Quyền lợi bị xâm hại, nhiều người vẫn ngại "lên tiếng"

ANTĐ - Gần 170 khiếu nại liên quan đến quyền của người tiêu dùng được gửi đến cơ quan quản lý trong 1 tháng là con số không nhỏ, nhưng vẫn chưa phản ánh hết thực tế tình trạng xâm hại quyền lợi của người tiêu dùng. Họ vẫn ở thế yếu, cả trước và sau khi mua hàng hóa, dịch vụ.

Quyền lợi bị xâm hại, nhiều người vẫn ngại "lên tiếng" ảnh 1Nhiều người “rước họa” vì mỹ phẩm trôi nổi


Mua hàng mới, được hàng trầy xước

Phản ánh đến chuyên gia tư vấn khiếu nại, bảo vệ người tiêu dùng, ông Nguyễn Văn Biên, ở quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết, gia đình ông vừa mua điều hòa nhiệt độ tại siêu thị điện máy trên đường Nguyễn Trãi (quận Hà Đông).

Khi nhân viên lắp đặt mang máy tới, phát hiện máy bị trầy xước nhiều trên vỏ nhựa, ông Biên yêu cầu được đổi máy mới nhưng nhân viên siêu thị không chấp nhận, cho rằng các vết trầy xước là do khâu sản xuất, người mua phải tự liên hệ với nhà sản xuất. “Tôi tư vấn cho người mua hàng này là nhà phân phối phải chịu trách nhiệm, vì mình bỏ tiền mua hàng mới, nhưng nhận được sản phẩm không đúng cái mình chọn. Trong trường hợp này, người tiêu dùng hiểu lơ mơ, còn thái độ ứng xử của đại diện doanh nghiệp phân phối với người mua lại quá thiếu trách nhiệm” - ông Vương Ngọc Tuấn - chuyên gia tư vấn khiếu nại, bảo vệ người tiêu dùng nói.

Theo thống kê của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), 5 tháng đầu năm nay, khiếu nại liên quan đến nhóm hàng thiết bị điện tử gia dụng nhiều thứ ba sau nhóm hàng hóa tiêu dùng hàng ngày (77 trường hợp) và nhóm điện thoại, viễn thông, truyền hình (52 trường hợp). Cũng theo cơ quan này, có 31% trường hợp người tiêu dùng khiếu nại về số lượng, chất lượng, thời gian giao hàng; 22% người tiêu dùng phàn nàn về việc bảo hành sản phẩm và 15% người tiêu dùng cho rằng không được cung cấp đầy đủ thông tin khi mua hàng hóa, dịch vụ.

 Điều này khẳng định ứng xử của doanh nghiệp với người tiêu dùng chưa tốt. Thêm vào đó, thị trường trăm người bán, vạn người mua nhưng thiếu chuẩn dịch vụ nên người tiêu dùng khó chọn những điểm mua bán tin cậy. 

Hàng rởm không biết kêu ai

Ông Vương Ngọc Tuấn cho biết thêm, gần đây có trường hợp khách hàng nữ phản ánh sau khi bôi kem dưỡng da mua qua mạng thì da mặt bị sần sùi, xấu đi. Tuy nhiên, khách hàng này không biết khiếu nại ai.

Hộp kem dưỡng da đem đến nhờ chuyên gia bảo vệ người tiêu dùng tư vấn khiếu nại ghi chữ “Made in Korea”, không có nhãn phụ tiếng Việt. Khi nhận hàng, người mua cũng không nhận được hóa đơn, chứng từ gì. “Sau khi tư vấn cho người tiêu dùng đi khám, tìm hiểu lý do da mặt thay đổi, tôi cũng nhắc nhở người mua hàng cần có hóa đơn, chứng từ. Điều này cho thấy, người tiêu dùng vẫn thiếu các kỹ năng mua hàng nên quyền lợi bị xâm phạm mà không biết kêu ai” - vị chuyên gia này cho hay. 

Bảo vệ người tiêu dùng là trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và chính bản thân người thân người tiêu dùng. Khi lĩnh vực dịch vụ phát triển mạnh như ở Việt Nam hiện nay thì bảo vệ người tiêu dùng càng quan trọng.

 Theo Cục Quản lý cạnh tranh, trong 5 tháng đầu năm nay, cơ quan này nhận được tổng số 688 khiếu nại của người tiêu dùng. Tức là trung bình mỗi tháng có gần 140 trường hợp người tiêu dùng bị xâm phạm quyền lợi. Con số này không nhỏ, nhưng chắc chắn chưa phản ánh hết tình trạng xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng trong thực tế vì nhiều người ngại “lên tiếng”. Trong khi đó, cả doanh nghiệp và người tiêu dùng, hai chủ thể chính của hoạt động mua - bán vẫn “lơ mơ” về trách nhiệm, quyền lợi của mình.