Cần cẩu - nỗi lo lơ lửng trên đầu

ANTĐ -  “Những cẩu tháp mang theo nguyên vật liệu xây dựng với khối lượng lên tới hàng chục tấn nằm trong khu dân cư, sát các tuyến đường chẳng khác nào lưỡi hái tử thần treo lơ lửng trên đầu các hộ gia đình. Trước hàng loạt vụ tai nạn xảy ra liên tiếp trong thời gian qua, người dân buộc phải đặt câu hỏi về tính an toàn của các loại cần cẩu này”…  

Cần cẩu - nỗi lo lơ lửng trên đầu ảnh 1Cần cẩu lơ lửng trên đầu nhà dân và nằm sát trường mầm non

Mất ăn mất ngủ

Trên đây là phản ánh của ông Phạm Quang Văn - cán bộ hưu trí phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Theo ông Văn, “bằng mắt thường, người dân không thể biết các cần cẩu, cần trục có cấu tạo, vận hành thế nào, đã được kiểm tra, cấp phép chưa. Chỉ biết rằng, khi phải sống cạnh các công trình xây dựng, người dân lo đến mất ăn mất ngủ bởi sự cố có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Để đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản cho nhân dân, đã đến lúc cơ quan chức năng cần triển khai các biện pháp phòng ngừa chứ không nên chỉ xin lỗi, bồi thường cho qua chuyện mỗi khi xảy ra tai nạn” .

Đáng buồn là thời gian qua, những sự cố nghiêm trọng liên quan đến cần cẩu diễn ra ngày một nhiều. Cách đây ít ngày, tại công trình xây dựng trên đường Điện Biên Phủ thuộc quận 10, TP.HCM, một chiếc xe cẩu bất ngờ đổ sập, khiến mái hiên trường mầm non bên cạnh bị sụp xuống. Rất may cần cẩu rơi cách phòng có trẻ em nên không xảy ra thiệt hại về người. Vụ việc này khiến không ít phụ huynh hoang mang, lo sợ. Còn tại công trình xây dựng ở phố Trương Định (Hoàng Mai, Hà Nội), vào rạng sáng 3-3, chiếc cần cẩu có tải trọng lớn tại đây cũng đột nhiên bị gãy, đổ sập.

Cách đây không lâu Báo ANTĐ đã nhận được phản ánh của một số hộ dân sống tại đường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội về việc đơn vị thi công công trình lân cận đã cho lắp đặt 2 cần cẩu tháp tại vị trí sát nhà dân (chỉ cách khoảng 3-4m) khiến dầu, mỡ, nguyên vật liệu rơi xuống các căn hộ ở phía dưới gây mất an toàn, ảnh hưởng đến đời sống của nhiều gia đình. Điều đáng nói là trong khu vực còn có một trường mầm non với khoảng 40 cháu nhỏ. Trước đó, cuối năm 2015, một vụ sập thang máy cẩu nghiêm trọng đã xảy ra tại một công trình xây dựng cũng ở phố Lĩnh Nam khiến công nhân vận hành phải bỏ mạng.

Dạo một vòng qua các quận Đống Đa, Ba Đình, Thanh Xuân (Hà Nội), chúng tôi thấy có khá nhiều công trình xây dựng với quy mô lớn đang triển khai thi công. Do hầu hết là các công trình cao tầng nên việc sử dụng những cần cẩu tải trọng lớn là cần thiết, song sự an toàn của những thiết bị này đến đâu, chúng có đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật không, đã được kiểm định chất lượng chưa thì chỉ cơ quan chức năng mới biết. Thậm chí có công trình đang xây dựng ngay gần các tuyến phố đông người, song những chiếc cần cẩu cao vài chục mét vẫn vươn ra ngoài hàng rào lơ lửng ngay trên nhà dân hay trên đầu người đi đường nhưng lại thiếu sự cảnh báo từ phía đơn vị thi công.

Chưa tuân thủ quy định về an toàn

Về nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ tai nạn liên quan đến cần cẩu, theo đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, một số chủ đầu tư, nhà thầu thi công chưa tuân thủ các quy định về công tác an toàn trong thi công, chưa nghiêm túc thực hiện công tác tự kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các biện pháp thi công đã lập, chưa cương quyết dừng thi công khi phát hiện sự không tuân thủ quy định về an toàn trong thi công.

Các văn bản pháp luật hiện hành và Chỉ thị số 08/CT-UBND của UBND thành phố về việc tăng cường công tác kiểm tra giám sát việc thực hiện các quy định quản lý, sử dụng, vận hành cần trục tháp trong thi công xây dựng trên địa bàn Hà Nội đã nêu rõ, trong quá trình thi công xây dựng, chủ đầu tư, nhà thầu thi công có trách nhiệm bảo đảm an toàn cho công trình, người lao động… Chủ đầu tư phải bố trí người có đủ năng lực theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các quy định về an toàn của nhà thầu thi công xây dựng, tạm dừng hoặc đình chỉ thi công khi phát hiện  sự cố gây mất an toàn, dấu hiệu vi phạm quy định về an toàn…

Để giảm thiểu các sự cố gây an toàn, các chủ đầu tư, nhà thầu thi công cần tăng cường công tác tự kiểm tra tại các công trường, tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn, đặc biệt lưu ý việc sử dụng thiết bị thi công có yêu cầu an toàn nghiêm ngặt (cần trục tự hành, cần trục tháp, máy vận thăng), nghiêm khắc xử lý đối với các cá nhân, chỉ huy công trường, cán bộ giám sát thi công không tuân thủ thực hiện các quy định về an toàn trong thi công. Bên cạnh đó, các sở, ngành, địa phương cần duy trì việc kiểm tra định kỳ, hướng dẫn công tác quản lý an toàn trong thi công công trình xây dựng cho các tổ chức cá nhân liên quan.

Về mức xử phạt hành chính, Nghị định 121/2013/NĐ-CP quy định,  phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Không trang bị đủ phương tiện bảo hộ lao động cho người lao động trong công trường xây dựng; Lập biện pháp kỹ thuật và tổ chức thi công mà không có biện pháp bảo đảm an toàn lao động; Sử dụng thiết bị thi công không có giấy tờ lưu hành, không kiểm định hoặc đã hết thời gian kiểm định… Phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với hành vi thi công không đúng với biện pháp tổ chức thi công được duyệt.