Tai ương trên đường đi tập thể dục

ANTĐ - Để tiết kiệm chi phí và thời gian đi lại, thay vì đến các trung tâm thể thao, công viên, nơi vui chơi công cộng để tập thể dục hàng ngày, một số người đã tranh thủ đi bộ, chạy bộ ngay trên vỉa hè, lòng đường, hầm bộ hành, phớt lờ những nguy cơ có thể gây mất an toàn cho bản thân…

Tai ương trên đường đi tập thể dục ảnh 1

Mất mạng vì nhầm chỗ

Ở các quận nội thành, vì đặc thù đất chật người đông nên bất cứ nơi đâu cũng có thể trở thành địa điểm tập thể dục: từ các công viên, bãi đất trống, trên các vỉa hè, đến các tuyến phố, thậm chí trong cả hầm bộ hành. Còn ở các vùng ngoại thành, trào lưu đi bộ tập thể dục được phụ nữ và những người trong độ tuổi trung niên ưa chuộng. Tuy vậy, do các khu vực này thiếu các điểm vui chơi công cộng nên việc tập thể dục thường diễn ra… trên đường nội bộ, đường quốc lộ bất chấp những dòng xe qua lại như mắc cửi và những tiếng còi xe cảnh báo đến chói tai. Có thể nói, việc chạy thể dục hay đi bộ trên các tuyến đường là khá nguy hiểm do lưu lượng các phương tiện tham gia giao thông khá đông, tầm quan sát của người điều khiển xe bị hạn chế nên rất dễ xảy ra tai nạn. 

Đáng buồn là thời gian qua đã xảy ra không ít vụ tai nạn nghiêm trọng đối với những người đi tập thể dục trên đường. Cách đây không lâu tại giao lộ Calmette - Lê Thị Hồng Gấm (quận 1, TP.HCM) đã xảy ra vụ va chạm giao thông làm một người đàn ông đang chạy bộ tử vong. Trước đó, trong khi đi bộ tập thể dục trên tuyến đường gần nhà, bà N.T.Đ (huyện Xuân Lộc - Đồng Nai) đã bị một người điều khiển xe máy đâm vào. Vụ va chạm khiến bà Đ bị chấn thương sọ não và tử vong tại bệnh viện.

Vào cuối tháng 9, trên cầu vượt Mỹ An thuộc tuyến quốc lộ N2 (huyện Tháp Mười, Đồng Tháp) đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông làm 1 người chết. Chiếc xe ô tô khi đến địa điểm trên bị lạc tay lái chạy sang phần đường bên trái và lấn lên vỉa hè đâm vào ông N.V.T (SN 1939) đang tập thể dục. Vụ tai nạn làm ông T tử vong tại chỗ. Gần đây nhất, vào cuối tháng 10 vừa qua, trong khi đi tập thể dục buổi sáng, ông N.V.N (phường Nhị Châu, TP Hải Dương) đã bị tàu hỏa chuyến Hải Phòng - Hà Nội va vào thiệt mạng.

Có thể thấy rằng việc đi tập thể dục trên các tuyến đường là hành vi gây mất an toàn giao thông nghiêm trọng. Nó không chỉ đe dọa tính mạng của bản thân những người tập thể dục mà còn cản trở sự đi lại của các phương tiện khác, thậm chí còn gây nguy hiểm cho chính những người lái xe.

Cần đến nơi thích hợp

Là người đã nhiều năm tập thể dục ở Công viên Bách Thảo, ông Nguyễn Văn Dũng - cán bộ hưu trí phường Đội Cấn, quận Ba Đình bày tỏ quan điểm, dù khu vực gần nhà ông có vỉa hè rộng và hàng ngày có khá nhiều người tập thể dục ở đó nhưng ngày 2 lần, ông Dũng vẫn đạp xe đến Công viên Bách Thảo để tập thể dục. Lý do ông Dũng đưa ra là khi đi tập, để có tác dụng tốt nhất, tập trung cao độ nhất, người tập nên tập ở nơi thoáng đãng, yên tĩnh, không có xe cộ qua lại chứ không nên đi bộ, chạy bộ ở trên các tuyến đường giao thông. Trường hợp bắt buộc phải đi bộ để đến điểm tập thì mỗi cá nhân nên tập trung chú ý vào việc tham gia giao thông, chứ không nên tranh thủ đi bộ, chạy thể dục trên đường.

Việc đi, chạy bộ dưới lòng đường là vô cùng nguy hiểm bởi trong quá trình tập thể dục, thông thường mỗi cá nhân đều tập trung vào bước đi, nhịp thở, bước chạy của mình, thậm chí còn lo đếm bước, theo dõi thời gian mà không tập trung quan sát đường đi nên rất dễ gặp tai nạn, đặc biệt là vào chiều tối, khi các phương tiện qua lại đông, đèn đường chưa sáng hẳn. “Tôi đã trực tiếp chứng kiến những bạn trẻ vừa đeo tai nghe vừa chạy thể dục trên đường, mắt chăm chăm nhìn xuống chân, miệng đếm theo nhịp nên khi xe máy, ô tô đến ngay cạnh, bấm còi inh ỏi cũng chẳng biết gì. Chỉ đến khi có người vỗ vai, yêu cầu bỏ tai nghe ra mới bừng tỉnh. May mà chưa xảy ra va quệt…” - ông Dũng cho biết.

Còn về việc tập thể dục dưới các hầm bộ hành, theo bác sỹ Nguyễn Minh Hiếu - Bệnh viện E, không những không có tác dụng mà còn có thể khiến người cao tuổi dễ bị ngất, thậm chí đột tử. Nguyên nhân là do tại các khu vực này không đảm bảo các điều kiện về diện tích, vệ sinh ánh sáng, thông gió. Bên cạnh đó, do hầm đường bộ thường nằm sâu dưới đất nên lượng khí oxy bị giảm, không khí luân chuyển kém, áp suất cao nên sẽ ảnh hưởng xấu đến quá trình lưu thông máu. 

Không thể phủ nhận tác dụng của tập thể dục hàng ngày đối với việc cải thiện sức khỏe và kéo dài tuổi thọ của con người. Tuy vậy, việc tập thể dục không đúng chỗ có thể khiến người tập phải trả giá bằng cả tính mạng của mình. Để đảm bảo an toàn, khi tập thể dục, mỗi cá nhân nên dành thời gian đến những nơi có không khí trong lành, rộng rãi như công viên, vườn hoa, hoặc những phòng tập chuyên nghiệp, tránh việc tập thể dục một cách tùy tiện, vô tội vạ…