Nhồi nhét, "chặt chém" vẫn phổ biến

ANTĐ - Từ chiều 2-5, do lo ngại tình trạng quá tải, người dân đã bắt đầu trở về Hà Nội sau kỳ nghỉ lễ. Các cửa ngõ ra vào Thủ đô bị ùn ứ. Tình trạng nhồi nhét khách, “chặt chém” vẫn diễn ra khá phổ biến.

Nhồi nhét, "chặt chém" vẫn phổ biến ảnh 1

Lượt người đổ về Bến xe Giáp Bát ngày một đông vào chiều 3-5

Nhồi nhét, tăng giá vé 

Đến chiều tối 3-5, tại các bến xe, nhà ga của Hà Nội, lượng người đổ về mỗi lúc một đông. Trong thời tiết oi bức, hầu hết hành khách xuống xe với đồ đạc lỉnh kỉnh và gương mặt mệt mỏi. Anh Nguyễn Ngọc Tuyên ở Quỳnh Phụ, Thái Bình bức xúc, đầu giờ chiều 3-5, anh bắt chuyến xe sớm của nhà xe Long Thu, BKS: 01.064 từ Quỳnh Phụ đi Hà Nội, xe chỉ 39 chỗ nhưng dọc đường nhà xe liên tiếp bắt khách, số lượng người cuối cùng lên tới xấp xỉ 70 người. “Bị nhồi nhét ghê quá mà trời thì oi nóng, những người lên xe trước đã có phản ứng, nhắc nhở nhà xe nhưng họ lờ đi. Khi bị phàn nàn nhiều quá thì họ liên tục nói “các bác, các anh chị thông cảm, ngày lễ Tết…”, anh Ngọc Tuyên thông tin. 

Không chỉ bị nhồi nhét, nhiều hành khách phản ánh về việc bị bắt chẹt giá vé. Cụ thể, tuyến Ninh Bình - Hà Nội giá ngày thường là 70.000 đồng/người, nhưng chiều 3-5, toàn bộ hành khách bị thu đồng giá 80.000 đồng/người, thậm chí có người lên xe từ Hà Nam cũng bị thu tương tự. Giá vé tăng, xe chỉ 29 chỗ ngồi nhưng nhà xe đã “nhồi” tới 40 người.

Trạm thu phí không tạm dừng

Trước kỳ nghỉ lễ 30-4, Ủy ban ATGT Quốc gia đã công bố 12 số điện thoại đường dây nóng để hành khách phản ánh về tình trạng “chặt chém”, nhồi nhét nhưng theo phản ánh của nhiều người, đường dây nóng hoạt động chưa hiệu quả. Anh Đỗ Hưng, ở Ninh Bình, sau khi gặp phải nhà xe nhồi nhét và “chặt chém” đã nhắn tin vào các số điện thoại đường dây nóng 0964045445, 0977497891 mà Ủy ban ATGT Quốc gia công bố. Anh Hưng phải chờ chừng 10 phút mới có hồi đáp “Xe đang đi đến đâu rồi?”. Sau đó, xe cũng bị kiểm tra nhưng không thấy bị xử lý. 

Trao đổi về việc này, ông Nguyễn Hữu Minh, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, không phải tất cả các phản ánh của người dân đến đường dây nóng đều được xử lý ngay. Có những trường hợp cơ quan chức năng sẽ xác minh, sau đó mới chuyển thông tin tới địa phương xử lý(?!) Theo ông Nguyễn Hữu Minh, trong ngày 30-4, đường dây nóng của Ủy ban ATGT Quốc gia đã tiếp nhận khoảng 150 cuộc gọi và tin nhắn của người dân. Nội dung phản ánh về tình trạng tăng giá vé, chở quá số người quy định và tình trạng ùn tắc giao thông tại một số tuyến đường. Các ngày sau đó, số cuộc gọi và tin nhắn phản ánh giảm mạnh. 

Liên quan tới chỉ đạo dừng thu phí trạm BOT khi xảy ra ùn tắc nghiêm trọng, ông Bùi Đình Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác và Bảo trì đường cao tốc Việt Nam (VEC O&M – thuộc Tổng Công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam) cho biết: “Chúng tôi đã có phương án để theo dõi lưu lượng trên các tuyến cao tốc. Bên cạnh việc huy động tối đa nhân lực làm việc tại các trạm thu phí, VEC O&M chủ động theo dõi lưu lượng phương tiện từ trước khi xe vào tuyến. Chúng tôi khuyến cáo lái xe chọn đường khác nếu tuyến cao tốc có dấu hiệu quá tải hoặc phân luồng để xe ra ở những trạm thu phí khác, tránh để dồn đến trạm cuối cùng”. 

Trong ngày 2-5, lượng phương tiện qua cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đạt 41.000 lượt. Trong ngày 3-5, lượng phương tiện cũng gần đạt số này nhưng không xảy ra tình trạng ùn tắc kéo dài nên VEC O&M không phải dừng thu phí. 

4 ngày, 111 người thiệt mạng vì TNGT 
Thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, trong ngày 3-5, ngày cuối của kỳ nghỉ lễ, toàn quốc đã xảy ra 37 vụ TNGT làm 37 người chết. Như vậy, trong 4 ngày nghỉ lễ, cả nước đã xảy ra 152 vụ TNGT, làm chết 111 người, bị thương 138 người. Trung bình mỗi ngày xảy ra gần 38 vụ, làm chết 27 người và gần 34 người bị thương; so với cùng kỳ năm 2015 giảm 53 vụ, giảm 5 người chết và giảm 11 người bị thương. 
    Hạ Quỳnh