Những thắc mắc của phụ huynh về vaccine Quinvaxem

ANTĐ - Tiến sỹ Dương Thu Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương trả lời một số thắc mắc của các bậc phụ huynh về vaccine Quinvaxem

- Anh Lê Minh Huynh (Khu tập thể Vân Hồ, Đống Đa, Hà Nội): Vaccine Quinvaxem phải nhập khẩu từ nước ngoài, vậy công tác kiểm định và quản lý chất lượng có khác gì so với các vaccine dịch vụ?

- Đối với các vaccine nhập khẩu vào Việt Nam, bao gồm vaccine Quinvaxem cũng như tất cả các loại vaccine sử dụng trong tiêm chủng mở rộng (TCMR) và tiêm chủng dịch vụ (TCDV) đều phải được Viện Kiểm định quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế kiểm định và đạt tiêu chuẩn về an toàn trước khi đưa vào sử dụng. Các vaccine này phải thực hiện các thủ tục để đăng ký lưu hành bao gồm các thử nghiệm cần thiết và đảm bảo đạt được các tiêu chuẩn theo quy định của Việt Nam và của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

- Chị Lê Hoàng Giang (phố Bạch Đằng, Hoàn Kiếm, Hà Nội): Là một người mẹ, tôi mong muốn được giải đáp đầy đủ hơn về những lợi ích và nguy cơ có thể xảy ra khi cho con đi tiêm phòng vaccine Quinvaxem này?

- Sử dụng vaccine Quinvaxem 5 trong 1 trong TCMR sẽ giảm số mũi tiêm cho trẻ, tiết kiệm thời gian cho các bà mẹ và gia đình, đồng thời trẻ có cơ hội phòng được 5 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Hiệu quả phòng bệnh cũng như tính an toàn của vaccine đã được WHO xác nhận. Tuy nhiên, cũng như các loại thuốc, vaccine khi tiêm đều có thể xảy ra các phản ứng. Theo khuyến cáo của WHO, các phản ứng nặng thường rất hiếm gặp. Sau tiêm chủng, trẻ có thể có một số các phản ứng thông thường như sốt nhẹ (< 38,5°C), đau hoặc sưng tấy nhẹ tại chỗ tiêm, quấy khóc…

Tuy nhiên các phản ứng này sẽ tự khỏi trong vòng 1 ngày. Một số phản ứng có thể gặp khi sử dụng vaccine Quinvaxem cũng giống như sử dụng vaccine DPT có thành phần ho gà toàn tế bào như: Khóc dai dẳng trên 3 giờ trong vòng 48 giờ sau tiêm với tỷ lệ là <1/100 liều; Co giật có kèm theo sốt hoặc không sốt trong vòng 3 ngày sau tiêm với tỷ lệ là <1/100 liều; Giảm trương lực cơ, giảm đáp ứng xảy ra trong vòng 48 giờ với tỷ lệ là 1-2/1 triệu liều; Sốc phản vệ có thể xảy ra với tỷ lệ 1-20/1 triệu liều. Tỷ lệ phản ứng thông thường và các phản ứng nặng sau tiêm đều thấp hơn so với thông báo của nhà sản xuất và WHO.

- Chị Phạm Ngọc Lan (xã Khánh Thượng, huyện Yên Mô, Ninh Bình): Trường hợp nào trẻ không tiêm được vaccine Quinvaxem?

- Không tiêm vaccine Quinvaxem cho trẻ nếu tiền sử có phản ứng mạnh đối với liều tiêm trước như: Sốt cao liên tục trong vòng 48 giờ sau tiêm vaccine; Sốc sau tiêm vaccine; Các trường hợp phản ứng quá mẫn sau tiêm vaccine; Khóc dai dẳng trên 3h trong vòng 48h sau tiêm vaccine; Co giật có kèm theo sốt hoặc không sốt trong vòng 3 ngày sau tiêm vaccine. Không tiêm cho trẻ dưới 6 tuần tuổi vì vaccine có thể không hiệu quả do còn miễn dịch từ mẹ. Hoãn tiêm cho trẻ nếu đang ốm, sốt hoặc mắc các bệnh cấp tính.

- Anh Lê Ngọc Đức (phố Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội): Thực tế hiện nay, vẫn có một số trường hợp tử vong sau tiêm chủng, vậy trẻ tử vong sau khi tiêm chủng thường do những nguyên nhân nào? 

- Theo ước tính của WHO, dị tật bẩm sinh và nhiễm trùng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi tại Việt Nam. Nếu các dấu hiệu của bệnh chưa được phát hiện tại thời điểm tiêm chủng thì rất dễ có sự trùng hợp giữa thời điểm bệnh tiến triển và tiêm chủng, vì thế các dấu hiệu bất thường sau tiêm rất dễ bị quy kết do tiêm chủng.

Thực tiễn triển khai vaccine ở Việt Nam với khoảng 600 triệu mũi tiêm các loại trong 30 năm nay, tai biến xảy ra sau tiêm là hãn hữu đã minh chứng rất rõ tính an toàn của vaccine. Tuy nhiên, cũng giống như thuốc, khi tiêm chủng mỗi cơ thể có phản ứng với vaccine khác nhau nên có người sau tiêm chủng bị sốt nhẹ, một số rất ít có thể bị phản ứng nặng hơn như sốc. Có trường hợp cùng một lô vaccine, thậm chí tiêm cùng 1 lọ vaccine nhưng có trẻ có phản ứng nghiêm trọng, trong khi các trẻ khác lại bình thường, đó là do cơ địa mỗi người khác nhau.