Điệp khúc nông sản dư thừa sẽ còn tái diễn nếu không có sự gắn kết
Hai đường thẳng song song
Ông Nguyễn Văn Bộ, Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam nhận định, vấn đề nông sản gặp “nạn” đã được nói đến từ lâu như sắn, vải, dưa hấu, thanh long, cà chua. Từ đó cho thấy, cần thay đổi tư duy về mặt quản lý, còn nếu cứ duy trì tư duy sản xuất, tiêu thụ tách bạch như hiện nay thì mãi sẽ không có lời giải cho vấn đề tiêu thụ nông sản. “Ngành nông nghiệp chịu trách nhiệm về vấn đề sản xuất, lo làm sao nông dân có mùa bội thu, năng suất cao, chất lượng tốt, còn ngành Công Thương chịu trách nhiệm về vấn đề tiêu thụ, nhưng hai ngành dường như không có sự gắn kết”, ông Nguyễn Văn Bộ bày tỏ.
Thực tế hiện nay yêu cầu chúng ta phải có một quy chế điều hành mới, sản xuất và tiêu thụ phải đi đôi, gắn kết với nhau, sản xuất phải dựa trên cơ sở nhu cầu thị trường. Theo Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, Bộ NN&PTNT phải quan tâm về lĩnh vực thị trường, tổ chức thị trường nhiều hơn thay vì tổ chức quá nhiều về mặt sản xuất. Hiện nay, sản xuất cứ sản xuất, tiêu thụ được đến đâu hay đến ấy, còn nông sản dư thừa ra sao thì mặc kệ nông dân gánh chịu. Nếu tiêu thụ không hết thì lỗi hoàn toàn do sản xuất như sản xuất không theo quy hoạch, không đáp ứng được chất lượng… Song, ở chiều ngược lại, thị trường cũng chưa bao giờ “đặt hàng” cho sản xuất, như phải sản xuất bao nhiêu, chất lượng ra sao…
Còn ông Nguyễn Trí Ngọc, Tổng Thư ký Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam nhìn nhận, có sự yếu kém của cơ quan quản lý Nhà nước trong vấn đề thị trường, định hướng thị trường cho người sản xuất cũng như vấn đề quy hoạch để đáp ứng thị trường. Đặc biệt là việc giám sát quy hoạch không chặt chẽ, liên tiếp để nông dân phá vỡ quy hoạch sản xuất. Bởi vậy, để giải bài toán dư thừa nông sản hiện nay cần thiết phải quy hoạch sản xuất cho các loại nông sản chủ lực. “Quy hoạch phải gắn với thị trường, dứt khoát không để nông dân tự do chạy theo thị trường mà phá vỡ quy hoạch. Chúng ta đã có nhiều bài học trong việc xé rào quy hoạch như cà phê, cao su”, ông Nguyễn Trí Ngọc nêu quan điểm.
Thị trường nên “đặt hàng” cho sản xuất
Theo ông Nguyễn Văn Bộ, gần như các giải pháp hiện nay đều xử lý ở dạng tình thế. Mặc dù, Bộ Công Thương cũng có văn bản nhắc nhở các địa phương giảm diện tích nhưng cũng chỉ là giải quyết phần ngọn. “Hiện nay, nhiều loại nông sản chiếm đến 90% sản lượng xuất sang Trung Quốc. Vậy tại sao không đăng ký danh mục những doanh nghiệp đủ điều kiện xuất hàng sang Trung Quốc, từ đây mình biết nhu cầu nước bạn thế nào, chất lượng ra sao để điều tiết sản xuất trong nước”, ông Nguyễn Văn Bộ đề xuất.
Bài toán, nuôi con gì trồng cây gì để mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân không phải Bộ NN&PTNT chưa từng nghĩ đến. Theo ông Nguyễn Văn Bộ, không ai khuyên được nông dân trồng cây gì ngoài doanh nghiệp. Có sự vào cuộc của doanh nghiệp, tạo sự liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ thì nông sản mới được giải quyết. Tuy vậy, Nhà nước phải tạo điều kiện về mặt pháp lý, chính sách để nông dân cũng tham gia góp vốn với doanh nghiệp về quyền sử dụng đất, từ đó nông dân sẽ trở thành một cổ đông hưởng lợi ích. Ngoài ra, phải có chính sách về vốn đầu tư cho nông nghiệp, có sự ưu đãi vì đầu tư vào nông nghiệp lợi nhuận thấp song rủi ro lại cao nên doanh nghiệp không mặn mà.
Cùng nhìn nhận về thực tế này, ông Nguyễn Văn Hòa,Viện trưởng Viện cây ăn quả miền Nam khẳng định, thị trường đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển bền vững của sản xuất. Việc nắm rõ thị trường là khâu then chốt, quyết định sự thành bại và sự bền vững của liên kết này. Nhà nước cần đầu tư cho việc nghiên cứu thị trường và quảng bá sản phẩm, đi vào chiều sâu và cụ thể hóa cho từng chủng loại, số lượng, từng thị trường, theo thời gian.
Còn theo GS. TS Võ Tòng Xuân, chuyên gia hàng đầu về nông nghiệp thì vai trò Nhà nước, cụ thể là Bộ NN&PTNT thời gian qua, hành động theo kiểu chắp vá, hỏng đâu sửa đấy, không có một chiến lược dài hạn khả thi một cách đồng bộ có hệ thống. Bởi vậy, Nhà nước cần tổ chức sản xuất mỗi ngành hàng (lúa gạo, thủy sản, trái cây nhiệt đới, chăn nuôi...) một cách có hệ thống chuỗi giá trị từ khâu tìm hoặc mở thị trường rồi về tổ chức lại cho nông dân kết hợp với nhau sản xuất theo cùng một quy trình.