Tại sao không "chuyện kể hóa" dấu mốc lịch sử?

ANTĐ - LTS: Sau khi Báo An ninh Thủ đô số ra ngày 10-10-2015 đăng bài “Lo môn Lịch sử bị "bỏ rơi"”, nhiều bạn đọc, chuyên gia giáo dục, nhà văn hóa, nhà văn, thầy cô giáo và học sinh đã gửi tới tòa soạn ý kiến phản hồi. Báo An ninh Thủ đô xin trích đăng một số ý kiến tiêu biểu của bạn đọc xung quanh vấn đề này.
Tại sao không "chuyện kể hóa" dấu mốc lịch sử? ảnh 1

Bị ám ảnh vì học... Lịch sử

Có thể hơi cường điệu nếu so sánh, một đứa trẻ không biết gì về lịch sử đất nước (và lịch sử nói chung), cũng nguy hiểm như việc đứa trẻ ấy không biết chút thông tin gì về ông bà, cha mẹ, dòng tộc… Vì vậy, việc “bắt buộc” trẻ học sử là điều không cần phải bàn cãi. 

Khi chúng ta đã thống nhất được rằng, đứa trẻ cần phải biết về ông bà, mẹ cha, dòng tộc… nhưng lại buộc đứa trẻ học về ông nội bằng cách thuộc lòng các thông tin: Ông nội sinh ngày tháng năm nào, ở đâu? Ông nội bắt đầu đi học ngày tháng năm nào, trường nào, lớp nào?

Tại sao không "chuyện kể hóa" dấu mốc lịch sử? ảnh 2

Giờ học Lịch sử tại trường Tiểu học Lý Thái Tổ, Hà Nội

Thành tích học tập của ông nội ở tiểu học bao gồm những môn nào, bảng điểm các môn từ tiểu học lên đại học của ông nội… Kế đến, ông nội vào làm ở cơ quan nào, phòng ban nào, các thành tích chiến sĩ thi đua, lao động tiên tiến hàng năm ra sao? Tất cả các mốc, các mục, các bảng điểm của ông nội đứa trẻ đều phải… học thuộc lòng và kiểm tra đều đặn. Một ví dụ có phần hơi… quá đà, nhưng dường như con em chúng ta hiện đang phải học lịch sử theo phương pháp gần giống như thế. 

Tôi có đứa con vừa tốt nghiệp tiểu học, chỉ riêng bài “Điện Biên Phủ trên không”, ở kì thi năm rồi, các cháu phải học thuộc lòng một bảng số liệu dài nửa trang sách. Cụ thể là các đợt tấn công, địa danh, số nhà cửa bị phá hủy, số người thiệt mạng hay bị thương, cùng với đó là số máy bay địch bị bắn, trong đó có bị bắn rơi tại chỗ hay bị bắn nói chung, số phi công bị quân ta bắt… Và bảng số liệu ấy trải dài qua một tuần sự kiện, mỗi ngày các số liệu khác nhau một chút, cực kỳ dễ nhầm lẫn. Với những đứa trẻ mới chỉ hơn 10 tuổi, phải học theo phương pháp ấy, các cháu đã… bị ám ảnh, sợ sệt và hẳn nhiên không thể nào nhớ lâu, cũng như yêu thích môn Lịch sử.

Tránh học thuộc lòng, đơn giản việc thi cử

Hoàn cảnh của chúng ta hiện nay có lẽ chưa thể ước ao được học sử theo cách của nhiều nước tiên tiến. Họ có cả những bảo tàng rộng lớn, trong đó mỗi giai đoạn lịch sử được mô phỏng bằng sa bàn, tượng sáp, hiện vật… Đám trẻ tới bảo tàng để học lịch sử bằng cách xem phim, xem hình ảnh động…, tuyệt đối không phải ghi nhớ các sự kiện, số liệu phức tạp. Sau đó chúng về tự viết thu hoạch, bàn luận theo nhóm, nêu ý kiến độc lập, phản biện… Vừa thích thú, vừa sôi động, vừa nhớ lâu…

Với hoàn cảnh chúng ta thì sao? Thuở còn đi học, hẳn hầu hết ai cũng có một thầy cô giáo nào đó để lại ấn tượng thích thú. Các con tôi giờ đây cũng vậy, chúng kể với tôi, rất thích thầy A, cô B. Hỏi chúng tại sao thích, chúng nói, các thầy cô ấy rất hay… kể chuyện trên lớp thay vì bắt học thuộc lòng.

Hẳn vẫn có những thầy cô “xé rào” như thế và những tiết học ấy còn được lưu dấu mãi, thay vì nỗi ám ảnh. Tại sao chúng ta không “chuyện kể hóa” những dấu mốc lịch sử? Một hình thức khác, hoàn toàn khả thi, đó là đưa truyện tranh vào chương trình học. Những bộ truyện tranh theo hướng này đã được xuất bản ở khá nhiều trong nước, công phu, nghiêm túc… Chỉ cần xâu chuỗi, thống nhất thành giáo trình. Khi vào lớp, các cháu đọc truyện, bàn luận cùng nhau, cùng giáo viên hướng dẫn.

Một hình thức khác, có thể sân khấu hóa một bài học lịch sử, do chính các cháu xây dựng kịch bản, cùng nhau diễn xuất. Một cách khác nữa, có thể biến một câu chuyện lịch sử thành trò chơi tập thể, ví dụ phe Sơn Tinh chiến đấu với phe Thủy Tinh, trèo đồi, trèo dốc, vượt lũ, bắt cá bắt tôm, bắt cọp bắt báo… Qua một tiết học như thế hẳn các cháu sẽ vừa vui, vừa nhớ, vừa khỏe, vừa lạc quan… Đúc kết cuối cùng là các cháu phải được chơi, được thưởng thức, được chủ động, được sinh hoạt trao đổi. Tránh tuyệt đối việc học thuộc lòng, đơn giản hết sức việc kiểm tra, thi cử… 

Và điều cuối cùng tôi muốn nói ở đây, chúng ta phải bắt tay làm ngay, đổi mới triệt để, bởi với khoảng cách 30 năm từ thuở chúng tôi học lịch sử, cho đến các con tôi hiện cũng học lịch sử, mọi sự xem ra chưa hề khác. Vẫn một kiểu học ấy, cho dù sách giáo khoa đã thay đổi nhiều lần. Chúng ta cần phải “thử nghiệm” trong bao lâu nữa, khi mà hệ quả to lớn của những bất cập trong việc học Lịch sử đang diễn ra từng ngày?

Nhà văn NGUYỄN DANH LAM

TS Lê Thị Thu Hương - giảng viên khoa Lịch sử - trường Đại học Thủ đô Hà Nội: Lo thế hệ tương lai hiểu biết nông cạn về lịch sử

Không chỉ riêng tôi mà đội ngũ các thầy cô giáo dạy bộ môn Lịch sử từ cấp phổ thông đến cấp đại học, những nhà khoa học, người tâm huyết đang rất lo lắng về một tương lai gần, thế hệ trẻ hiểu biết nông cạn về lịch sử nước nhà.

Thử hỏi đất nước có những thế hệ tương lai giỏi về mọi lĩnh vực nhưng lịch sử của dân tộc mình thì mơ hồ, ít quan tâm, vậy liệu họ có phân biệt được đúng sai khi các thế lực thù địch xuyên tạc lịch sử? Hiểu biết lịch sử cũng là góp phần giữ gìn an ninh quốc gia và chủ quyền lãnh thổ. Hiểu biết lịch sử để biết trân trọng những gì mình đang có, đồng thời vận dụng được những kinh nghiệm quý của cha ông để góp phần xây dựng xã hội hiện tại và tương lai.

Theo tôi, để phát huy tinh thần dân tộc, nâng cao lòng yêu Tổ quốc, để làm cho học sinh yêu mến lịch sử Việt Nam hơn thì nên đưa môn Lịch sử hoặc ít nhất phần Lịch sử Việt Nam là môn bắt buộc trong Chương trình giáo dục tổng thể ở phổ thông sau năm 2015. Điều này nhằm khắc phục tình trạng học sinh chạy theo xu thế hiện đại, thực dụng trước mắt, thờ ơ với lịch sử dân tộc, đồng thời cũng là kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Canada, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc…

Bên cạnh đó, muốn nâng cao chất lượng dạy và học Lịch sử trong các trường phổ thông, cần bồi dưỡng và đào tạo đội ngũ giáo viên dạy Lịch sử giỏi chuyên môn, tâm huyết và phương pháp dạy học luôn được đổi mới phù hợp lứa tuổi, tâm lý học sinh... Trong thời gian sắp tới, tôi vẫn tha thiết mong muốn bộ môn Lịch sử phải là môn học bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông.

Ông Đỗ Hoàng Sơn, Giám đốc công ty Sách Long Minh: Muốn dạy tốt phải truyền được tình yêu lịch sử 

Câu chuyện được chia sẻ ở đây là kinh nghiệm giúp con tôi làm quen và yêu thích lịch sử Việt Nam. Bài học đầu tiên là từ những buổi đi khảo sát quanh hồ Hoàn Kiếm. Con tôi đã hiểu vì sao hồ có tên gọi là hồ Hoàn Kiếm, hình dung ra cảnh vua Lê Thái Tổ hoàn lại gươm báu cho Rùa thần.

Câu hỏi được liên tục đặt ra cho con giúp con tự suy nghĩ và gợi mở, chẳng hạn câu chuyện nói lên mong muốn hòa bình, không còn chiến tranh. “Vậy hòa bình có ý nghĩa gì với các bạn như con?”.

Câu hỏi này dường như nằm ngoài những gì cô giáo dạy cho một học sinh 8, 9 tuổi, bởi vậy tôi gợi ý: “Nếu còn chiến tranh con có được ăn kem không? Chắc chắn là không vì sẽ không có điện, không có sữa và nơi sản xuất kem, bán kem…”. Bài học ở tuần sau, tôi đưa con đi tìm hiểu về những vị vua được tôn vinh xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm như Lê Thái Tổ, Lý Thái Tổ và vị anh hùng Trần Hưng Đạo được thờ tại đền Ngọc Sơn… 

Câu chuyện dạy con yêu lịch sử kể ra đây để chia sẻ rằng, muốn giúp các em yêu lịch sử thì người dạy trước tiên phải yêu lịch sử, yêu quê hương mình và truyền được tình yêu đó cho các em qua những dẫn dắt thông tin về lịch sử, gắn liền với văn hóa, đời sống, phù hợp với tâm lý học trò. Việc đưa môn Lịch sử thành môn tự chọn hay bắt buộc chưa quan trọng bằng việc đầu tư cho người dạy, bởi yếu tố con người sẽ quyết định môn học này có vị trí như thế nào với học sinh. 

Thêm một vấn đề nữa, sách giáo khoa Lịch sử, sách giáo khoa nói chung chưa làm được tốt việc giới thiệu sách tham khảo phù hợp cho học sinh, giúp các em có thói quen đọc sách, tự xử lý thông tin, trong đó có thông tin về lịch sử. Đặc biệt là sách giáo khoa và các sách tham khảo đa số đều thiếu công cụ tra cứu các từ khóa trong mỗi cuốn sách, một tiêu chuẩn quan trọng của xuất bản sách trên thế giới.