“Tập đoàn lừa đảo” DH đã “kiếm” hàng chục triệu USD như nào?

ANTĐ - Chiều 29-3, CATP Hà Nội đã thông báo kết quả điều tra ban đầu vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản đặc biệt nghiêm trọng dưới dạng sử dụng mạng internet giả hình thức kinh doanh đa cấp do Lâm Phúc Hùng cầm đầu.

“Bắt tay” với đối tượng nước ngoài

Theo CQĐT, với chiêu trò vừa du lịch, vừa có tiền, “tập đoàn lừa đảo” Diamond Holiday với tên đăng ký kinh doanh là công ty TNHH Diamond Holiday Đông Nam Á (công ty Holiday), trong thời gian dài đã kiếm được khoảng 30 triệu USD, với con số khoảng 87.000 bị hại ở nhiều tỉnh, thành phố  trên toàn quốc.

Đến thời điểm này, CQĐT đã khởi tố bị can và ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Lâm Phúc Hùng, SN 1959, Tổng giám đốc công ty Holiday; Phạm Hồng Thanh, SN 1967, giám đốc đào tạo công ty Holiday; Nguyễn Thị Ái Dân, SN 1954, chủ tịch HĐQT công ty Holiday; Nguyễn Thị Bắc, SN 1959, giám đốc công ty CP thương mại và du lịch Thượng Hải; và Phạm Thị Thủy, SN 1973, Phó giám đốc công ty du lịch Vitex. (riêng bị can Thủy đang được tại ngoại do nuôi con nhỏ).

 
 
 

Các đối tượng chính trong vụ án

Từ năm 2010 đến khi “lộ sáng”, đường dây, đối tượng lừa đảo trên đã liên tục có sự thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động để đối phó với cơ quan chức năng. Từ tháng 2-2010 đến tháng 7-2010, Lâm Phúc Hùng cùng Phạm Hồng Thanh và Phạm Thị Thuỷ liên hệ với Hsueh, Cho Ting (Andy Hsu) - giám đốc điều hành của DHT tại Hồng Kông để tìm hiểu về hoạt động của DHT tại Hồng Kông và thành lập Câu lạc bộ du khách DHT tại Việt Nam. Sau đó, ông Hùng được bầu làm chủ nhiệm Câu lạc bộ; 2 phó chủ nhiệm là Phạm Hồng Thanh và Phạm Thị Thủy. Giai đoạn này, Câu lạc bộ du khách DHT đã vận động được khoảng hơn 2.000 người tham gia, qua đó thu được gần 792.000 USD và hơn 76 triệu đồng.

Mâu thuẫn lợi nhuận, tách nhóm

Từ tháng 8-2010 đến tháng 8-2011, nhận thấy hoạt động của Câu lạc bộ du khách DHT là bất hợp pháp, Hùng đã gặp Nguyễn Thị Ái Dân và Dương Quyến - Phó giám đốc Công ty TNHH hợp tác phát triển IQCOM đề nghị sử dụng tư cách pháp nhân của công ty IQCOM để ký hợp đồng với Công ty DHT do Andy Hsu làm đại diện. Hai bên ký hợp đồng và thỏa thuận việc chia chác hoa hồng, lợi nhuận. Tháng 9-2010, Hùng và đồng bọn đổi tên công ty TNHH hợp tác phát triển IQCOM thành công ty CP thương mại Diamond Holiday (gọi tắt là DHV).

Dân giữ chức chủ tịch HĐQT và là người đại diện theo pháp luật của công ty; còn Lâm Phúc Hùng là Tổng giám đốc... Trong thời gian Công ty DHV hoạt động đã lôi kéo được hơn 2.800 khách hàng tham gia, qua đó các đối tượng đã thu và chiếm đoạt được khoảng hơn 1 triệu USD. Theo lời khai của Lâm Phúc Hùng và Nguyễn Thị Ái Dân, họ đã tìm cách chuyển hơn 760.000 USD ra nước ngoài cho Hsu Cho Ting.

“Tập đoàn lừa đảo” DH đã “kiếm” hàng chục triệu USD như nào? ảnh 6

Xe ô tô các đối tượng mua từ tiền thu được của các bị hại

Tháng 8-2011, nội bộ của công ty DHV mâu thuẫn trong việc ăn chia. Lâm Phúc Hùng tách ra thành lập công ty TNHH Diamond Holiday Đại Hùng Tinh, sau này đổi tên thành Công ty TNHH Diamond Holiday Đông Nam Á, do Hùng là Tổng giám đốc và trực tiếp ký hợp đồng môi giới dịch vụ với Andy Hsu. Sau đó, Hùng thành lập các văn phòng đại diện, chi nhánh ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước; tiếp tục hoạt động bán gói dịch vụ đặt phòng và tổ chức thu tiền của các thành viên nhưng không chuyển sang nước ngoài cho Andy Hsu. Bước đầu, CQĐT xác định từ tháng 8- 2011 đến khi bị bắt, Hùng và đồng phạm đã thu và chiếm đoạt được hơn 8,9 tỷ đồng.

Trong vụ án này, dù vào cuộc sau nhưng Nguyễn Thị Bắc đã sớm chứng tỏ được sự “nhạy bén”. Từ tháng 3- 2011, Bắc tham gia hệ thống DHT, đi vận động và thu tiền của các thành viên tham gia, và nộp cho Câu lạc bộ du khách và công ty DHV số tiền khoảng trên 4 tỷ đồng. Tuy nhiên sau đó, nhận thấy rằng không cần chuyển  tiền ra nước ngoài nhưng vẫn có thể mua “Code” để tạo ID bằng tiền ảo trong ví điện tử nên Bắc đã không nộp tiền cho DHV nữa mà đã tự ý thành lập ra hệ thống DHT Phương Bắc. Bắc đã sang Hồng Kông gặp Andy Hsu và đưa tiền cho Andy Hsu để mua “Code” về tạo mã ID bán cho các thành viên mới tham gia.

Sau khi thu tiền, Bắc không chuyển ra nước ngoài mà sử dụng để chi cho hoạt động của DHT Phương Bắc và chi thưởng cho các thành viên đạt điều kiện nêu trong chính sách trả thưởng do Bắc tự đề ra dựa theo chính sách trả thưởng của DHT trên mạng internet. Bước đầu, CQĐT xác định Bắc và đồng phạm đã thu và chiếm đoạt được gần 16,5 tỷ đồng và gần 445.000 USD.

Một phần hồ sơ- tang vật vụ án


Qua đấu tranh, các đối tượng khai có thành lập 6 chi nhánh ở các tỉnh, thành phố: Bắc Giang, Điện Biên, Quảng Trị, Cần Thơ, Tây Ninh, TP Hồ Chí Minh ... CATP Hà Nội đã có báo cáo đề nghị Tổng Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm – Bộ Công an chỉ đạo công an các tỉnh, thành phố trên tiến hành điều tra xử lý tội phạm, nhằm triệt để thu hồi tài sản hạn chế tối đa thiệt hại.

Ghi nhận kết quả điều tra vụ án, ngày 27-3-2012, Thượng tướng Trần Đại Quang - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công An đã gửi thư khen các đơn vị tham gia điều tra vụ án; đồng thời giao nhiệm vụ cho Tổng cục CS Phòng chống tội phạm chỉ đạo công an các địa phương khẩn trương xác minh, truy bắt các đối tượng liên quan trong vụ án, thu hồi tài sản cho bị hại…