Trò lừa đảo nợ cước viễn thông: Vẫn còn nhiều người nhẹ dạ

ANTĐ - Ngày 12-8, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - CATP Hà Nội cho biết, thời gian qua, trên địa bàn Hà Nội cũng như cả nước liên tiếp xảy ra vụ việc đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng cách giả nhân viên viễn thông gọi đến số điện thoại cố định của người dân thông báo nợ cước điện thoại. Khi người dân thắc mắc, đối tượng yêu cầu bấm các phím để được khiếu nại theo hướng dẫn. 

* 40 đơn trình báo bị mất oan hơn 20 tỷ đồng

Lúc này, đối tượng thông báo người dân đang đứng tên một thuê bao ở tỉnh khác đang nợ cước viễn thông, đồng thời yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân để đối chiếu. Ít phút sau, một đối tượng khác tự xưng là cán bộ cơ quan công an, viện kiểm sát nhân dân hoặc tòa án nhân dân thông báo bị hại bị kẻ gian lấy cắp thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng để sử dụng vào mục đích vi phạm pháp luật. Đối tượng phạm tội yêu cầu bị hại rút toàn bộ tiền gửi tại ngân hàng chuyển sang tài khoản cho sẵn để phục vụ công tác điều tra. Nếu không liên quan sẽ được hoàn trả tiền trong 1-2 ngày. Suốt quá trình chuyển tiền, đối tượng yêu cầu người dân phải giữ liên lạc, không tắt điện thoại và thông báo cho người khác. Sau khi chuyển tiền nhưng không được hoàn trả theo đúng hẹn, người dân mới biết bị lừa và trình báo cơ quan công an. 

Từ ngày 1-4-2015 đến nay, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã tiếp nhận gần 40 đơn trình báo của các bị hại với tổng số tiền bị chiếm đoạt lên đến hơn 20 tỷ đồng. Quá trình điều tra, cơ quan công an phát hiện các đối tượng lừa đảo đã sử dụng điện thoại internet (so với thuê bao cố định sẽ có thêm dấu “+” phía trước) để gọi điện thực hiện hành vi phạm tội. Để tránh bị phát hiện, tội phạm còn sử dụng thẻ tín dụng của người khác để nhận tiền. Ngay sau khi bị hại gửi tiền, các đối tượng sẽ chuyển khoản sang nhiều thẻ ATM khác nhau để nhanh chóng rút tiền theo hạn mức cho phép. 

Cơ quan công an khuyến cáo: người dân khi nhận được bất cứ cuộc điện thoại nào liên quan đến thông báo nợ cước điện thoại, nợ tiền ngân hàng hay giả danh cơ quan chức năng cần cảnh giác không làm theo hướng dẫn. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản, không chuyển tiền qua ngân hàng, không thực hiện bấm số gọi lại để tránh phát sinh cước. Sau đó, cần liên hệ ngay với tổng đài chăm sóc khách hàng của mạng viễn thông để xác minh, trường hợp nghi vấn cần trình báo cơ quan công an để phối hợp giải quyết.