Tranh chấp nuôi con khi án ly hôn chưa có hiệu lực

ANTĐ - Khoảng 8h45 ngày 4-12, ông Nguyễn Đình T (trú tại xã Bình An, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) vừa đi chợ về thì một nhóm thanh niên xông vào nhà, đập phá đồ đạc và hăm dọa ông. Thấy ông T định chống cự, những người này hất đổ chiếc xe máy trong nhà, sau đó 4 người trong nhóm xông vào khống chế ông T, 2 người còn lại ập đến bắt cháu Nguyễn Thị Hoàng Y (4 tuổi, con gái ông T). Sau đó những người này đưa cháu Y lên xe máy đi mất. Người dân đã nhanh chóng trình báo chính quyền. 
Tranh chấp nuôi con khi án ly hôn chưa có hiệu lực  ảnh 1

Nhận được tin báo, lực lượng Công an xã Bình An đã phối hợp cùng Công an huyện Thăng Bình ngay lập tức có mặt tại hiện trường để thu thập chứng cứ, lấy thông tin liên quan. Ông T cho biết, trong 6 người xông vào nhà ông và bắt cháu Y đi, ông nhận ra 3 người, đều là người quen biết với người vợ vừa ly hôn của ông là bà Nguyễn Thị H. Qua điều tra ban đầu, cơ quan chức năng cho biết, việc nhóm người xông vào nhà khống chế ông T và đưa bé gái 4 tuổi đi nguyên nhân xuất phát từ việc tranh chấp quyền nuôi con giữa ông T và bà H.

Được biết, thời gian gần đây giữa vợ chồng ông T - bà H thường xảy ra mâu thuẫn nên hai bên ly hôn. Tại phiên tòa sơ thẩm gần đây, 2 đứa con của ông T và bà H (gồm cả cháu Y) được tòa giao cho người vợ nuôi dưỡng. Tuy nhiên, trước đó, khi bản án chưa có hiệu lực thì ông T đã đưa cháu Y về nhà nuôi. Sáng 4.12, người nhà phía bên vợ ông H đã đến đòi cháu Y về.

Vấn đề đặt ra là việc ông T đưa cháu Y về nhà nuôi có vi phạm pháp luật hay không? Việc nhóm người đến không chế ông T để đưa cháu Y đi có phạm tội bắt cóc hay không, hình thức xử phạt như thế nào, vai trò của bà H trong vụ việc này ra sao?

 Ý kiến bạn đọc :

Ông T không vi phạm pháp luật

Khoản 1 Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật Dân sự và các luật khác có liên quan. Căn cứ theo điều này có thể khẳng định sau khi ly hôn ông T vẫn có quyền được trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con.

Tuy nhiên, vấn đề là việc ông T đưa cháu Y về nhà nuôi có hợp pháp hay không. Theo tôi, trong trường hợp này mặc dù tại phiên tòa sơ thẩm Tòa án đã giao cháu Y cho bà H nuôi dưỡng. Tuy nhiên do bản án chưa có hiệu lực nên việc ông T đưa cháu Y về nhà nuôi không bị pháp luật ngăn cấm. Còn nếu như sau khi bản án có hiệu lực mà ông T vẫn tiếp tục nuôi thì khi đó hành vi của ông T mới bị coi là vi phạm pháp luật. 

Trần Quốc Thắng (Thanh Thủy -  Phú Thọ)

Các đối tượng không phạm tội bắt cóc

Theo tôi hành vi của các đối tượng này không thể cấu thành tội bắt cóc. Bởi trong Bộ luật Hình sự chỉ có tội Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản được quy định tại điều 134 Bộ luật Hình sự. Theo đó, về cấu thành tội phạm ở Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản thì hành vi của người thực hiện tội phạm phải đồng thời xâm phạm hai khách thể được luật hình sự bảo vệ đó là quyền bất khả xâm phạm về thân thể và quyền sở hữu.

Mục đích mà người phạm tội hướng tới là chiếm đoạt tài sản thì mới cấu thành tội này. Trong khi đó, ở vụ việc này các đối tượng khi đến nhà anh T không có mục đích bắt cháu Y để chiếm đoạt tài sản hoặc gây sức ép tinh thần, yêu cầu anh T đưa tiền chuộc, vì thế hành vi của các đối tượng trong vụ việc này không thể cấu thành tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 134 Bộ luật Hình sự.

Nguyễn Duy Hùng (Văn Giang - Hưng Yên)

Đủ yếu tố để cấu thành tội bắt giữ người trái pháp luật

Ở vụ việc này các đối tượng đến nhà anh T không có mục đích bắt cháu Y mà chỉ có ý định là đưa cháu Y về với bà H là mẹ của cháu. Tuy nhiên, do phán quyết của tòa án về việc ly hôn giữa ông T và bà H chưa có hiệu lực nên trên danh nghĩa giữa ông T và bà H vẫn còn là vợ chồng.

Hành vi của các đối tượng xông vào nhà ông T để bắt cháu Y đưa đi theo tôi đã có thể cấu thành tội bắt giữ người trái pháp luật theo quy định tại điều 123 Bộ luật Hình sự. Ở trường hợp thứ nhất các đối tượng này có thể bị truy tố theo khoản 1 điều 123: “Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm”. Trong trường hợp thứ hai các đối tượng này có thể bị truy tố theo khoản 2 điều 123 với mức án phạt tù từ một năm đến năm năm vì phạm tội “có tổ chức”.

Đoàn Quốc Bình (Long Biên - Hà Nội)

 Bình luận của luật sư :

Do mâu thuẫn giữa vợ chồng ông T và bà H nên hai người quyết định ly hôn, khi đó sẽ phát sinh vấn đề nuôi con giữa hai vợ chồng. Tuy nhiên, trước khi bản án ly hôn chưa có hiệu lực pháp luật thì ông T và bà H vẫn là vợ chồng, vẫn có quyền, nghĩa vụ với nhau và có trách nhiệm với con cái như chưa ly hôn. Ai cũng có quyền và nghĩa vụ trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình (Khoản 2, Điều 69 - Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014).

Mặc dù bản án ly hôn chưa có hiệu lực pháp luật nhưng ông T và bà H không còn chung sống với nhau, dẫn đến việc ông T đã đưa cháu Y về nhà nuôi dưỡng. Vậy, việc Ông T đưa cháu Y về nuôi trong trường hợp này có vi phạm pháp luật hay không?

Trước hết, khi bản án ly hôn chưa có hiệu lực pháp luật thì ông T và bà H đều có quyền ngang nhau trong việc nuôi dưỡng và chăm sóc con cái để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội.

Khi bản án ly hôn có hiệu lực pháp luật mà bà H được quyền trực tiếp nuôi con thì ông T có nghĩa vụ giao con cho bà H. Nếu ông T cố tình không giao thì bà H có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết để bảo vệ quyền lợi của mình. Khi đó ông T sẽ bị cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế cần thiết buộc phải giao con cho bà H, nếu tiếp tục vi phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành bản án theo diều 304 Bộ luật Hình sự.

Tuy nhiên, cho dù bản án ly hôn đã có hiệu lực pháp luật, bà H đã đón được con về nuôi dưỡng nhưng nếu có căn cứ bà H không đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc ông T và bà H thỏa thuận được về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con thì tòa án có thể thay đổi người trực tiếp nuôi con theo qui định tại Điều 84 - Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.

Do không hiểu qui định của pháp luật hoặc cố tình không thực hiện theo đúng quy định pháp luật của cả ông T và bà H đã dẫn đến hậu quả có sự việc một nhóm người tới nhà ông T đập phá đồ đạc, khống chế ông T để đưa cháu Y đi. Hành vi của nhóm người này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Hủy hoại tài sản và Bắt người trái pháp luật, cụ thể như sau:

Thứ nhất, nếu hành vi tự ý đập phá đồ đạc trong nhà ông T gây thiệt hại từ 2 triệu đồng trở lên thì nhóm người này bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (Điều 143 Bộ luật Hình sự sửa đổi 2009). Tài sản của ông T bị thiệt hại do những người đến bắt cháu bé gây thiệt hại cho ông T mà không có chỉ đạo gây thiệt hại của bà H thì bà H không phải chịu trách nhiệm bồi thường tài sản đó hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý hủy hoại hoặc làm hư hỏng tài sản. Nếu có sự chỉ đạo của bà H thì bà H là đồng phạm với nhóm thanh niên trong trường hợp này.

Thứ hai, việc nhóm người này vào nhà ông T, khống chế ông T để bắt cháu Y đi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật theo điều 123 Bộ luật Hình sự 1999. Hiến pháp và Bộ luật Hình sự nước CHXHCN Việt Nam đều ghi nhận Quyền tự do thân thể là một trong những quyền cơ bản của công dân. Công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể… Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trừ trường hợp phạm tội quả tang.

Như vậy, nhóm thanh niên tự ý vào nhà ông T, khống chế ông để bắt cháu Y đi là hành vi vi phạm pháp luật, có đủ căn cứ cấu thành tội Bắt người trái pháp luật. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự cụ thể như thế nào còn phụ thuộc vào yếu tố về mặt chủ thể của tội phạm, tức là về độ tuổi, năng lực trách nhiệm hình sự và yếu tố có tổ chức của nhóm người phạm tội.

Trong trường hợp, cháu Y mới 4 tuổi, đang sống với cha. Nếu cha mẹ cháu có ly hôn, ai được quyền nuôi con thì người còn lại phải có nghĩa vụ giao con cho người được quyền trực tiếp nuôi theo quyết đinh của cơ quan có thẩm quyền. Nếu người cha/mẹ cố tình không giao con cho người được quyền trực tiếp nuôi con thì người kia có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết và áp dụng biện pháp cưỡng chế bắt buộc phải giao con, các cá nhân không có thẩm quyền thực hiện việc bắt cháu bé nếu cố tình thực hiện là trái pháp luật. 

Luật sư Bùi Sinh Quyền (Văn phòng Luật sư Phúc Thọ)