Đỏ cũng mất hút.

Cũng gần giống chị Thắm, nhưng bà Nguyễn Thị Thành ở khu 16, xóm San, thôn Khê Ngoại có phần “ít thiệt hại” hơn bởi với 1,4 sào canh tác, bà còn thu hoạch được gần… 10kg dưa. Kể về hoàn cảnh của mình, bà Thành bức xúc: “Họ cứ quảng cáo là dưa năng suất lắm, nhưng đến khi thu hoạch, số dưa của tôi chẳng đủ cho lũ trẻ trong nhà ăn chứ chưa nói đến bán. Chị gái tôi cũng trồng 1,2 sào giống dưa này và mất trắng hoàn toàn. Bây giờ có muốn bắt đền cũng chẳng biết tìm họ ở đâu”.

Bà con đã bị lừa

Đó là nhận định của ông Lưu Xuân Quân - Chủ tịch UBND xã Văn Khê khi được hỏi về tình trạng người dân mua phải giống dưa “vô sinh” và canh tác suốt mấy tháng qua. Sáng 30-7, ông Quân cho biết: “Thông thường, khi các đơn vị muốn phổ biến giống cây mới thì họ phải thông qua UBND xã và cán bộ khuyến nông hoặc HTX nông nghiệp địa phương để tổ chức tập huấn, hướng dẫn phương thức trồng giống mới cho bà con. Với trường hợp giống dưa lai F1-HMT356 của Công ty Hai Mũi Tên Đỏ (Công ty TNHH EAST-WEST SEED) thì họ không hề thông qua xã mà âm thầm tiếp cận từng gia đình và một số đại lý chuyên bán cây giống, thuốc bảo vệ thực vật nhỏ lẻ trên địa bàn. Sau khi có hậu quả xảy ra, UBND xã đã khuyến cáo tới từng thôn xóm qua hệ thống phát thanh để bà con cẩn trọng, tìm hiểu rõ nguồn gốc những loại giống mới”.

Trồng nhầm dưa vô sinh, nông dân trắng tay ảnh 3Giống dưa “vô sinh” làm bà con nông dân xã Văn Khê điêu đứng

Theo ông Lê Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã Văn Khê thì số hộ dân bị thiệt hại nhiều nhất tập trung ở thôn Văn Quán. Ông Dũng cũng cho biết, để bán được sản phẩm của mình, đơn vị cung ứng giống cho cán bộ về tận nơi để làm mô hình thí điểm tại nhà bà Lê Thị Lan ở xóm 3 thôn Văn Quán. Nhà bà Lan trồng tổng cộng 3,5 sào dưa và được một cán bộ tên là Kiên hướng dẫn kỹ thuật từ cách bỏ phân đến bấm ngọn…

Thế nhưng, kết quả vẫn là con số không. Khi gặp chúng tôi, bà Lan than: “Họ quảng cáo, hướng dẫn kỹ thuật thì hay lắm. Gần như ngày nào cũng gọi tôi ra thăm ruộng, thậm chí còn quay phim chụp ảnh khi cây mới nhú và khẳng định cây sẽ rất năng suất. Thế nhưng sau 2 tháng, khi chẳng thấy cây ra được quả thì cán bộ cũng mất tích luôn”.

Bà Đinh Thị Thơm trú tại thôn Khê Ngoại là người cung cấp hạt giống cho người dân xã hiện rất đau đầu. Bà bảo, “bây giờ cứ gặp tôi là người ta bắt đền vì bán “giống đểu”. Khi hay tin bà con trồng dưa không ra quả, tôi đã liên lạc với cán bộ cung cấp hạt giống của Công ty Hai Mũi Tên Đỏ, nhưng anh ta chỉ ậm ừ rồi mất tăm”. Bà Thơm đã cung cấp số điện thoại của vị cán bộ nọ cho ông Lê Văn Dũng. Tuy nhiên, khi ông Dũng bấm máy gọi và mở loa ngoài, chúng tôi chỉ nghe thấy giọng nói đều đều trả lời: “Thuê bao quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được”.