Giao ô tô cho người không biết lái: Thiệt người, hại của

ANTĐ - Hiện nay, hầu hết chủ xe ô tô khi đến các nhà hàng, nơi rửa xe hay các điểm trông giữ phương tiện… đều có thói quen giao chìa khóa cho nhân viên bảo vệ đánh xe vào bãi. Do kỹ năng lái xe của các nhân viên này rất kém nên đã xảy ra nhiều vụ tai nạn gây hậu quả nghiêm trọng.

Giao ô tô cho người không biết lái: Thiệt người, hại của ảnh 1Hiện trường vụ tai nạn trên đường Trần Quang Khải

Tai nạn bất ngờ

Ngày 24-11 vừa qua, nhân viên bãi trông giữ ô tô trên đường Trần Quang Khải, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội khi điều khiển chiếc xe Mercedes của khách lùi vào bãi do luống cuống đã đạp nhầm chân ga khiến chiếc xe đột ngột tăng tốc, làm đổ hàng rào rồi lao ra giữa đường, đâm vào chiếc taxi đi ngang qua. Chưa hết, chiếc xe này tiếp tục băng sang vỉa hè đối diện đâm vào cửa 1 quán bar trước khi húc đổ 2 chiếc xe máy và khiến phần đầu một chiếc Lexus đỗ gần đó hư hỏng nặng. Không chỉ gây thiệt hại về tài sản, vụ tai nạn còn khiến một phụ nữ đi xe máy bị thương, phải cấp cứu tại bệnh viện.

Trước đó, tại 1 điểm rửa xe cạnh giao lộ Lê Đại Hành - Trần Quý (phường 7, quận 11, TP. HCM), trong khi điều khiển xe vào khu vực rửa nhân viên nơi đây đã đạp nhầm chân ga, khiến chiếc xe Toyota Inova của khách hàng đột ngột lùi về phía sau, đâm bị thương nặng 2 người đang đi xe máy trên đường.

Mặc dù đã có nhiều vụ tai nạn xảy ra, song việc các chủ xe đưa chìa khóa cho nhân viên nhà hàng, điểm rửa xe, bãi trông giữ xe để đưa phương tiện vào bãi vẫn diễn ra khá phổ biến. Giải thích về việc làm này, các chủ xe cho rằng, không phải nhà hàng, điểm trông giữ xe nào cũng thuận tiện. Có những điểm ở xa, trong ngõ ngách, diện tích chật chội nên việc đưa xe vào đó khá khó khăn, phức tạp. Hơn nữa, đánh xe vào bãi cho khách là trách nhiệm của những điểm cung cấp dịch vụ.

Anh Trần Đình Dương ở đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ cho biết, anh thường gửi ô tô tại bãi trông giữ xe ở gần nhà. Đây là bãi xe tư nhân, mật độ xe gửi dày đặc nên mỗi khi về bãi, anh Dương phải đưa chìa khóa cho bảo vệ tự đánh xe vào, đồng thời gửi luôn chìa khóa xe tại đó phòng khi phải dồn xe hoặc có xe khác phía trong muốn ra.

“Do bãi xe quá chật nên chiếc xe của tôi thường xuyên phải thay đổi vị trí đỗ và người lái xe không ai khác ngoài bảo vệ. Không ít lần lấy xe đi làm, tôi phát hiện một số vết xước mới trên xe, hỏi bảo vệ thì họ giải thích qua quýt cho qua chuyện. Mặc dù giao chìa khóa cho họ, nhưng tôi rất lo bởi không biết khả năng lái xe của những người này ra sao, song đây là việc cực chẳng đã vì hầu hết các điểm trông giữ xe đều quá tải. Chỉ hi vọng không có sự cố đáng tiếc xảy ra” - anh Dương chia sẻ.

Có thể bị xử lý hình sự

Điều đáng nói là, tại các điểm trông giữ, rửa xe, nhà hàng, không ít người được giao nhiệm vụ đánh xe cho khách có trình độ lái xe khá phập phù, thậm chí chưa có bằng lái xe, chỉ điều khiển xe theo kinh nghiệm quan sát của bản thân. Lý do dẫn đến tình trạng này là do hầu hết những người làm công việc trên chỉ là lao động phổ thông, làm theo thời vụ và hiện chưa có quy định nào buộc họ phải có bằng lái xe ô tô. Hơn nữa do đất chật, xe đông nên các điểm trông giữ luôn tận dụng triệt để mọi khoảng trống khiến người điều khiển xe rất dễ bị mất bình tĩnh khi xử lý. Ngoài ra, không ít điểm trông giữ xe lại nằm ở khu vực mặt đường, nơi có mật độ người và phương tiện tham gia giao thông rất đông nên chỉ cần sơ suất nhỏ, hậu quả sẽ khôn lường.

Về trách nhiệm pháp lý của các bên liên quan khi xảy ra sự cố, theo luật sư Võ Đình Hải - Đoàn Luật sư Hà Nội, Điều 623 - Bộ luật Dân sự quy định: “Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới... Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì những người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thoả thuận khác. Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp: Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại; trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết...”. Còn theo Nghị định 71/NĐ-CP, chủ xe ô tô giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật (không có Giấy phép lái xe…) điều khiển xe tham gia giao thông cũng sẽ bị phạt tiền từ 2-4 triệu đồng.

Ngoài việc bị xử lý hành chính, chủ xe và các cá nhân liên quan còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm. Theo Điều 205 - Bộ luật Hình sự, người nào điều động hoặc giao cho người không có giấy phép hoặc bằng lái xe hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ 3-30 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-3 năm. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 2-7 năm, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 5-12 năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.

Mặc dù vậy, hiện vẫn còn không ít chủ xe chưa hiểu biết một cách đầy đủ về các quy định này, chỉ đến khi xảy ra tai nạn, bị cơ quan chức năng triệu tập và yêu cầu phải chịu trách nhiệm liên đới họ mới… giật mình. Do vậy, để bảo vệ tài sản, chủ xe phải có ý thức bảo quản, tự đánh xe vào các điểm trông giữ xe và không nên giao chìa khóa cho bảo vệ, kẻo khi xảy ra sự cố thì hối hận cũng đã muộn.