Chồng cắt đứt gân tay vợ, nhưng vợ không yêu cầu xử lý, có khởi tố được không?

ANTĐ - Mới đây, Công an xã Lương Phong (Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) gọi chị D.T.H (34 tuổi) và chồng là Chu Quang Đạo (49 tuổi) cùng ở xã Lương Phong, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang, lên trụ sở để hỏi chuyện ly hôn. Do cuộc sống mâu thuẫn từ trước nên chị H đã làm đơn xin ly hôn. Hai người vào trụ sở xã làm việc xong thì Đạo về trước.

Chồng cắt đứt gân tay vợ, nhưng vợ không yêu cầu xử lý, có khởi tố được không? ảnh 1

Khi chị H. ra về đến đoạn đường vắng đã bị Đạo lao ra chặn lại. Đạo rút dao ra hành hung chị H. Mặc dù chị H ra sức van xin, nhưng Đạo vẫn ra tay một cách tàn độc, dùng dao cắt vào chân, tay chị H làm đứt gân. Đối tượng còn dùng chuôi dao đánh vào vùng mắt của vợ gây chấn thương. Gây án xong, Đạo bỏ đi để người vợ nằm quằn quại trên đường. Sau đó, người dân đã phát hiện và đưa chị H đi cấp cứu. 

Sau đó, Chu Quang Đạo (SN 1966) đã ra đầu thú tại Công an huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Tại đây, đối tượng đã khai nhận hành vi gây thương tích cho vợ. Hành vi của Đạo là dùng dao cắt vào chân, tay chị H làm đứt gân, tiếp đó đối tượng dùng dùng chuôi dao đánh vào vùng mắt chị H gây thương tích. Tuy nhiên, các thủ tục tố tụng của vụ án đang bị đình trệ vì chị H không hợp tác, không đi khám giám định thương tật theo trưng cầu của cơ quan điều tra, không yêu cầu xử lý hình sự đối tượng Chu Quang Đạo.

Vấn đề cần trao đổi là với nội dụng vụ án như trên, pháp luật sẽ xử lý nghi can Chu Quang Đạo như thế nào?

 Ý kiến bạn đọc :

Không có tỷ lệ thương tật, không thể khởi tố tội cố ý gây thương tích

Đúng là nghi can Chu Quang Đạo có dấu hiệu phạm tội Cố ý gây thương tích cho người khác, trong trường hợp này là vợ của nghi can, chị D.T.H. Tuy nhiên, Theo quy định tại Điều 104 Bộ luật Hình sự quy định về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác: Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% trở lên hoặc dưới 11% nhưng  phạm tội trong những trường hợp nghiêm trọng (được quy định cụ thể) là phạm tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.

Trong trường hợp này, bị hại là vợ nghi can không đi khám thương tật, vì vậy không xác định được tổn hại sức khỏe, như vậy, nếu theo đúng quy định tại Điều 104 BLHS, nghi can Chu Quang Đạo chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính, không bị truy tố trước tòa án. 

Vũ Văn Đa (Thủy Nguyên, Hải Phòng)

Không nên khởi tố để gia đình bị hại được toàn vẹn

Nếu nhìn dưới khía cạnh hôn nhân gia đình thì tại thời điểm xảy ra vụ việc, hạnh phúc gia đình chung của nghi can và bị hại đang bị đe dọa. Những mâu thuẫn giữa hai vợ chồng đang ở đỉnh cao, người vợ đơn phương nộp đơn ly hôn, người chồng là nghi can không đồng ý.

Chính vì vậy, theo tôi nghĩ, trong trường hợp này, các cơ quan bảo vệ pháp luật cần giải quyết tế nhị, lấy mục đích bảo vệ hạnh phúc gia đình cho bị hại (và cả của nghi can) cùng những đứa trẻ làm mục tiêu cao nhất. Cần tạo điều kiện cho nghi can hối lỗi, nhận ra sai lầm để chăm sóc sức khỏe cho vợ con.

Hành vi không đi giám định thương tật cũng như không đề nghị xử lý hình sự chồng mình của người vợ, chứng tỏ người vợ không muốn chồng bị xử lý hình sự thể hiện muốn hàn gắn hạnh phúc gia đình. 

Nguyễn Thị Phúc (Lương Phong, Hiệp Hòa, Bắc Giang)

Nghi can thể hiện hành vi phạm tội một cách dã man

Không thể nói khác, nghi can Chu Quang Đạo đã có hành vi cố ý gây thương tích cho chính người vợ của mình. Quan trọng không phải là nghi can đã gây tổn thất bao nhiêu phần trăm cho sức khỏe người bị hại mà theo đúng nội dung vụ án, nghi can đã có hành vi rất dã man khi phạm tội, phạm tội đến cùng, gây thương tích cho vợ ở nhiều nơi trên cơ thể.

Nghi can đã cắt gân chân, gân tay của vợ mình, hành vi cố ý hủy hoại toàn bộ khả năng lao động để nuôi con của vợ mình. Nghi can muốn biến vợ mình thành người tàn tật.

Đây là hành vi dã man cần phải bị nghiêm trị trước pháp luật. Không thể lấy mục đích bảo toàn hạnh phúc gia đình để tha thứ cho kẻ dã man này được, vì nếu tha thứ lần này, lần sau chắc chắn sẽ xảy ra án mạng. Cần cách ly những kẻ này ra khỏi xã hội một thời gia dài bằng một án tù dài hạn. 

Trần Văn Nhung (Chợ Tiếu, Hiệp Hòa, Bắc Giang)

Bình luận của luật sư :

Theo đúng nội dung vụ án, kết quả ban đầu cũng như lời khai nhận tội của nghi can Chu Quang Đạo, nghi can đã có hành vi: dùng dao cắt vào chân, tay chị H làm đứt gân, tiếp đó đối tượng dùng chuôi dao đánh vào vùng mắt chị H gây thương tích.

Nghi can là chồng bị hại. Rõ ràng, với những tình tiết như chính nghi can đã nhận tội, có dấu hiệu nghi can phạm tội theo Điều 104 Bộ luật Hình sự quy định về tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. Vấn đề cần trao đổi là với những điều kiện cụ thể của vụ án, nghi can có bị truy tố trước tòa án không? Trước khi bàn về trách nhiệm hình sự của nghi can, chúng tôi muốn trao đổi một số ý kiến qua các bình luận vụ án của bạn đọc. 

Đúng là nghi can Đạo đã vi phạm Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2007. Nhưng Điều 42 Luật này quy định về xử lý người có hành vi vi  phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình như sau: Người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Điều này có nghĩa, hành vi bạo lực gia đình nếu có dấu hiệu vi phạm các quy định của Bộ luật Hình sự vẫn có thể bị truy tố theo các điều luật của Bộ luật Hình sự. Vì vậy không ngạc nhiên, nếu nghi can Chu Quang Đạo bị truy tố vì tội Cố ý gây thương tích cho người khác. 

 Về trách nhiệm hình sự của nghi can Đạo, chúng ta thấy nghi can Đạo Có dấu hiệu phạm tội theo Điều 104 BLHS với tội danh Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.

Điều 104 BLHS quy định: Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp cụ thể như: a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người; b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân; d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm.

Trong trường hợp này, nếu người bị hại không có điều kiện hoặc không giám định thương tật hoặc tỷ lệ mất sức lao động nhưng nếu nghi phạm có dấu hiệu phạm tội trong những trường hợp cụ thể như trên, nghi can vẫn có thể bị khởi tố.

Trong vụ án này, nghi can Đạo đã sử dụng dao là một loại hung khí nguy hiểm để phạm tội với phụ nữ không có khả năng tự vệ, hành vi phạm tội là cắt gân chân tay nhằm làm cho nạn nhân tàn tật là có hành vi có tính chất côn đồ nguy hiểm. Xét những quy định pháp luật tại Điều 104 BLHS, nghi can Chu Quang Đạo vẫn có thể bị khởi tố và sau đó sẽ bị truy tố trước tòa án. Tuy nhiên, việc khởi tố nghi can Chu Quang Đạo vẫn không thể thực hiện được.

Khởi tố vụ án hình sự là quyền và trách nhiệm của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nhằm duy trì trật tự và công lý, không phụ thuộc vào ý muốn cá nhân và không ai có thể can thiệp. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định, xuất phát từ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại, pháp luật quy định cho phép người bị hại lựa chọn quyền yêu cầu khởi tố hoặc không khởi tố.

Trong vụ án này, nếu người bị hại là chị D.T.H. không yêu cầu xử lý hình sự nghi can Chu Quang Đạo, các cơ quan điều tra cũng không khởi tố Chu Quang Đạo theo Điều 104 BLHS được. 

Những trường hợp này nếu khởi tố vụ án, lợi ích về mặt xã hội thu được có thể không lớn mà còn có khả năng làm tổn thương thêm về mặt tinh thần cho người bị hại. Vì vậy, các nhà làm luật đã xác lập một khả năng, điều kiện để người bị hại cân nhắc, quyết định có yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý về mặt hình sự đối với hành vi phạm tội hay không.

Với quy định đó, nhà làm luật tạo điều kiện cho người phạm tội có cơ hội thuận lợi để khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của mình gây ra, hạn chế việc gây thêm những tổn thất, mất mát về mặt tinh thần, danh dự không cần thiết có thể có đối với người bị hại. Như vậy, với trường hợp này, nghi can Chu Quang Đạo có thể bị phạt vi phạm hành chính theo Luật Phòng chống bạo lực gia đình và đền bù thiệt hại cho chị D.T.H.

Xin lưu ý, Điều 105 Bộ luật Tố tụng Hình sự không quy định thời hạn cụ thể mà trong đó người bị hại được quyền yêu cầu khởi tố, nghĩa là họ có quyền yêu cầu khởi tố vụ án bất cứ lúc nào, không bị giới hạn về mặt thời gian. Như vậy, nếu nghi can Đạo không có những ứng xử thích hợp, chị D.T.H. có thể yêu cầu khởi tố vụ án vào bất kỳ thời điểm nào. Nhưng nếu chị D.T.H đã có đơn yêu cầu không khởi tố vụ án, dù chỉ một lần, chị D.T.H. cũng mất quyền yêu cầu khởi tố vụ án.

 Luật sư Nguyễn Văn Hướng (Đoàn Luật sư Hà Nội)