Án mạng trong gia đình - nỗi đau người ở lại

ANTĐ - Trong tất cả những vụ trọng án thì những vụ việc mà thủ phạm và nạn nhân có quan hệ huyết thống vẫn thường để lại sự ám ảnh và nỗi đau dai dẳng cho đến hết cuộc đời những người còn ở lại… 

Đối tượng Trần Đình Điệp và đám tang thương tâm những người ruột thịt của hung thủ

Thủ phạm và nạn nhân cùng ăn một mâm cơm

Trong một cuộc trao đổi gần đây với phóng viên Báo ANTĐ, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an cho biết, thời gian gần đây, số vụ án mạng liên quan đến người thân trong gia đình tuy có xu hướng giảm, nhưng vẫn diễn biến phức tạp.

Nhiều vụ có tính chất dã man như vụ Trần Đình Điệp (SN 1987) trú tại An Dương, Hải Phòng dùng xăng đổ vào người bố mẹ đẻ, vợ và 2 con sau đó châm lửa đốt, khiến bố đẻ và 2 người con của Điệp tử vong, xảy ra năm 2013; vụ Phan Tấn Ngọc ở Long An dùng búa giết chết vợ rồi đổ bê tông chôn xác ngay dưới nền nhà, xảy ra vào năm 2015; vụ Hoàng Văn Hiếu (SN 1970) dùng dao chém chết vợ, chém trọng thương mẹ và con đẻ tại huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn vào năm 2011... 

Theo thống kê của Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, trong số các vụ giết người do mâu thuẫn gia đình, có khoảng 14-15% mang tính chất dã man. Những con số đó cho thấy tình trạng đáng báo động về băng hoại giá trị đạo đức, lối sống trong gia đình, là lời cảnh tỉnh cho toàn xã hội về vấn đề bạo lực gia đình nói chung.

Nhiều người cho rằng, một trong những nguyên nhân sâu xa của tình trạng này là sự thiếu quan tâm đến nhau trong đời sống gia đình, khiến những mâu thuẫn tồn tại âm ỉ không được hóa giải suốt thời gian dài và gây ra hậu quả nghiêm trọng khi “giọt nước tràn ly”.

Như trong vụ Trần Đình Điệp, mâu thuẫn giữa bố chồng và con dâu đã tồn tại nhiều năm, song những thành viên trong gia đình chưa bao giờ lên tiếng đề nghị sự giúp đỡ từ chính quyền địa phương hay tổ hòa giải.

Phần vì quan niệm chuyện riêng trong gia đình nên không muốn “vạch áo cho người xem lưng”, phần vì thiếu thông tin nên không biết tìm đến đâu, tổ chức nào để có thể được tư vấn, giúp đỡ, nên gia đình âm thầm tự giải quyết cho đến khi sự việc đáng tiếc xảy ra… 

Giáo dục nhân cách, sớm giải quyết mâu thuẫn

Thạc sỹ Trương Thị Thu Thủy, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cho rằng, gia đình ngày nay có thể biến đổi mạnh mẽ về cơ cấu, chức năng, các hình thức và chuẩn mực trong mối quan hệ, nhưng vị trí, vai trò của nó đối với sự phát triển của xã hội, đặc biệt là trong phòng ngừa tội phạm thì không thể thay đổi. Thực tế cho thấy, quá trình hình thành và hoàn thiện nhân cách con người phải được xây dựng trên cơ sở tiếp nhận kiến thức từ gia đình, nhà trường và xã hội. 

Giáo dục gia đình là môi trường đầu tiên để tạo nên tính cách của đứa trẻ nhưng hiện nay đã bắt đầu xuất hiện hiện tượng “lệch chuẩn” trong giáo dục trẻ em. Nhiều gia đình quan niệm con ngoan đồng nghĩa với học giỏi nên cả nhà dồn sức bắt con học ngày học đêm, trường tốt, lớp tốt, chiều chuộng đủ kiểu miễn sao kết quả học tập phải tốt mà bỏ bẵng giáo dục đạo đức, giáo dục làm người khiến chúng trở nên vô cảm và ích kỷ.

Nhiều bậc cha mẹ thỏa mãn vô lối ý muốn của con khiến chúng dễ dàng phản kháng khi cá nhân không được thừa nhận. “Do đó, một trong những cách thức đơn giản nhất để phòng ngừa trọng án trong gia đình chính là tăng cường giáo dục đạo đức cho con em mình. Bên cạnh những bài học về kiến thức thì bài học làm người là điều không thể thiếu” - Thạc sỹ Trương Thị Thu Thủy phân tích. 

Ở góc độ khác, Thiếu tướng Phạm Văn Các - Cục trưởng Cục Tham mưu Cảnh sát (Bộ Công an) đồng quan điểm rằng để phòng ngừa tội phạm xảy ra trong nội bộ gia đình thì quan trọng là công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sân chơi lành mạnh cho thanh thiếu niên, phổ biến giáo dục pháp luật, đạo đức giá trị truyền thống dân tộc, qua đó định hướng giới trẻ, xây dựng hình thành đúng nhân cách đúng đắn, ứng xử phù hợp với truyền thống đạo đức người Việt Nam.

Giết người thân là nỗi đau lớn không chỉ với chính gia đình xảy ra vụ việc, mà còn ảnh hưởng đến tâm lý của cộng đồng xung quanh. Do đó, cùng với việc nâng cao công tác giáo dục trong mỗi gia đình, cũng cần sự vào cuộc của các đoàn thể xã hội đối với những gia đình tiềm ẩn mâu thuẫn trong sinh hoạt. Có như vậy mới ngăn chặn được những vụ việc đau lòng xảy ra trong gia đình hiện đại.

“Phòng ngừa là tốt nhất”

Đó là ý kiến của Thượng tướng, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thành, ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an tại Hội thảo khoa học “Giải pháp nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm giết người hiện nay” do Bộ Công an tổ chức hôm qua 22-6, tại Hà Nội. 

Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành cho rằng, cần làm rõ nguyên nhân của tội phạm giết người để đưa ra các giải pháp phòng và chống; trong đó xác định rõ việc phòng ngừa là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, địa phương, tội phạm xảy ra ở địa phương nào cần làm rõ trách nhiệm của địa phương đó. Lực lượng công an cần làm tốt công tác phòng ngừa nghiệp vụ, phòng ngừa xã hội; chủ động nắm tình hình, phát hiện các mâu thuẫn trong xã hội để phối hợp giải quyết; nâng cao chất lượng công tác thông tin, truyền thông, góp phần phòng ngừa tội phạm nói chung, tội phạm giết người nói riêng...

Đại tá Nguyễn Duy Ngọc, Phó Giám đốc CATP Hà Nội: Chủ động biện pháp giải quyết

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến án mạng, như mâu thuẫn bộc phát; đối tượng tâm thần; quan hệ đồng tính; đối tượng bị thần kinh kích động, trong đó có “ngáo đá” do sử dụng ma tuý tổng hợp...

Công an Hà Nội xác định tội phạm xảy ra do nguyên nhân nào thì phải có đối sách, biện pháp giải quyết nguyên nhân đó. Đơn cử, chúng tôi tuyên truyền, kiểm soát, không để hàng quán hoạt động sau 23h, nhằm phát sinh mâu thuẫn. Chính vì vậy, nếu xảy ra vụ việc gây mất an ninh trật tự nghiêm trọng ở hàng quán sau 23h, sẽ kiểm điểm trách nhiệm của Cảnh sát hình sự, Trưởng Công an phường.

Hay để phòng ngừa đối tượng “ngáo đá” gây án, chúng tôi giao Phòng CSHS phối hợp với CSĐT tội phạm về ma túy thống kê số lượng, đề ra các giải pháp như đưa vào trung tâm, cơ sở giáo dục chữa bệnh bắt buộc và xử lý nghiêm nếu phạm tội… Nhờ đó, 5 năm qua, Hà Nội liên tục giảm án giết người; năm 2013, 2014 giảm gần 15% mỗi năm; năm 2015 giảm 25,7%...