Đường sắt Bắc - Nam xáo trộn vì cầu Ghềnh bị đâm sập

ANTĐ - Ngày 21-3, Tổ công tác đặc biệt của Bộ GTVT tiếp tục họp bàn với các chuyên gia và UBND tỉnh Đồng Nai để đưa ra phương án khắc phục, lưu thông tuyến đường sắt huyết mạch Bắc - Nam. Lác đác đầu ga Sài Gòn đã  ghi nhận hành khách đến hoàn trả vé do lo ngại việc chuyển tải bằng ô tô sẽ bất tiện. Trong khi đó, công tác khắc phục cầu Ghềnh sẽ phải mất từ 3-5 tháng.

Đường sắt Bắc - Nam xáo trộn vì cầu Ghềnh bị đâm sập ảnh 1

Hành khách được hoàn trả 100% tiền vé tàu nếu có nhu cầu

Hàng nghìn hành khách được chuyển tải

Theo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), tàu kéo vỏ gỗ SG3745 lai dắt sà lan sắt BKS: SG 5984 chở 800 tấn cát đi từ hướng hạ lưu về thượng lưu va đụng vào cầu Ghềnh, kéo sập 2 nhịp, nhịp cầu khoang giữa rơi xuống sông. Vụ TNGT không ghi nhận thiệt hại về người nhưng đường sắt Bắc - Nam đã tê liệt hoàn toàn.

Theo đó, từ ngày 21-3, VNR đã phải điều chỉnh lịch chạy tàu cho phù hợp với tình hình hiện tại. Trong khi nguyên nhân của vụ tai nạn vẫn đang được cơ quan chức năng làm rõ.

Lãnh đạo VNR thông tin, phương án tổ chức chạy tàu điều chỉnh giảm thiểu ảnh hưởng đến lịch trình chạy tàu khách hiện hành, tránh gây ảnh hưởng đến hành khách. Việc thay đổi lịch trình chạy tàu chủ yếu đối với khu đoạn từ Nha Trang trở vào Sài Gòn. Với hành khách tiếp tục có nhu cầu đi lại bằng đường sắt, trong thời gian khắc phục sự cố không phải chi trả chi phí chuyển tải.

Cụ thể, VNR vẫn duy trì chạy 2 đôi tàu Hà Nội-Nha Trang (SE1/2, SE7/8); 5 đôi tàu khách Hà Nội-Sài Gòn và ngược lại (TN1/2, SE3/4, SE5/6, SE21/22, SE25/26) có chuyển tải hành khách giữa ga Sóng Thần và ga Biên Hòa; duy trì chạy 3 đôi tàu khách địa phương (Vinh-Sài Gòn, Quy Nhơn-Sài Gòn, Nha Trang-Sài Gòn). Hành khách đi tàu từ ga Sài Gòn sẽ đến ga Sóng Thần, rồi chuyển tải bằng ô tô đến ga Biên Hòa, tiếp tục đi tàu đến các điểm khác.

Ngược lại, hành khách đi tàu từ Hà Nội vào đến ga Biên Hòa được chuyển tiếp bằng ô tô đến ga Sóng Thần để đi tàu về ga Sài Gòn. “Việc điều chỉnh biểu đồ chạy tàu đảm bảo đủ thời gian tác nghiệp kỹ thuật, chuẩn bị đầu máy toa xe để đảm bảo an toàn chạy tàu, đồng thời hạn chế đến mức thấp nhất phiền hà cho hành khách, thông tin kịp thời đến khách về việc điều chỉnh lịch trình chạy tàu”, lãnh đạo VNR cho hay.

Cầu Ghềnh bị sập đã làm ảnh hưởng đến việc tổ chức chạy tàu của 13 đôi tàu khách và 7 đôi tàu hàng trên tuyến. Tính đến sáng 21-3, ngành đường sắt đã thực hiện chuyển tải 21 đoàn tàu với tổng số 5.207 hành khách đoạn qua Biên Hòa an toàn. 

Mất 3-5 tháng khắc phục cầu Ghềnh

Trong ngày 21-3, Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn đã ghi nhận một số trường hợp hành khách đến hoàn vé tàu do lo ngại việc chuyển tải sẽ mất thời gian. Lãnh đạo Công ty cho biết, nhân viên trực bán vé tạo mọi điều kiện thuận lợi, hỗ trợ người dân có nhu cầu hoàn vé. Tại đầu Hà Nội cũng có vài chục trường hợp hành khách đến hoàn vé. Khách đi tàu có nhu cầu đổi, trả vé trong thời gian này sẽ được hoàn lại 100% tiền vé.

Vấn đề chuyển tải hàng hóa hiện là bài toán nan giải đối với ngành đường sắt. VNR cho biết, đường sắt vẫn vận chuyển hàng hóa từ các ga phía Bắc vào đến ga Bình Thuận và ngược lại. Hàng hóa tại khu vực phía Nam được tổ chức xếp dỡ tại các ga Long Khánh, Trảng Bom, Hố Nai. Do năng lực xếp dỡ tại các ga này hạn chế, các Công ty CP Vận tải đường sắt đã phải giãn lượng hàng vận chuyển bằng đường sắt, vì ô tô không thể chuyển tải hết lượng hàng lớn. 

Tại cuộc họp sáng 21-3, bàn phương án khắc phục, Tổ công tác đặc biệt của Bộ GTVT cùng các bên cho rằng, phải mất từ 3-5 tháng để khắc phục sự cố cầu Ghềnh, đồng thời đưa ra 3 phương án khắc phục: Khôi phục sửa chữa cầu, nâng cấp hoặc xây cầu mới. Lãnh đạo Bộ GTVT giao cho các đơn vị tư vấn, khảo sát và đưa ra phương án cụ thể trình Bộ GTVT phê duyệt trong hôm nay 22-3.

Tuy nhiên, trong trường hợp làm cầu mới phải tính đến việc nâng cao độ tĩnh không cho cầu Ghềnh. Cục Đường thủy nội địa chịu trách nhiệm là đầu mối về công tác trục vớt, thanh thải chướng ngại vật trên sông. Trong đó, phải tìm các đơn vị trục vớt cứu hộ giỏi nhất ở khu vực phía Nam, khảo sát, đưa ra phương án trong thời gian sớm nhất (chậm nhất là 1 - 2 ngày để trình Bộ GTVT quyết định)…

Ông Nguyễn Ngọc Đông - Thứ trưởng Bộ GTVT yêu cầu, công tác khắc phục phải nhanh chóng, tiết kiệm thời gian vì liên quan đến vận chuyển đường sắt Bắc - Nam. Đồng thời, lãnh đạo Bộ GTVT cũng giao Viện Khoa học Công nghệ (thuộc Bộ GTVT) kiểm định 2 dầm cầu Ghềnh, 2 trụ còn lại. Trong khi đó, đến chiều 21-3, đơn vị trục vớt sử dụng máy dò quét 3D nhưng vẫn chưa xác định được vị trí chính xác của dầm cầu khoang giữa bị rơi xuống sông để trục vớt.