Khu đô thị Ao Sào - Lexington Estate:

Cần sớm giải quyết những bức xúc của người dân

ANTĐ - Báo An ninh Thủ đô số ra ngày 6-5 có bài “Khu đô thị Ao Sào - Lexington Estate: Bỏ tiền tỷ mua nhà hoang” phản ánh sự thiếu đồng bộ của dự án khiến cuộc sống gần 100 hộ dân tại đây khốn đốn trong gần 2 năm. Mặc dù sau đó, chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư và phát triển Lũng Lô 5 (Công ty Lũng Lô 5) đã có sự giải trình về những bất cập này, nhưng vẫn chưa giải tỏa được nỗi bức xúc của người dân.

Người dân phải tự đắp đường đất để vào nhà

Lý do khách quan?

Trong buổi làm việc với phóng viên Báo ANTĐ, ông Nguyễn Tiền Phong - Tổng Giám đốc Công ty Lũng Lô cho biết, doanh nghiệp rất chia sẻ với sự bức xúc của cư dân tại khu đô thị, cụ thể là cả 3 vấn đề: đường đi, cung cấp nước sạch và hoàn thiện sổ đỏ. Tuy nhiên, việc giải quyết triệt để các nội dung trên vượt thẩm quyền của công ty.

Theo ông Phong, hệ thống giao thông nội bộ của dự án giai đoạn 1 đã xong và đang chờ đấu nối vào hệ thống đường quy hoạch của khu vực. Tuy nhiên, hệ thống đường quy hoạch đó lại do UBND quận Hoàng Mai làm chủ đầu tư hiện vẫn là… ao cá của dân do chưa được triển khai. Chính vì vậy nhiều ngôi nhà xây xong, nhưng chủ không dám về ở vì chỉ ra khỏi cửa hơn 1 mét là bước xuống… ao.

Trong khi chờ quận Hoàng Mai làm con đường này, công ty đã phải làm đường kết nối từ dự án vào đường Nguyễn Chính đi qua khu dân cư rộng 3,5m để người dân khu đô thị đi lại. Bên cạnh đó, chủ đầu tư cũng phối hợp với Công ty Licogi đầu tư hệ thống đường thi công (cấp phối) từ đường vành đai 2,5 vào dự án đảm bảo ô tô có thể lưu thông được. Song song với đó, công ty còn phối hợp với các hộ dân làm đường liên kết từ dự án vào tổ dân cư 39, 40 phường Thịnh Liệt (đường bê tông rộng 2m).

Về nguyên nhân gần 2 năm nay người dân chưa có nước sạch, ông Phong cho biết: “Từ tháng 10-2014, Công ty Lũng Lô 5 đã ký hợp đồng với Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch Hoàng Mai để khảo sát, thiết kế, xây lắp công trình cấp nước cho khu đô thị. Tháng 12-2014, hai bên đã phê duyệt phương án và dự toán lắp đặt đổng hồ tổng đấu nối nguồn nước cho khu đô thị. Đến thời điểm này, Công ty Lũng Lô 5 và Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch Hoàng Mai đã thi công gần hoàn chỉnh tuyến ống và chỉ cách vị trí đấu nối khoảng 10m. Tuy nhiên do bị một số người dân ở khu vực lân cận cản trở thi công nên dù rất muốn hoàn tất để cấp nước cho người dân nhưng hiện hạng mục này chưa thể hoàn thiện được”.

Về việc chậm cấp “sổ đỏ” cho các hộ dân, ông Nguyễn Tiền Phong cho biết hiện công ty đã có văn bản đề nghị Sở TN-MT, Sở Tài chính sớm xem xét cơ chế phù hợp với dự án để trình UBND thành phố phê duyệt tiền sử dụng đất với diện tích đất ở giai đoạn 1 của dự án để chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính, từ đó mới có cơ sở để làm “sổ đỏ” cho dân. “Chúng tôi cố gắng trong quý III năm nay sẽ hoàn tất thủ tục này” - ông Nguyễn Tiền Phong nói.

Thiếu nước sạch, người dân phải dùng nước giếng khoan dù biết bị ô nhiễm nghiêm trọng

Vẫn còn bức xúc

Phản ứng lại quan điểm nói trên của Công ty Lũng Lô 5, ông Nguyễn Thanh Sơn - Trưởng ban đại diện khu dân cư Ao Sào khẳng định: “Phía Công ty Lũng Lô 5 nói như vậy là chưa đúng bản chất sự việc. Cụ thể, con đường kết nối từ dự án vào đường Nguyễn Chính đi qua khu dân cư rộng 3,5m là không hề có trong thực tế. Con đường đi qua Công ty Licogi để nối từ đường vành đai 2,5 tới dự án thì đã hỏng từ năm 2014 và đi lại rất khó khăn. Hầu hết các hộ dân đều cố tránh đi lại bằng con đường này vì rất bẩn thỉu khi trời nắng và lầy lội khi trời mưa. Còn con đường nối dự án với tổ dân cư 39, 40 phường Thịnh Liệt thực chất là do người dân góp tiền tự làm sau khi đề nghị công ty hỗ trợ nhưng bị từ chối. Chỉ sau khi con đường này hoàn thành và đưa lên mạng thì chủ đầu tư mới thấy cần thiết và lúc đó họ mới chi trả tiền cho chúng tôi”.

Cũng theo ông Sơn, chỉ một số ít hộ dân tại đây có nước sạch mua từ nguồn nước dành riêng cho Ban quản lý dự án với giá 17.000đ/m3. Bên cạnh đó, vấn đề vệ sinh môi trường cũng không được đảm bảo vì cả tuần không hề thấy công nhân quét dọn. Chuyện phun nước làm sạch thì chỉ có… trong mơ bởi nước sinh hoạt còn không có thì lấy đâu ra nước rửa đường.

“Phía công ty nói đường giao thông nội bộ của khu đô thị đã hoàn thành, nhưng đơn cử trường hợp gia đình ông Nguyễn Ích Vinh, trú tại nhà 14TT3.1 hai năm nay vẫn không có đường vào nhà dù đã nhận bàn giao. Bản thân họ phải tự đắp đường đất để đi chứ đợi chủ đầu tư thì không biết đến bao giờ” - ông Sơn nói.

Như vậy, để xảy ra tình trạng này ngoài trách nhiệm của chủ đầu tư cũng cần nhắc tới trách nhiệm của cả chính quyền. Trong thời gian tới đây, các sở, ban, ngành, UBND quận Hoàng Mai và phường Thịnh Liệt cần phải vào cuộc sớm để giải quyết những vướng mắc giúp hàng trăm người dân nơi đây sớm ổn định cuộc sống.