"Ổ gà" trách nhiệm

ANTĐ - Chỉ vì đưa hình ảnh người dân sửa đường được đưa lên mạng xã hội, lập tức bị cả một đoàn cán bộ tìm đến tận nhà “hỏi thăm”, trách cứ. 

Ảnh: Internet

Đó là câu chuyện khiến dư luận bức xúc và bàn tán xôn xao, xảy ra tại khu vực huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Trước đó, một tài khoản Facebook đã đưa lên mạng xã hội hình ảnh những người dân trong khu vực tự sửa chữa, san lấp một ổ gà lớn nằm trên đoạn đường thuộc quốc lộ 70.

Kèm theo đó, chủ nhân tài khoản chia sẻ rằng hố sâu trên đường này đã tồn tại gần 2 năm nay mà không được sửa chữa với bình luận: “Dân thấy đường hỏng, lấy đá rồi cành cây bao tải che để người đi đường biết. Các bác bên cầu đường ra hốt lên. Dân hỏi thì bảo nếu không dọn sẽ bị khiển trách. Có hỏi sao không xử lý đi thì các bác nói chưa có kinh phí”.

Những hình ảnh này nhận được nhiều sự tán dương, đồng thời cũng có nhiều người không khỏi băn khoăn về trách nhiệm của cơ quan chức năng khi để một hố lớn tồn tại thời gian dài, khiến nhiều người tham gia giao thông bị tại nạn hoặc gặp nguy hiểm. Nhưng chuyện đâu chỉ dừng lại có vậy, dư luận lại thêm phần bất ngờ khi ngay sau đó, đã có cả một đoàn cán bộ đến nhà người đàn ông sửa đường để truy hỏi động cơ: “Vì sao tự ý sửa đường? Vì sao đưa lên mạng?”.

Chưa hết, một người phụ nữ trong đoàn còn tỏ thái độ bức xúc, trách cứ người sửa đường vi phạm pháp luật với tuyên bố: “Công an vào anh tự chịu trách nhiệm”; tiếp đến là trách người đăng hình ảnh lên mang xã hội rằng: “Ai cho phép em đưa lên, phát ngôn linh tinh, bừa bãi, đưa tin lung tung”, “Em giết bọn chị”. Cuối cùng còn “mớm lời” rằng nếu báo chí hay cơ quan chức năng có hỏi thì phải nói cái hố đó không rộng lắm, ở mép đường và không ảnh hưởng gì (?!). Đúng là một buổi làm việc hài hước đến kỳ lạ. 

Vẫn biết việc làm tự phát của người dân không đúng theo quy định và chưa đúng kỹ thuật, nhưng thái độ của những cán bộ trong buổi làm việc “kỳ lạ” còn đáng trách hơn. Rõ ràng, không thể nói họ không có trách nhiệm trong việc để những ổ gà, ổ voi trên đường quá lâu, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân, đặc biệt khi trời tối gây mất an toàn giao thông cho các phương tiện lưu thông.

Tuy nhiên, thay vì nhận trách nhiệm thì Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ 1.3, đơn vị phụ trách tuyến đường trên đã đổ lỗi cho những người sửa đường và đăng ảnh là có “động cơ không tốt”. Cụ thể, theo ông Chi cục trưởng thì người dân sửa đường vì bị tinh giản biên chế đột ngột nên rất bức xúc, muốn nhân vụ việc để “hạ uy tín cơ quan cũ”. Và rằng không có chuyện ổ gà tồn tại 2 năm mà chỉ vì “mưa vài hôm nên mới phát sinh”. Rõ ràng đây là những phát ngôn ngụy biện một cách đầy chủ ý của ông Chi cục trưởng này. 

Chuyện này làm người ta nhớ lại câu chuyện hồi cuối năm ngoái, khi một cô giáo ở Long An đăng ảnh chiếc cầu ở địa phương bị sập, lập tức bị Đảng ủy, chính quyền xã làm khó dễ, kỷ luật, nguyên nhân được quy là làm xấu bộ mặt địa phương.

Những câu chuyện như thế này, không chỉ là một chiếc ổ gà, một chiếc cầu bị sập, mà nó khiến người ta buồn hơn với những “ổ gà” trong tư duy, trách nhiệm của cán bộ. Khi xảy ra sự việc, những cán bộ mà trong chính chức năng, nhiệm vụ của họ được phân công lại không muốn nhận lỗi, không tự phê bình mà luôn tìm cách né tránh, che đậy cái xấu, tìm lý do đổ lỗi.