Bài 2: Chính quyền phải vào cuộc

"Đòi" lại sân chơi cho trẻ - cuộc chiến gian nan

ANTĐ - Không chấp nhận cảnh các thế hệ tương lai của mình không có sân chơi, một tổ trưởng tổ dân phố 70 tuổi đã kiên trì đi vận động từ chính quyền đến từng hộ dân để làm một sân chơi vừa không tốn kém lại hiệu quả…

Người “vác tù và hàng tổng”

Bà Nguyễn Thị Vần, Tổ trưởng Tổ dân phố số 30, phường Phương Mai (Hà Nội) năm nay đã 70 tuổi. Bà sống trong căn phòng nhỏ thuộc dãy nhà D2A, ngõ 30 phố Lương Định Của. Nhìn bọn trẻ sống xung quanh suốt ngày ru rú trong nhà, bà mong muốn có một sân chơi cho trẻ em từ lâu lắm rồi, tuy nhiên, khó khăn nhất là tại tổ không có không gian để xây dựng.

"Đòi" lại sân chơi cho trẻ - cuộc chiến gian nan  ảnh 1

 Bà tổ trưởng dân phố Nguyễn Thị Vần

 Tháng 10-2014, khi người dân sống tại khu tập thể đã được cấp nước sạch trực tiếp, 2 trạm bơm và bể nước đặt tại khu đất đầu hồi nhà đã không còn được sử dụng, vừa chiếm diện tích vừa không đảm bảo vệ sinh, bà Vần đã nảy ngay ra sáng kiến xin chuyển đổi các hạng mục này để làm sân chơi cho các cháu nhỏ. 

Việc thực hiện ý tưởng đó không hề dễ dàng, bà Vần cho biết, do đặc thù các khu tập thể, nên việc vận động người dân ủng hộ việc này thực sự khó, nhưng bà vẫn quyết tâm đến từng hộ gia đình thuyết phục. Cứ thế, sau một thời gian tuyên truyền, vận động, mong muốn của bà đã nhận được sự đồng tình của 100% người dân trong khu. “Người dân ủng hộ rồi, vấn đề là lấy đâu ra tiền để triển khai đây?”, bà Vần nhớ lại.

"Đòi" lại sân chơi cho trẻ - cuộc chiến gian nan  ảnh 2

Sân chơi mà bà Vần cùng các cư dân tổ dân phố 30 xây dựng nên 

Không để khó khăn làm chùn bước, bà Vần đã trực tiếp lên UBND phường Phương Mai trình bày nguyện vọng của người dân khu dân cư và được đồng ý hỗ trợ ngay kinh phí đổ bê tông 1/2 khoảng sân (khoảng 5 triệu đồng). Tự xoay xở phần còn thiếu, bà Vần một lần nữa cùng các cán bộ trong chi bộ, tổ dân phố tới từng hộ gia đình, trình bày ý tưởng, thuyết phục, và chính bà đã là người đi đầu khi ủng hộ 2 triệu đồng – một số tiền không nhỏ với mức lương hưu của bà. Cảm động trước sự nhiệt tình và cái tâm của bà, các hộ dân trong khu người thì ủng hộ vài chục, người thì vài trăm ngàn đồng, thậm chí có gia đình ủng hộ tới gần 10 triệu đồng. Sau hơn một tháng, tổng số tiền quyên góp được phục vụ xây dựng sân chơi đã lên tới 28,75 triệu đồng. Bà Vần thuê người dỡ bỏ 2 trạm bơm, bể chứa nước, làm sân chơi...

Giờ đây, cứ mỗi chiều khoảng sân chơi trong ngõ 30 Lương Định Của lại vang lên không ngớt tiếng cười đùa của trẻ nhỏ. Với diện tích không lớn, khoảng sân chơi được bố trí đầy đủ trang thiết bị phục vụ nhu cầu vui chơi cho các bé như cầu trượt, bập bênh, đu quay, ô tô mô hình... Sân chơi còn được bố trí ghế đá và là nơi để các cụ cao tuổi đọc sách báo...

Cứ đi vào ngõ 30 phố Lương Định Của hỏi bà Vần “sân chơi” là ai cũng biết. Người ta không chỉ nhắc đến bà như một cán bộ cơ sở nhiệt huyết mà còn về sự tử tế, về tấm lòng với con trẻ rất đáng để chúng ta suy ngẫm, học hỏi.

Làm sân chơi cho trẻ em có quá khó?

Từ câu chuyện của bà Nguyễn Thị Vần, có thể thấy rõ ràng là làm sân chơi không quá tốn kém. Với kinh phí chỉ trên 20 triệu đồng, mỗi khu tập thể, khu dân cư hoàn toàn có thể tự động đóng góp. “Trước hết chúng ta cần bỏ thái độ bàng quan, cứ nghĩ là việc nhà nước lo, mình có lo cũng không được. Sân chơi chính là phục vụ con em mình, mình phải lo trước, không thể cứ ngồi đợi mãi”, bà Vần tâm sự. Theo bà Vần, từ kinh nghiệm của bà, khi chính quyền địa phương thực sự vào cuộc, vấn đề không gian dành cho sân chơi sẽ được giải quyết ngay. Khi đã có đất rồi, không khó để hoàn thành những việc còn lại.

Bác sỹ Nguyễn Trọng An, Chuyên viên cao cấp về trẻ em - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Phát triển Cộng đồng cho rằng, để giải bài toán sân chơi cho trẻ em không khó. Trước hết, cần phải cụ thể hóa các quy định với các chế tài xử phạt mạnh mẽ. Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 03 năm 2000 về việc đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, vui chơi giải trí cho trẻ em. Chỉ thị này nêu rõ, khi quy hoạch khu dân cư, đất tập thể… phải có một phần diện tích dành cho đầu tư, xây dựng khu vui chơi giải trí.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng từng có Chỉ thị tăng cường các hoạt động sinh hoạt văn hóa, văn nghệ cho trẻ em, nhưng thực tế cho thấy sân chơi vẫn ngày càng thiếu trầm trọng. Theo bác sỹ Nguyễn Trọng An, chính quyền địa phương đặc biệt là cấp phường, xã cần thật sự vào cuộc để trả lại khoảng không gian dành cho sân chơi. “Đó là tiền đề căn bản, rất quan trọng”, ông Nguyễn Trọng An nhấn mạnh. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Trọng An cũng cho rằng, với tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, Nhà nước nên huy động nguồn vốn xã hội hóa để làm sân chơi cho trẻ em. “Nhiều tổ chức, cá nhân đã có những cách làm hay, không tốn kém lại hiệu quả. Đó chính là đáp án cho bài toán sân chơi tại Hà Nội hiện nay”, ông An khẳng định.