Tuổi trẻ và tội ác

Trẻ tuổi, đua đòi, ham chơi và phạm tội, các bị cáo chưa hình dung hết những vất vả mình đã gây ra cho người thân cho đến khi đón nhận sự trừng phạt của pháp luật, chứng kiến giọt nước mắt đau đớn của đấng sinh thành.

Tuổi trẻ và tội ác

Trẻ tuổi, đua đòi, ham chơi và phạm tội, các bị cáo chưa hình dung hết những vất vả mình đã gây ra cho người thân cho đến khi đón nhận sự trừng phạt của pháp luật, chứng kiến giọt nước mắt đau đớn của đấng sinh thành.

“Ráng cải tạo tốt để về sớm nha Nghĩa!”. “Dạ, con biết rồi. Mẹ với bà nội cũng ráng giữ sức khỏe”. Sau những câu trao đổi giữa người ngồi trong xe tù và người đứng bên ngoài là những tiếng sụt sùi, những đôi mắt đỏ hoe và cả những tiếng đập nhẹ vào thùng xe như an ủi, vỗ về.

Nguyễn Hồng Nhàn (bìa phải) và đồng phạm tại phiên tòa lưu động của TAND TPHCM

Nguyễn Hồng Nhàn (bìa phải) và đồng phạm tại phiên tòa lưu động của TAND TPHCM

Giật mình khi thấy xe chuẩn bị lăn bánh, mẹ Nghĩa tay xách lỉnh kỉnh hộp cơm, bánh mì, nước suối… tiến đến nài nỉ anh cảnh sát dẫn giải xin được gửi cho con. Nhận được cái gật đầu đồng ý (chỉ được gửi mỗi một hộp cơm sau khi đã kiểm tra kỹ lưỡng), mẹ Nghĩa đưa ống tay áo gạt nước mắt: “Về tới trên đó xa lắm, có miếng cơm lót dạ, thằng nhỏ đỡ đói”.

Đây là lần thứ hai người nhà Nghĩa lặn lội đường xa, bỏ công việc, nhà cửa theo Nghĩa đến tòa. Dẫu vài phút chạm mặt ngắn ngủi không đủ để hỏi thăm được nhiều nhưng họ vẫn phải đi “để thằng nhỏ yên tâm mà mình cũng đỡ lo”. 

Mong chờ ngày con hoàn lương

Ngày Tết Đoan ngọ năm ngoái, khi cả nhà của Nguyễn Trọng Nghĩa (SN 1993) đang quây quần chuẩn bị đón tết, bất ngờ họ nhận được tin Nghĩa bị công an bắt. Cứ nghĩ Nghĩa chạy xe đụng người ta hoặc theo bạn bè đánh nhau thôi, chứ có ngờ đâu Nghĩa giết người, cướp tài sản…

Theo công an, Nghĩa được rủ hùn tiền cá độ bóng đá rồi thua độ 2,5 triệu đồng. Sợ bị thanh toán vì không có khả năng chi trả, Nghĩa nảy sinh ý định giết người, cướp tài sản.

Chuẩn bị con dao bấm, 1 giờ ngày 16-6-2010, Nghĩa đón xe ôm và rút dao đâm một nhát vào ngực người chạy xe ôm khi xe dừng lại trên con đường vắng. Không cần biết nạn nhân ra sao, Nghĩa lên xe máy bỏ đi. 

Nạn nhân được người dân đưa đi cấp cứu nên thoát chết. Chiếc xe cũ kỹ Nghĩa chưa kịp bán thì đã bị bắt.

Nghe tin, bà nội và bà ngoại Nghĩa ngất xỉu, mẹ Nghĩa lo lắng đến lâm bệnh… “Cái thằng bình thường cũng biết nghe lời, vậy mà lại dám làm chuyện động trời”. 

Để phần nào chuộc lại lỗi lầm mà con cháu mình đã gây ra, hai bên nội ngoại cùng gom góp tiền cho cha mẹ Nghĩa lo chi phí thuốc men và thay phiên nhau đến bệnh viện chăm sóc nạn nhân chu đáo.

Xử sơ thẩm vào tháng 2-2011, cả nhà Nghĩa lặn lội từ Trảng Bàng lên thị xã Tây Ninh chờ phán quyết của tòa. Người bị hại cũng bỏ ngày công đến tòa xin giảm nhẹ vì Nghĩa còn trẻ, hành động nông nổi, bồng bột và vì tình cảm giữa hai nhà trong thời gian qua đã trở nên gần gũi, gắn bó.

TAND tỉnh Tây Ninh đã tuyên phạt Nghĩa 6 năm tù về tội giết người và 2 năm 6 tháng tù về tội cướp tài sản, tổng hợp hình phạt 8 năm 6 tháng tù.

Cho rằng mức án 6 năm tù về tội giết người chưa đủ sức giáo dục, răn đe đối với bị cáo, VKSND tỉnh Tây Ninh kháng nghị một phần bản án theo hướng tăng hình phạt về tội giết người. Ngày 29-4,  Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM đã chấp nhận kháng nghị, sửa án sơ thẩm, tuyên phạt Nghĩa 8 năm tù về tội giết người, 2 năm 6 tháng tù về tội cướp tài sản, tổng hợp hình phạt 10 năm 6 tháng tù.

Nghĩa nhận thêm 2 năm tù, nỗi vất vả của người thân càng tăng hơn. Vậy mà chỉ cần nghe Nghĩa nói: “Mai mốt về, con sẽ cố gắng sống đàng hoàng”  cũng đã đủ cho họ vui mừng và hạnh phúc, tiếp tục nuôi hy vọng để sống, để chờ đợi ngày Nghĩa quay về làm lại cuộc đời.

Vất vả đi tìm sự sống cho con

Khi phiên tòa phúc thẩm vừa kết thúc với lời tuyên án hủy một phần bản án sơ thẩm, bà mẹ với mái tóc bạc trắng rụt rè hỏi lại luật sư về nội dung HĐXX vừa tuyên. Bà nói biết đây là cơ hội để đứa con lầm lỗi được sống nhưng cụ thể ra sao đối với bà vẫn còn mông lung lắm.

Vụ án vẫn chưa kết thúc, bản án tử hình vẫn treo lơ lửng trên đầu đứa con trai út nhưng người mẹ khốn khổ ấy vẫn nuôi hy vọng để tăng thêm nghị lực sống, dù trước đó là những ngày tháng rũ người vì đau đớn, tủi hổ và sắp tới còn vô vàn những nỗi lo.

Nguyễn Hồng Nhàn là con út trong 14 người con của bà. Nhà nghèo, Nhàn bỏ quê ở An Giang lên TPHCM xin vào làm cho một quán phở. Trong một lần về quê, Nhàn rủ thêm 2 người bạn lên làm việc chung.

Sau nhiều ngày ròng rã xin việc không được, phải ngủ vạ vật ngoài công viên, cả ba quyết định quay về quê. Chút tiền dằn túi không còn, Nhàn bàn với các bạn đi cướp taxi lấy tiền làm lộ phí. Đó là một ngày đầu tháng 9-2009. Sau khi ra tay tàn nhẫn với tài xế taxi, cả ba lấy được chiếc  điện thoại di động đem bán được 1,2 triệu đồng chia nhau và mua vé xe về quê.

Nửa tháng sau, vụ án được phá từ chứng minh nhân dân thu được trong chiếc quần jeans của Nhàn để lại hiện trường.

Trong phiên xử sơ thẩm tháng 9-2010, mẹ Nhàn mếu máo trình bày với HĐXX rằng con mình tên Nhãn, sinh năm 1992, không phải Nhàn, sinh năm 1991. Do đăng ký khai sinh trễ, cán bộ tư pháp đã ghi nhầm. Ý kiến này bị HĐXX bác vì hồ sơ vụ án có đầy đủ chứng cứ xác định hung thủ chính là Nhàn, sinh năm 1991.Bất chấp cái nhìn đầy nghi ngờ của HĐXX, bà cuống cuồng: “Thôi thì Nhàn hay Nhãn cũng được, xin quý tòa xử nhẹ cho con tôi”.

Nhàn bị tuyên phạt mức án tử hình (với vai trò chủ mưu cầm đầu), hai đồng phạm (chưa thành niên) bị phạt 18 năm tù và 12 năm tù cùng về các tội giết người và cướp tài sản. Giữa đám đông người trong phiên tòa lưu động, Nhàn cố vươn người qua hàng rào cảnh sát bảo vệ tìm mẹ. Phía xa, mẹ Nhàn đang ngồi bất động trên ghế, nước mắt nhạt nhòa.

Sau phiên tòa, mẹ Nhàn lặn lội đi tìm người nữ hộ sinh đã đỡ đẻ cho bà năm xưa, van xin người này ra tòa làm chứng với hy vọng con được thoát án tử. Khai với tòa, người nữ hộ sinh xác nhận bà là người đỡ đẻ cho mẹ Nhàn vào năm 1992. HĐXX cấp phúc thẩm mới đây đã  tuyên hủy một phần bản án liên quan đến hình phạt của Nhàn để điều tra xét xử lại.

Theo Tố Trâm

Người Lao Động