Cầu Ghềnh chính thức thông xe, đường sắt Bắc - Nam hết cảnh đứt đoạn

ANTĐ - Hơn 200 cán bộ, kỹ sư tay nghề cao và những công nhân lành nghề bậc nhất được huy động tới công trường cầu Ghềnh để trục vớt, thi công câu Ghềnh mới trong khoảng thời gian thần tốc. Gần 90 ngày đêm lao động không ngừng nghỉ, bất chấp thời tiết khi thì nắng gắt, khi thì mưa giông, những người thợ cầu vẫn miệt mài trên công trường. Để rồi, cầu Ghềnh đã hoàn thiện trước tiến độ gần 20 ngày.

Trưa 20-3-2016, cầu Ghềnh (Biên Hòa, Đồng Nai) bị sà lan kéo sập. Tuyến đường sắt Bắc- Nam tê liệt, trung bình mỗi ngày có khoảng chục chuyến tàu chạy qua cầu Ghềnh buộc phải dừng lại ở ga Biên Hòa, thiệt hại toàn ngành đường sắt mỗi ngày lên tới khoảng 10 tỷ đồng. Trong bối cảnh ấy, các đơn vị thi công cầu Ghềnh mới “nhận lệnh” hoàn thiện cầu trong vòng 3,5-4 tháng.

Và sáng nay 2-7, những hạng mục cuối cùng của dự án hoàn thiện cầu Ghềnh đã hoàn tất, cầu Ghềnh chính thức thông xe, đường sắt Bắc- Nam được nối liền trở lại.

Sáng nay 2/7, dự án khôi phục cầu Ghềnh đã chính thức hoàn thiện, thông cầu

Công trường dã chiến trên dòng sông sâu

Kể về những ngày “nhận lệnh” thi công cầu Ghềnh mới, ông Nguyễn Duy Thắng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 1- Cienco1 nhớ lại: “Ngày 20-3, qua phương tiện thông tin đại chúng, anh em được biết cầu Ghềnh bị kéo sập. Sáng 21-3 (thứ 2) anh em đến cơ quan làm việc như thường lệ thì nhận được “lệnh triệu tập” của Bộ GTVT vào hiện trường cầu Ghềnh để trục vớt nhịp cầu. Không kịp và cũng không có thời gian suy nghĩ, anh em khăn gói lên đường Nam tiến”.

Đánh giá tình hình, Cienco 1 đã huy động hơn 200 cán bộ, công nhân, kỹ sư lành nghề bậc nhất đến hiện trường, công tác trục vớt nhịp cầu Ghềnh bị rơi xuống sông Đồng Nai được triển khai ngay vào sáng ngày 24-3, công trường “dã chiến” được dựng lên để thuận tiện cho công tác trục vớt. Đáng nói, nhịp cầu Ghềnh có chiều dài tới hơn 53m, nặng hơn 220 tấn, sông Đồng Nai nước sâu 16m, dòng chảy xiết, việc trục vớt không hề đơn giản, nếu như không muốn nói là vô vàn khó khăn. Trong  bối cảnh ấy, đơn vị thi công còn bị áp lực về mặt thời gian bởi “thời hạn mà Bộ GTVT đưa ra cho việc trục vớt nhịp cầu Ghềnh chỉ vỏn vẹn 7 ngày”.

Hơn 200 kỹ sư, công nhân lành nghề bậc nhất được huy động  tham gia khôi phục cầu Ghềnh

Để trục vớt được nhịp cầu nặng tới 220 tấn, ông Thắng cho hay, đã phải huy động 1 cẩu nổi 500 tấn đứng trên sà lan 3.600 tấn, 1 cẩu phụ 150 tấn, 2 sà lan phục vụ 1.600 tấn và 1.800 để chở nhịp cầu sau khi được trục vớt lên khỏi mặt nước. Ngoài ra, còn phải huy động đội thợ lặn chuyên nghiệp, lặn xuống đáy sông để đánh giá tình hình, khảo sát địa chất và vị trí của cầu, phía bên trên là đội ngũ hơn 60 kỹ sư, công nhân lành nghề trực tiếp tham gia trục vớt. Với tinh thần thi công 3 ca liên tiếp không ngơi nghỉ, nhịp cầu Ghềnh bị chìm dưới sông Đồng Nai đã được trục vớt lên thành công vào ngày 27-3, sớm hơn 3 ngày so với “lệnh” của Bộ GTVT. “Việc trục vớt được nhịp cầu Ghềnh có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy nhanh tiến độ xây dựng cầu mới, đặc biệt là giải phóng ách tắc giao thông thủy trên sông Đồng Nai”, ông Thắng nhìn nhận.

Sau khi trục cầu Ghềnh được vớt lên sớm hơn so với thời gian đưa ra, Bộ GTVT tiếp tục đặt niềm tin, giao cho đội ngũ kỹ sư, công nhân của Cienco 1 thi công hạng mục quan trọng nhất của dự án khôi phục cầu Ghềnh, là thi công trụ T1 và T2, đồng thời lao lắp 3 nhịp giàn thép. Đây là những hạng mục then chốt quyết định tiến độ của dự  án. Ba nhịp giàn thép của cầu Ghềnh mới có chiều dài, nặng 300 tấn 75/nhịp, 2 mố trụ T1 và T2 dưới sông, cọc khoan nhồi, thi công trong 3 tháng từ 1-4 đến 30-6.

Công trường thi công được lập trên dòng sông Đồng Nai sâu 16m

Khó khăn nhất của hạng mục này là việc thi công hai mố trụ  T1 và T2 vì điều kiện thủy văn sông Đồng Nai rất phức tạp, trên tuyến sông có 120 bãi đá ngầm, ngay tại vị trí thượng lưu cách cầu Ghềnh chừng 100m cũng có một ghềnh đá rất lớn. Bởi vậy mà  cầu này được đặt tên là cầu Ghềnh. “Chúng tôi phải khoan cọc của 2 trụ T1 và T2 giữa sông Đồng Nai nước sâu chừng 16m, chảy xiết, lòng sông toàn đá, việc định vị rất khó khăn. Thi công trong những điều kiện khó khăn, cộng thêm thời tiết khắc nghiệt, nắng gắt, mưa nhiều và thất thường nhưng vẫn phải đảm bảo giao thông thủy trên sông Đồng Nai hoạt động bình thường. Đây là khâu then chốt quyết định tiến độ của toàn bộ dự án cầu Ghềnh mới”, ông Thắng cho hay.

Thêm một nhiệm vụ khó khăn nữa là việc lắp đặt 3 nhịp giàn thép của cầu Ghềnh với trọng lượng khủng. Việc lắp đặt càng thập phần khó khi mà không thể đưa dùng các phương pháp cũ, như lao kéo dọc vì đầu cầu Ghềnh hơi cong, phương án lắp đặt tại chỗ cũng không thể áp dụng vì lòng sông toàn đá, koong đóng được trụ tạm. Cái khó ló cái khôn, một phương án chưa từng được áp dụng tại bất kỳ công trình nào đã được đưa ra.

“Toàn bộ giàn thép được lắp đặt ở công trường trên bờ, cách cầu Ghềnh khoảng 1km, sau đó sẽ được kéo ra cầu tàu, lợi dụng triều xuống đưa sà lan vào chở, và chờ khi triều lên sẽ đẩy sà lan và nhịp cầu ra khỏi cầu tàu, di chuyển xuống vị trí cầu Ghềnh để lắp đặt”, ông Thắng chia sẻ.

Thợ cầu lành nghề 20 năm cũng "run"

Với nỗ lực không ngừng nghỉ của tập thể hơn 200 cán bộ, kỹ sư và công nhân, đôi bờ cầu Ghềnh đã hoàn thiện, nối nhịp vào rạng sáng ngày 25-6 vừa qua, chuyến tàu đường sắt Bắc- Nam đầu tiên đã lăn bánh trên cây cầu Ghềnh mới trong niềm vui khôn xiết của người dân đôi bờ sông Đồng Nai và đặc biệt là cảm xúc trào dâng của những công nhân không quản ngày đêm gấp rút làm từng mũi hàn, từng con ốc...

Thành công của cầu Ghềnh nhờ sự đồng lòng, nhất trí và tình yêu nghề của những người thờ cầu chân chính

Theo lãnh đạo Cienco 1, thành công của cầu Ghềnh có được là nhờ sự đoàn kết, tinh thần nhất trí cao độ và đặc biệt là lòng yêu nghề của những người thợ cầu chân chính. Lòng yêu nghề ấy đã được hun đúc theo chiều dày hơn 50 năm, qua những cây cầu nổi tiếng như cầu Rạch Miễu, cầu Vàm Cống, cầu Trần Thị Lý, cầu Rồng, cầu Đông Trù,...và đến 80% cầu đường sắt là do Cienco 1 thi công. “Khi chuyến tàu Bắc-Nam đầu tiên lăn bánh trên cầu Ghềnh vào rạng sáng ngày 25-6 vừa qua, toàn bộ anh em công nhân có mặt đều rất xúc động, đã có những giọt nước mắt rơi, xen lẫn tự hào khi trên đoàn tàu ấy, từ các toa hành khách vẫy tay chào chúng tôi, như muốn nói lời cảm ơn những người thợ cầu không quản ngày đêm, dãi nắng dầm mưa để hoàn thiện cây cầu Ghềnh mới về đích trước tiến độ đặt ra”, ông Thắng chia sẻ.

Nói về áp lực khi nhận “lệnh” trục vớt, khôi phục cầu Ghềnh trong thời gian vỏn vẹn 3,5-4 tháng, ông Thắng- một người gắn bó với các cây cầu từ Bắc chí Nam ngót 20 năm cho biết, vô cùng áp lực và lo lắng. Bởi công trình cầu Ghềnh không lớn về mặt giá trị so với hàng chục công trình cầu khác, nhưng lại có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp thông tuyến đường sắt quốc gia trong khoảng thời gian khá ngắn ngủi.

Ông Thắng bộc bạch: “Bản thân tôi cũng khá lo lắng, lo không hoàn thiện công trình kịp tiến độ như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (khi đó là Phó Thủ tướng - PV) đưa ra, lo vừa thi công vừa phải đảm bảo giao thông thủy trên sông Đồng Nai vẫn lưu thông bình thường. Người dân hai bên bờ sông Đồng Nai cũng thường xuyên hỏi chúng tôi 1 câu “nhà thầu nước ngoài hay thầu Việt Nam thi công mà thời hạn ngắn thế". Chúng tôi và các anh em công nhân vẫn nói vui với nhau, chúng ta đánh trận Xích Bích trên sông Đồng Nai và đã giành thắng lợi lớn”.