Bi kịch trốn nợ

ANTĐ - Cái xóm nhỏ bình yên của chúng tôi bỗng nhiên náo động. Căn hộ của đôi vợ chồng trẻ  trung lưu, mấy hôm nay người vào kẻ ra tấp nập. Đặc biệt, khác với mọi khi, khách đến toàn một lũ đầu trọc, tay, chân, ngực xăm đầy hổ, báo và cả những ký hiệu quái gở. Chưa kịp thăm hỏi thì cả xóm đã ầm ĩ. Ai đó đã ném một bọc ni lông chứa phân trộn dầu nhớt vào cửa nhà đôi vợ chồng trẻ. Cả xóm được bữa tổng vệ sinh cật lực. Nhưng bất ngờ nhất, sáng sớm hôm sau, căn hộ đã khóa trái cửa, và ngôi nhà vốn đầy tiếng cười đã tự nhiên câm bặt. Hai vợ chồng và đứa trẻ học lớp 3 đã biến đi đâu không rõ. Chỉ còn lại một lũ du côn thoảng đến, thoảng đi với vẻ mặt thù hằn. Hàng xóm nói họ trốn nợ rồi.

Tại sao nợ?

Chỉ mấy hôm sau, công an đã đến làm việc với chính quyền và hàng xóm về đôi vợ chồng trẻ. Họ bị tố cáo lạm dụng chiếm đoạt tài sản. Trời ơi! Lạm dụng chiếm đoạt tài sản của lũ côn đồ vằn vện, dao kiếm đầy mình kia à? Sao họ liều thế? Chỉ có một ông già không ngạc nhiên buông tiếng thở dài: Lạm dụng chiếm đoạt gì? Chết vì tín dụng đen thì có. 

Tôi thân với họ và tôi biết rằng đúng như vậy. Họ chết vì nợ lãi suất cao. Không biết nghe ai xui, thấy có một căn nhà chung cư giá rẻ, hai vợ chồng dốc hết vốn liếng ra mua. Nhưng vốn thì có hạn, thiếu hơn một tỷ, họ vay tín dụng đen, 3.000 đồng/triệu/ngày. Khổ thay, gặp đúng cơn khủng hoảng bất động sản. Ngôi nhà không bán được, đến ngày trả tiền cho tín dụng đen, không có tiền, chúng ép lãi suất lên cao hơn 5.000 đồng/triệu/ngày, lãi mẹ đẻ lãi con. Đến ngày trốn đi, số nợ một tỷ đồng sau khi trả hơn 700 triệu đồng lãi, họ vẫn nợ tới 1,5 tỷ đồng. Đến đây thì họ kiệt sức. Người cho vay mang một lũ côn đồ đến ép phải giao căn hộ cho họ. Nếu không giao họ sẽ bắt đứa con… Sợ quá, hai vợ chồng trốn và người cho vay viết đơn tố cáo. Không những mất sạch tiền bạc mà không chừng họ còn phải đối mặt với tù tội.

Cùng với hàng trăm nghìn doanh nghiệp vỡ nợ trong năm 2011 và ba tháng đầu năm 2012, còn có hàng trăm nghìn gia đình cũng vỡ nợ và tình cảnh của họ còn bi đát hơn các doanh nghiệp nhiều. Ngay tại Hà Nội, hiếm có phường nào không có người vỡ nợ. Sự khác biệt chỉ có ít hay nhiều. Trên các trang tin pháp luật, các vụ án đòi nợ, hoặc có nguồn gốc từ đòi nợ chưa bao giờ nhiều như bây giờ. Gần đây nhất, hai băng xã hội đen, một của chủ nợ, một là của con nợ thuê đã đụng độ gây ra vụ bắn giết kinh hoàng trên đê sông Đáy thuộc quận Hà Đông. Hậu quả để lại trên mặt đê “thi hài” 5 chiếc ô tô và nhiều người đi viện. Các doanh nghiệp chỉ phải đối diện với tòa án,  còn các gia đình thì phải đối mặt với xã hội đen, với dao, kiếm, súng hoa cải trên tay những kẻ mất nhân tinh vì ma túy đá. Vì vậy, chỉ còn con đường trốn. Vậy là mất tích giữa ban ngày, vậy là sống như chết rồi, là lưu vong ngay trên chính đất nước mình.

Những con nợ sợ đủ thứ, nhưng sợ nhất chính là xã hội đen. Đủ các trò, từ đánh đập, bắt cóc, đâm chém thậm chí là bắn, cùng với các trò khủng bố tinh thần như ném phân trộn nhớt vào nhà, ác hơn chúng còn dùng bột thủy tinh trộn nhớt ném vào, cho xã hội đen “ám” ở nhà suốt ngày đêm, đến cơ quan, nơi làm việc làm ầm ĩ lên… Tất cả những cuộc đòi nợ của tín dụng đen chẳng khác nào cưỡng đoạt tài sản. Nợ một năm riêng lãi đã là 180% nghĩa là vay 100 triệu, một năm sau tổng nợ đã là 280 triệu. Đó là chủ nợ còn chưa cộng lãi vào nợ, còn cộng lãi vào nợ thì tổng nợ sẽ là 350 triệu đồng. Không vỡ nợ mới là lạ.

Nhưng tại sao các con nợ phá sản không báo công an? Cũng dễ hiểu bởi vì chính họ là người có lỗi, họ ký giấy vay, chưa kể vào những ngày trước khi vỡ nợ, họ còn quay quắt kiếm tiền trả lãi, có thể đã dối trá, có thể đã có nhiều hành vi không đúng quy định pháp luật để có tiền. Dưới áp lực của dao, kiếm, mấy ai tỉnh táo được. Có một cậu thanh niên (ở phường Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội) nợ tín dụng đen đến 900 triệu đồng, trong đó có 300 triệu đồng tiền lãi. Chủ nợ ngọt nhạt dẫn anh ta đến một cơ sở mượn một cái ô tô, rồi đem đến một cơ sở khác cầm cố lấy 300 triệu trả lãi. Nhắm mắt đưa chân, anh ta ký, bởi vì không ký, không được với chủ nợ. Có bảo bối trong tay, chủ nợ đến gặp bố mẹ cậu trẻ, yêu cầu bán nhà trả nợ, nếu không bán nhà, chủ nợ sẽ đem giấy nợ, cộng giấy mượn ô tô ra công an. Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là chắc chắn. Vậy là suốt ngày gia đình này phải chịu khủng bố của lũ đòi nợ thuê mà không dám kêu ca, không dám báo công an. Kết cục thấy rõ, cuối cùng cậu trẻ đi trốn, trốn cả sự truy sát của lũ đòi nợ thuê và cả truy nã của cơ quan điều tra.

Vỡ nợ của các doanh nghiệp là do kinh doanh kém hiệu quả, do sự điều chỉnh của chính sách tiền tệ, do lạm phát và chống lạm phát, còn vỡ nợ của các cá nhân vay nợ có thể do đầu tư không hiệu quả, có thể do thua cờ bạc và cũng có thể do tai biến trong đời sống. 

Tôi biết một người vỡ nợ vì một lí do lãng xẹt. Có anh bạn thân từ trong Huế chạy ra, nhờ anh vay hộ một khoản để đưa con đi Thái Lan chữa bệnh suy tủy. Anh bạn thuyết trình: Bệnh trọng, phải chữa ngay không cháu nó chết mà tiền thì chưa về kịp. Chỉ vay trong một tháng thôi. Chơi với nhau mấy chục năm, bạn nhờ một việc sống chết mà không giúp thì còn gì là tình nghĩa xưa. Vậy là anh ta chạy sang tín dụng đen, đứng tên vay cho bạn mình 500 triệu đồng. Ai ngờ con bệnh hút tiền, gần 2 năm tiền gốc, anh bạn không trả được đã đành, mà tiền lãi cũng không trả đồng nào. Mang món nợ 2 tỷ bạc, xã hội đen suốt ngày quấy… Anh mang cả vợ con trốn vào Huế. Trời ơi, anh bạn anh cũng đã vỡ nợ từ lâu, nhà cũng bán rồi, không biết ở đâu. Điện thoại thì tò tý te… Thế là lưu vong cả nhà.

Nhưng cờ bạc mới là cái lý do phổ biến. Đề đóm, cá độ bóng đá, xóc đĩa… đã tàn phá các gia đình lâu rồi và trong cơn khát tiền mặt, cờ bạc thực sự là khối “ung thư” toàn phát trong những gia đình có người ham mê cơ bạc. Nhưng nếu là các món nợ cờ bạc thì khó đòi lắm. Chủ xới, chủ đề, chủ mạng thấy con bạc nợ nhiều liền ra mặt “chuyển hóa” tiền cờ bạc thành tiền vay, với giọng: Anh (chị) tạo điều kiện cho chú gỡ gạc. Gỡ gạc không thấy đâu, nhưng bản chất khoản nợ từ cờ bạc đã thành vay tiền để kinh doanh rồi. Vậy là về mặt pháp luật, chủ xới, chủ mạng vô can. Vô hình trung anh đã thò cổ vào thòng lọng và đối mặt với pháp luật. Còn đám đòi nợ đương nhiên được pháp luật bảo hộ. Trăm ngàn cái khổ, không gì khổ hơn nợ đời là vì vậy.

Thảm cảnh trần gian.

Một chiều cuối năm 2011, một người đàn bà còn trẻ ngồi bên bờ hồ Thiền Quang ôm mặt khóc. Không ai ngờ, người đàn bà ăn mặc xộc xệch, cắp một cái túi rỗng ấy chỉ ba ngày trước còn là đại gia, đi xe ô tô Audi trên chục tỷ, ngồi uống nước trên bộ bàn gần tỷ đồng… Đêm qua ngủ trên ghế đá, chị ta bị bọn trộm cắp lục túi lấy đi hai triệu bạc cuối cùng và chiếc điện thoại Vertu mạ vàng. Không tiền, không điện thoại, không tương lai với món nợ gần 200 tỷ, chỉ còn một nỗi đau hai đứa trẻ thơ đợi mẹ ở quê nhà. Đó là thảm cảnh của Nguyễn Thị Cúc, nhân vật của vụ vỡ nợ nổi tiếng ở Phú Xuyên (Hà Nội). 

Cũng như vậy. Tây Nguyên chiều cuối năm mưa tầm tã, một người đàn ông, trú tạm dưới mái hiên của lán rẫy bỏ hoang, mắt đăm đắm ngóng về phương Bắc. Nơi ấy có người vợ đang ăn nhờ, ở đậu một người quen ven biển Nam Định, nơi ấy từ nay rất có thể đứa trẻ sẽ trở thành vô học. Hai vợ chồng cùng đứa con ly tán sau một tối bị hơn hai chục thanh niên xăm trổ vằn vện đến đòi nợ bằng dao kiếm và cả súng bắn đạn hoa cải. Chúng kề dao vào cổ đứa trẻ, kê nòng súng vào thái dương người cha và tuyên bố một câu rùng rợn: 24 giờ nữa không chồng đủ 3 tỷ, đứa trẻ này và cha nó sẽ… chết. Vét sạch cả gia sản, đại gia thành Nam một thời ngay trong đêm chỉ đủ tiền cho mình trốn vào Tây Nguyên, còn vợ con chạy xuống trú nhờ nhà cô bạn cũ nơi phố huyện. Nhưng sự đời thật trớ trêu, người chồng xin chân hái cà phê mà không một chủ rẫy nào nhận chỉ vì: Tướng tá vậy thì làm cái gì? Cũng không ai ngờ cô bạn cũ trước đây từng nhiều lần nhờ cậy vợ chồng anh, bây giờ sau khi biết chuyện phá sản, nợ nần cứ nằng nặc đưa vợ con anh ra nhà nghỉ thị trấn. Họ sợ phiền. Không chết nổi, người đàn ông đấm tay vào vách gỗ. Chỉ là một đám gỗ mục trong tay. Lán rẫy bỏ hoang đã lâu không người ở.

Đà Nẵng, mùa này cũng mưa. Màn mưa chảy từ đỉnh đèo Hải Vân trắng trời, trắng đất. Quán cà phê vào chiều thưa khách, một người đàn ông tuổi xấp xỉ lục tuần nâng lên, đặt xuống tách cà phê lạnh cóng, mắt đăm đăm nhìn vào cánh cửa đóng kín bên kia đường. Ông trốn nợ để đi… đòi nợ. Sáu giờ tối, một người áo mưa lụp xụp ghé xe máy vào, mở cửa căn nhà đó. Mặc kệ cho cơn mưa nặng hạt đến rát người, ông già vội bỏ cốc cà phê chạy ào sang như thiêu thân. Người đàn ông lạ hoắc giật mình: Ông hỏi chi? Anh Mười trước ở đây, bây giờ đi đâu rồi, thưa anh? Ông Mười dọn nhà hơn một tháng rồi. Khi trả nhà còn thiếu một tháng tiền thuê nhà. Tôi đành cho. Trời ơi! Ông ấy giết tôi rồi. Người đàn ông thương cảm: Nhiều người đến đòi nợ lắm rồi. Không ai biết ông ấy dọn đi đâu.

Vâng. Ông Mười có thể đã đi nơi khác, còn ông biết đi đâu? Cả nhà ông đang chờ mỗi món nợ này để thanh toán bớt nợ nần. Nếu bây giờ không có, ông cũng không về được, mà vợ con ông có sống cũng không yên. Ngày ông đi, ông phải đi cổng sau, cuốc bộ qua một con đường đất bùn, sang mãi tận thị trấn huyện bên, trong túi vẻn vẹn hơn triệu bạc vét sạch trong nhà, ông lên đường vào Đà Nẵng, mang theo hy vọng sống cho cả gia đình. Cuộc điện thoại cuối cùng trong ngày với vợ cho biết, chủ nợ tưởng ông đi trốn, đang lùng sục khắp nơi. Bây giờ đến tiền về quê, ông cũng không có đủ. Đứng bên bờ sông Hàn khi thủy triều lên mấp mé bờ kè, nghĩ đến cảnh vợ con từng giây, từng phút ngóng tin mình, đôi mắt mờ đục như cắt ra những giọt nước mặn mòi…

Bi thảm, thật sự bi thảm những cảnh trốn. Khi những cơn bão vỡ nợ tín dụng đen tràn đến. Không từ một miền nào, từ phố cổ Hà thành trăm năm rêu phong, những thị trấn mới sốt lên vì những cơn sốt bất động sản và cả những làng quê vốn dĩ yên bình… Bão tín dụng đen đã tạo ra những vụ vỡ nợ, những ầm ĩ, những cuộc đâm chém, những kiện tụng… để lại những gia đình ly tan, những cảnh đời sống kiếp lưu vong, những thân phận tù tội. Giá của những cuộc phiêu lưu tài chính, giá của những tiếng bạc vỡ đĩa, giá của những con số lô đề nhảy múa, những cái nhấp chuột, nhấn Enter xuống tiền không tiếc tay cho các trận cầu nóng bỏng. Đó là những cái giá chỉ có thể trả bằng máu, bằng sinh mạng con người. Họ có tội, không ai có thể gỡ được cho họ những tội lỗi do họ gây ra. Nhưng bi thảm là có thật.

Đó mới chỉ là những kẻ đi trốn để sống, còn những con nợ trốn để không sống vì không có khả năng trả nợ và trốn cũng không thoát.

Những kẻ trốn nợ bằng tính mạng

Ngày 15/9/2011, trên cầu Thanh Trì, một thanh niên nhảy cầu tự tự. Điều tra cho thấy đó là anh Trần Phương N. (SN 1984) tại xã Thái Tân, Nam Sách, Hải Dương. Do bị thúc ép vì nợ, không có cách giải quyết, anh chọn sông Hồng làm nơi trốn nợ vĩnh viễn. Cầu cho nước mắt sẽ làm sạch tâm hồn anh. 

Ngày 25/5/2011, một vụ tự thiêu đã xảy ra trên đường Hai Bà Trưng (TP.HCM). Đó là ông Nguyễn Văn Đ. (43 tuổi, ngụ ở quận 1). Các hãng thông tấn nước ngoài đưa đậm tin này với ý đồ xấu. Nhưng khi gia đình đưa thư tuyệt mệnh, người ta mới biết rằng ông dùng lửa để… trốn nợ.

Đau đớn hơn là vụ trốn nợ của cả gia đình anh Lê Văn Trỗi (SN 1972) và vợ là chị Nguyễn Thu Hà (SN1979), cùng con nhỏ là cháu Lê Thị Yến Nhi (SN 2006). Vốn là cán bộ Bưu điện Phú Yên, không may cả hai vợ chồng mắc nợ nhiều tỷ đồng. Không chấp nhận cảnh ly tán, hai vợ chồng và con nhỏ cùng nhau chọn sông Bến Xe để trốn nợ. Nhìn xác 3 người trắng nhợt trên bãi cỏ, không ai dám tin mới có mấy giờ đồng hồ trước, cả hai vợ chồng cùng tươi tắn chào hàng xóm trước khi đi làm, mới cách đó một giờ người ta còn thấy cả hai hôn nhau say đắm ngay tại bờ sông này, nơi họ quyết định cùng nhau ở lại vĩnh viễn. Đám tang ba người để lại tiếc thương cho bà con lối xóm. Đau đớn hơn, hai vợ chồng cùng đứa trẻ khi ra đi, vẫn còn một đứa trẻ nữa hơn hai tuổi gửi nhà trẻ. Khi cả nhà ra đi, đứa trẻ ở trường mẫu giáo không có ai đón, bơ vơ mấy ngày…

Và có tin nổi không, trung tuần tháng 9, ở huyện Lý Nhân (Hà Nam), có cậu thanh niên tên Phạm Văn H., chỉ vì nợ 5 triệu đồng, nhà lại quá nghèo, nhìn đâu cũng không thấy tiền, lại nơm nớp sợ côn đồ kề dao đòi nợ, cuối cùng H. đã chọn giải pháp trả nợ nhanh nhất là mua dây thừng treo mình lên xà nhà. Cũng thời điểm đó, ở Hà Nam, có anh lính nghĩa vụ bảo vệ kho bạc tỉnh sau một đêm ngủ cũng không bao giờ dậy được nữa vì liều thuốc ngủ để trốn mớ nợ hơn 200 triệu đồng trót vay trả tiền cá độ bóng đá.

Ngày 3/1/2012, một thanh niên dựng xe sát đường ven đê Phú Thượng – Tây Hồ (Hà Nội). Cẩn thận cất hết tài liệu cá nhân vào cốp xe Atila, anh ta lấy ra một bình nhựa đựng xăng. Không ngần ngừ một phút, không còn điều gì phân vân, anh ta dội xăng lên đầu. Lục túi lấy chiếc bật lửa, quẹt ga. Lửa bủng lên thiêu cháy anh. Thế là linh hồn anh đã bay lên. Khi công an đến, lục trong cốp xe, công an nhanh chóng xác định được người tự thiêu là anh Hồ Thanh Hùng (SN 1977, có hộ khẩu thường trú tại TP Đà Nẵng), hiện đang tạm trú tại phố Hào Nam (Hà Nội). Lý do tự thiêu được xác định ngay: Trốn nợ. Nhân viên cùng cơ quan xác nhận mấy ngày trước nhiều chủ nợ đã cho quân xã hội đen vào tận nơi ở, nơi làm việc o ép, đe dọa. Năm hết, Tết đến, không thể xoay tiền trả nợ, anh Hùng đành tính đường… thăng.

Nhưng câu chuyện trốn nợ bằng lửa đau lòng hơn cả là cuộc trốn nợ của ông Nguyễn Văn T. (Xóm 10, thôn Đoàn Xá, xã Hồng Tiến, huyện Ứng Hòa, Hà Nội), một vùng quê chiêm trũng còn rất nghèo. Từ khoảng năm 2002, nơi đây lại rộ lên phong trào lô đề, tràn ngập các thôn xóm, ông T. mỗi lần lang thang vác chai đi mua rượu lại sà vào đấy để thử vận may, Thế rồi, ông cũng trở thanh “ma đề” lúc nào không hay. Và kết quả là ông nợ các chủ đề đến mấy chục triệu đồng. Ở một vùng quê nghèo, mấy chục triệu là một gia tài lớn, xứng đáng để dùng cái chết… trốn nợ. Ông T. đã quấn tấm chăn tẩm xăng quanh mình, ngồi trên chiếc chiếu trải giữa sân rồi châm lửa. Hậu quả toàn thân nạn nhân cháy đen thui, tử vong là điều không cần bàn.

Còn nữa, còn rất nhiều người chọn cái chết để trốn nợ, trốn tội lỗi của mình. Họ có thể thoát, nhưng hậu quả để lại cho những người ở lại thật nặng nề. Đứa trẻ con anh Trỗi, chị Hà cho đến nay vẫn suốt ngày đòi ông bà cho đi tìm ba, tìm mẹ, tìm chị gái. Đứa trẻ vô tội suốt ngày chong mắt nhìn ra cửa mong chờ một bóng người để có thể nhảy vào lòng thất thanh hai tiếng: Mẹ ơi!...

Để pháp luật được thực thi

Theo đúng các quy định của pháp luật, mối quan hệ nợ và đòi nợ được điều chỉnh bằng hai bộ Luật Dân sự và Hình sự. Các công cụ tư pháp đã khá hoàn chỉnh để xử lý các vấn đề xã hội phát sinh trong mối quan hệ này. Tuy nhiên tại sao trên thực tế vấn đề nợ và đòi nợ trở nên phức tạp, gây nên những vụ án nghiêm trọng? Đó là do xuất hiện những nhóm tội phạm có tổ chức, dùng những biện pháp vi phạm pháp luật để đòi nợ cũng như để chống lại việc đòi nợ.

Có hai mặt của các vụ án đòi nợ. Thứ nhất về phía các chủ nợ, hầu hết các chủ nợ cho vay với lãi suất rất cao, vượt qua các tiêu chuẩn pháp luật. Với lãi suất 3.000đ/ triệu/ngày lãi suất cả năm đã là 108% , với lãi suất 5.000đ/ triệu/ ngày là 180%/ năm. Xét theo luật Hình sự họ đã vi phạm với tội danh: Cho vay nặng lãi. Chính vì vậy họ cũng không muốn trình báo các cơ quan bảo vệ pháp luật. Thêm nữa, việc xử lý thông qua Tòa án hoặc cơ quan công an thường tốn rất nhiều thời gian và với những người điều hành các đường dây tín dụng đen, hầu hết đều có tiền án tiền sự, việc ra cơ quan công quyền để làm các thủ tục hành chính là việc chẳng hay ho gì. Và xu hướng sử dụng bạo lực, khủng bố, ép trả nợ là việc tất nhiên. Đối với người mắc nợ, sau khi chúng tôi đã tiếp xúc với nhiều con nợ chúng tôi thấy hầu hết họ đều không chối nợ, xù nợ mà họ chỉ mong muốn lúc gặp khó khăn tài chính có được một thời gian để thu xếp trả nợ, hoặc chỉ mong được giảm lãi nợ. Trong khoảng thời gian quay quắt trả lãi nợ, họ cũng từng có nhiều hành vi vi phạm như nói dối để vay tiền, mượn đồ rồi cầm cố, thậm chí hứa lèo để cầm tiền… Do vậy họ cũng không dám ra công an trình báo. Mặt khác, nỗi sợ xã hội đen đánh giết, hoặc khủng bố người thân cũng làm cho họ không dám tố cáo.

Theo chúng tôi, để pháp luật được nghiêm minh, cần nhanh chóng trấn áp các băng nhóm tội phạm. Hiện nay hầu hết các chủ tín dụng đen hoặc sở hữu, hoặc có liên hệ với một băng nhóm đòi nợ thuê, tập hợp nhiều thanh niên bất hảo, liều mạng, vũ khí đầy mình. Những thanh niên này sau khi “đập đá” (sử dụng ma túy đá) trở thành những con thú khát máu tạo ra nỗi sợ hãi vô cùng cho các con nợ, buộc họ phải đi trốn, tự vẫn…

Đã đến lúc không chỉ nghiêm khắc với những người có hành vi lừa đảo trong vay nợ mà còn phải nghiêm khắc hơn nữa với những hành vi gây áp lực bằng cách tra tấn, đánh đập, bắn giết, khủng  bố để đòi nợ. Chỉ có như vậy mới có thể bớt đi những thảm cảnh thương tâm cho cả hai phía: con nợ  và chủ nợ trong thời gian khan hiếm tiền mặt như hiện nay.