Lật tẩy "công nghệ" biến xe gian thành xe hợp pháp

ANTĐ - Nếu như thời gian trước các đối tượng trộm cắp “ăn” được hàng xong thường tháo rời từng bộ phận của mô tô, xe máy đi bán riêng thì nay, với công nghệ dập số khung, số máy hiện đại, chúng giữ nguyên chiếc xe để bán cho được giá. 
Lật tẩy "công nghệ" biến xe gian thành xe hợp pháp ảnh 1

Kiểm tra cho thấy, các đối tượng thường xẻ cả bưởng số khung, số máy của một phương tiện khác rồi lắp vào xe trộm cắp để tiêu thụ

Xe gian khoác áo xe xịn

Có công lớn trong việc phát hiện các xe gian lưu hành trong thời gian qua phải kể đến tổ công tác Y9/141 do Thượng úy Nguyễn Tuấn Cường, Đội phó Đội CSGT số 2, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, CATP Hà Nội chỉ huy. Chỉ trong một đêm cuối tháng 11 vừa qua, tổ công tác Y9/141 đã liên tiếp phát hiện 3 trường hợp người điều khiển phương tiện sử dụng xe không rõ nguồn gốc, bị đục lại số khung, số máy. Dấu hiệu phát hiện một chiếc xe gian cũng không quá khó khi hầu hết đối tượng sử dụng có những biểu hiện khác lạ so với người bình thường.

Vụ phát hiện đối tượng Nguyễn Quốc Anh ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội điều khiển xe Spacy BKS: 29H4-4187 là một ví dụ. “Khi bị 141 kiểm tra, sau một hồi loanh quanh, nam thanh niên này đã xuất trình giấy tờ xe. BKS của chiếc xe trên là thật, những thông số kỹ thuật trong đăng ký xe đều trùng với BKS. Tuy nhiên, bất thường ở chỗ, qua xác minh nóng, những thông số từ BKS chiếc xe lại không trùng khớp với hồ sơ lưu trữ về phương tiện trên” - Thượng úy Nguyễn Tuấn Cường cho biết.

 Không chỉ dùng BKS và đăng ký thật của một phương tiện khác gắn vào xe trộm cắp để lưu hành, một thủ đoạn được các đối tượng trộm cắp hiện nay sử dụng là dập lại số khung, số máy. Chiếc xe Spacy BKS: 29V9-0273 do Nguyễn Anh Nhật ở quận Cầu Giấy, Hà Nội điều khiển cũng nằm trong số đó. Thoạt nhìn, số khung, số máy của chiếc xe trên không có điểm gì đặc biệt.

Toàn bộ các dãy số này đều rất gọn, khớp với đăng ký xe. Điều bất thường duy nhất chính là phần viền ngoài của số khung, số máy này lại hơi gồ cao hơn so với những chiếc xe  khác. Sau khi kiểm tra kỹ lưỡng, tổ công tác phát hiện số khung, số máy nguyên thủy của chiếc xe đã bị mài phẳng và dán đè lên trên là một miếng kim loại khác cũng được dập số khung, số máy mới. 

Trăm kiểu “phù phép”

Chỉ huy Đội CSHS, CAQ Cầu Giấy cho biết, thủ đoạn thay đổi số khung, số máy của các đối tượng như đã nói trên không phải là mới. Thậm chí, chỉ có những đối tượng mới vào “nghề” trộm cắp mới làm như vậy, còn dân chuyên nghiệp thì không bao giờ áp dụng vì rất dễ bị lộ. Quá trình điều tra các vụ án cho thấy, nhiều phương tiện qua giám định số khung, số máy đều là “xịn”, có trong dữ liệu đăng ký, quản lý của cơ quan chức năng.

Thậm chí, màu sơn, BKS, chủng loại phương tiện, nhãn hiệu đều trùng khớp, không hề có điểm gì khả nghi. Mặc dù vậy, đây thực chất là những chiếc xe được lắp ráp trên cơ sở “râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Đối tượng không chắp vá phần nhỏ mà sẽ “xẻ” cả bưởng số khung, số máy của một chiếc xe đã “chết” rồi lắp ráp vào tang vật trộm cắp được để tuồn ra ngoài thị trường. “Thủ đoạn này vô cùng tinh vi. Nếu không dày công giám định toàn diện phương tiện thì rất khó phát hiện” - đại diện Đội CSHS, CAQ Cầu Giấy đánh giá. 

Hiện nay, các đối tượng sử dụng nhiều phương tiện, thiết bị hiện đại cho việc dập lại số khung, số máy để hợp thức hóa xe gian. Cụ thể, chúng thường sử dụng kim điện tử để dập những thông số kỹ thuật này, khiến mắt thường hay kể cả máy cũng không phát hiện được đây là những số khung, số máy đã được làm lại. Thậm chí, có đối tượng được mệnh danh là “nghệ nhân” trong giới buôn xe gian khi chỉ dùng tay cũng đục lại được số khung, số máy đẹp y như xe vừa xuất xưởng.

Giới tiêu thụ xe gian quan niệm, một chiếc xe “nhảy” muốn bán trót lọt, ngoài số khung, số máy “ngon” thì đăng ký xe cũng phải chuẩn. Hiện có 2 thủ đoạn hóa phép đăng ký để qua mặt người mua và cơ quan chức năng. Cách 1 là sử dụng chính đăng ký thật, số khung, số máy thật của một phương tiện đã cũ nát, không có giá trị sử dụng, sau đó ráp vào một chiếc xe gian cùng chủng loại để hợp thức hóa. Cách 2 “thủ công” và dễ bị lộ hơn là dùng máy photocopy màu để in đăng ký xe ra một bản rồi ép plastic và lừa bán cho người có nhu cầu. 

Thiếu tá Vũ Văn Hoài, Đội trưởng Đội tuyên truyền, điều tra khám nghiệm TNGT, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt khẳng định, đơn vị là một trong những đầu mối tạm giữ số lượng phương tiện không rõ nguồn gốc lớn nhất thành phố do CSGT phát hiện, thu giữ trong quá trình làm nhiệm vụ. Đối với những phương tiện bị trộm cắp vẫn còn nguyên số khung, số máy, CSGT sẽ dễ dàng xác định được chủ sở hữu. Tuy nhiên, các phương tiện đã bị đục số khung, số máy hoặc được “vá” bằng cả bưởng số khung, số máy xịn của xe khác thì đều khó có thể tìm được chủ sở hữu thực sự.

Một số người dân mặc dù biết rõ nguồn gốc của phương tiện, song vì ham rẻ nên vẫn mua về sử dụng. Hành vi này vô hình trung đã tiếp tay cho các đối tượng tội phạm. Thông tư 12 của Bộ Công an đã ban hành, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc đăng ký đối với những phương tiện đã qua nhiều chủ xe. Khi mua bán, người dân cần biết rõ nguồn gốc chiếc xe, chủ sở hữu, đồng thời phải làm các thủ tục sang tên, đổi chủ theo đúng quy định, để không lâm vào tình cảnh “tiền mất tật mang”.