Đừng xử sự thô bạo với lời chê trách

ANTĐ - Trong cuộc sống thường nhật, xã hội có muôn vàn sự việc xảy ra. Giống như những lớp sóng trên sông Cái chảy qua làng Chèm quê tôi, lớp sau xóa đi lớp trước chẳng để lại dấu tích hay gợi sự chú ý của bất kỳ ai dù là nhỏ nhất.
Đừng xử sự thô bạo với lời chê trách ảnh 1

Đó là những nét vẽ bình thường của cuộc đời, tuy vậy cũng có những sự việc đơn lẻ vì nhiều lý do lại đột nhiên gây được sự chú ý, tạo ra sức hút khó cưỡng theo kiểu “một đồn mười, mười đồn trăm” và chẳng mấy chốc kéo theo đợt sóng của dư luận. Sự việc xảy ra vào trung tuần tháng 11 vừa qua tại tỉnh An Giang là một ví dụ, nội dung gói gọn như sau: Giữa tháng 6-2015, Thanh tra Chính phủ đề nghị kiểm điểm ông Vương Bình Thạnh - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang vì sự yếu kém trong quản lý đất đai, để xảy ra nhiều tiêu cực. Bà Lê Thị Thu Trang, giáo viên trường THPT Long Xuyên đã đưa thông tin này lên trang Facebook cá nhân với lời bình vô thưởng vô phạt “hồi nào vậy tèn, mà vậy cho đẹp lòng dân”.

Ngay sau đó trong phần bình luận, ông Nguyễn Huy Phúc, nhân viên Điện lực An Giang (dùng tài khoản Facebook của vợ là bà Phan Thị Kim Nga, Phó văn phòng Sở Công Thương, tỉnh An Giang) viết “ông chủ tịch này kênh kiệu, xa dân”. Ngay lập tức cả hệ thống chính trị của UBND, các ngành chức năng của tỉnh An Giang rầm rộ vào cuộc. Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh An Giang ra hình thức phạt bà Trang, ông Phúc mỗi người 5 triệu đồng. Lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh An Giang chỉ đạo trường THPT Long Xuyên xem xét và kỷ luật bà Trang. Lãnh đạo Sở Công Thương kỷ luật cảnh cáo về Đảng và chính quyền đối với bà Nga. UBND tỉnh An Giang chỉ thị Báo An Giang đưa thông tin kết quả xử lý xung quanh vụ việc này. 

Ngay lập tức, dư luận cả nước, nhất là các trang mạng xã hội đồng loạt lên tiếng và tỉnh An Giang đã có sự thay đổi. Người phát ngôn của UBND tỉnh cho biết: “Trên tinh thần cầu thị, UBND tỉnh ghi nhận, đánh giá cao những ý kiến đóng góp của người dân trong việc này và đã đưa ra biện pháp xử lý hợp tình, hợp lý”. Ông Chủ tịch UBND tỉnh An Giang thì bảo: “Để 3 người rút kinh nghiệm mà không xử phạt gì cả…”. Sau đó, cơ quan chức năng của tỉnh An Giang đã phải rút lại quyết định kỷ luật những người trên. Ngay cả Phòng GD-ĐT thành phố Châu Đốc cũng thu hồi lệnh cấm like trên Facebook đối với cán bộ của mình.

Điểm qua tiến trình vụ việc, tôi chợt nghĩ nếu những câu bình luận mang tính phê bình của cô giáo Trang và anh thợ điện Phúc không nhằm vào vị chủ tịch tỉnh thì liệu sự việc này có nổi tiếng không? Và cũng từ sự nổi tiếng của một việc tưởng như rất đỗi bình thường này, tôi lại nghĩ đến sức mạnh của dư luận khi mang đôi cánh của kỹ thuật thông tin thời @. 

Triết gia cổ đại Tuân Tử có câu:“Ai chê ta là thầy ta. Ai khen ta là bạn ta. Những kẻ nịnh bợ, vuốt ve ta chính là kẻ thù của ta”. Trong hội nghị tổng kết công tác 2014 và triển khai nhiệm vụ năm mới của Văn phòng Chính phủ tổ chức đầu năm 2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói: “Hiện nay có hàng  chục triệu người Việt sử dụng mạng xã hội và đó là nhu cầu thiết yếu không thể ngăn cấm được… Các đồng chí ngồi đây đều tham gia mạng xã hội, có điện thoại để lên Facebook xem thông tin. Vậy làm sao để thông tin đó luôn đúng đắn. Chúng ta không ngăn, không cấm được, trên mạng ai nói gì thì nói, nhưng có thông tin chính thống của Chính phủ thì người dân mới có lòng tin”.

Sức mạnh của thông tin là như vậy, còn những nhận vật nối tiếng ứng phó với ý kiến trái chiều ra sao? Hãy xem cách Tổng thống Mỹ Barack Obama đối diện với những bình luận ác ý được đăng tải trên Youtube. Trước câu bình luận: “Tóc ông ta ngày càng bạc. Chẳng hiểu sao vì ông ta chẳng quan tâm chút gì tới đất nước”, ông Obama nhún vai lặng im vài giây, rồi chuyển sang câu tiếp theo: “Có thể chở ông Obama đến sân golf nào đó cách đây nửa vòng trái đất, rồi bỏ ông ta ở đó một mình không?”. “Tôi nghĩ đó là một sáng kiến tuyệt vời” - ông Obama bình luận.

Một người khác: “Làm thế nào để mắt ông ta (Obama) sáng lên? Đó là soi đèn pin vào tai ông ấy” - Obama bật cười và nói: “Hay đấy!” Hoặc: “Ai đó cho ông Obama vài mẹo làm tổng thống giỏi đi? Haha, vô ích thôi, Lol (viết tắt của Laugh out loud - cười vỡ bụng)”. Ông Obama tỉnh bơ: “Đã haha thì còn cần gì Lol nữa!”.

Nghĩ đến vụ việc An Giang tôi nhớ đến câu thơ của Đại thi hào Puskin:  “Miệng thế gian như làn sóng biển”. Người bình tĩnh hãy sàng lọc những lời nói sinh ra từ muôn nghìn cái miệng để biết lời nào xứng đáng là lời của người thầy, người bạn và của kẻ thù như Tuân Tử dạy. Đừng vì lý do nào đó mà xử sự thô bạo như cha ông ta từng phê phán “Cả vú lấp miệng em” để rồi mất hết bạn bè, sự yêu mến và trân trọng của mọi người đối với mình.       

An Giang rút lại quyết định xử phạt là phù hợp
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 25-11, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng, việc tỉnh An Giang chỉ đạo rút lại các quyết định xử phạt hành chính và chính quyền, kỷ luật Đảng đối với 3 cán bộ nhận xét Chủ tịch UBND tỉnh An Giang trên facebook là phù hợp.

“Tôi cho rằng pháp luật hiện hành đã có những quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với người có hành vi thóa mạ, xúc phạm người khác rồi. Còn nhận xét đối với một người lãnh đạo thì đó là quyền của người ta. Nếu là một người cầu thị thì nên lắng nghe, còn một người không cầu thị thì có thể có những nổi khùng lên không cần thiết” - Bộ trưởng Bộ Tư pháp nói.