Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm giao thông:

Tiền phạt không phù hợp với mức sống người dân

ANTĐ - Liên quan đến Dự thảo Nghị định thay thế, bổ sung Nghị định 171 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, Bộ Công an và Bộ Tư pháp đều cho rằng, một số hành vi có mức phạt quá cao so với mức sống của người dân. Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định quy định xử phạt một số hành vi đã được quy định ở các Nghị định khác, dễ dẫn tới chồng chéo, không đồng nhất.

Tiền phạt không phù hợp với mức sống người dân ảnh 1Mức phạt quá cao sẽ gây khó cho người dân và lực lượng thực thi
Ảnh: Phú Khánh

Mức phạt quá cao 

Liên quan đến mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm, Bộ Công an cho rằng, dự thảo Nghị định có nhiều hành vi vi phạm hành chính quy định mức phạt tiền tăng  quá cao so với Nghị địnhh 171/2013/NĐ-CP, không tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm; đồng thời, không phù hợp với mức sống trung bình của người dân.

Việc tăng mức tiền phạt quá cao sẽ dẫn đến việc, khi phát hiện hành vi vi phạm, lực lượng CSGT phải chuyển vụ việc lên Giám đốc Công an cấp tỉnh, Cục trưởng Cục CSGT, Chủ tịch UBND cấp tỉnh để ra quyết định xử phạt, gây khó khăn cho công tác xử phạt vi phạm hành chính.

Thực tiễn thời gian qua có những trường hợp khi phát hiện hành vi vi phạm, cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt, tạm giữ phương tiện vi phạm nhưng mức tiền phạt cao hơn giá trị của phương tiện nên người vi phạm đã bỏ phương tiện, không thi hành quyết định xử phạt. Do đó, đề nghị Bộ GTVT điều chỉnh mức phạt tiền theo hướng chỉ tăng mức phạt tiền đối với các hành vi là nguyên nhân trực tiếp gây ra TNGT như chạy quá tốc độ; sử dụng rượu, bia quá nồng độ quy định; tránh vượt sai quy định; không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người  điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông.

Đồng tình với ý kiến của Bộ Công an, Bộ Tư pháp cũng đề nghị Bộ GTVT giải trình cụ thể về mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm giao thông. Vì hầu hết các hành vi vi phạm trong dự thảo Nghị định đều có mức phạt tiền tăng lên rất nhiều lần so với Nghị định 171 hiện tại. 

Phân rõ trách nhiệm của lực lượng thực thi

Bên cạnh đó, một số hành vi quy định tại dự thảo Nghị định còn quá chung chung, chưa mô tả cụ thể sự việc sẽ gây khó khăn, nhầm lẫn cho cả người dân và lực lượng thực thi. “Một số hành vi vi phạm hành chính được quy định trong dự thảo Nghị định có sự trùng lặp với hành vi vi phạm được quy định tại một số Nghị định xử phạt vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực khác, nhưng hình thức hoặc mức xử phạt lại khác nhau, tạo ra sự không đồng nhất trong chính sách”, ông Đặng Thanh Sơn - Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành luật, Bộ Tư pháp cho biết.

Ngoài ra, một số hành vi vi phạm được quy định trong dự thảo Nghị định cũng không phù hợp như phạt tiền từ 4-6 triệu đồng với hành vi của người từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 50cm3 trở lên, phạt từ 1,2 triệu - 3 triệu đồng nếu điều khiển ô tô. Theo Bộ Tư pháp, việc này cần cân nhắc vì theo Luật Xử lý vi phạm hành chính việc xử lý người chưa thành niên phải đảm bảo nguyên tắc “nhẹ hơn người thành niên có cùng hành vi vi phạm”. 

Về phân định thẩm quyền xử phạt theo dự thảo Nghị định, Bộ Công an cũng đề nghị Bộ GTVT phân định rõ thẩm quyền xử phạt của các lực lượng, trong đó CSGT có thẩm quyền xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ, các hành vi vi phạm quy định về bảo đảm an ninh, trật tự, ATGT đường  bộ, đường sắt và một số hành vi vi phạm về quản lý, khai thác, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Các lực lượng cảnh sát khác (CSTT, CSPƯN, CSCĐ, CSQLHC về TTXH) có thẩm quyền xử phạt một số hành vi vi phạm khi được huy động tham gia tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính cùng lực lượng CSGT trong trường hợp cần thiết. Bộ Công an kiến nghị Bộ GTVT không quy định thẩm quyền xử phạt của Thanh tra giao thông vận tải, lực lượng được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đường bộ đối với các hành vi vi phạm của người điều khiển phương tiện giao thông khi đang điều khiển phương tiện lưu thông.