Thưởng trà, chạm đá trên đỉnh Suối Giàng

ANTĐ - Từ thị xã Mường Lò, huyện Văn Chấn, Yên Bái lên đỉnh Suối Giàng chỉ khoảng 16km, đường đi quanh co theo sườn núi, quanh năm vây chặt bởi mây ngàn. Chỉ cần leo dốc một đoạn ngắn là bạn đã thấy bạt ngàn chè thoai thoải bên sườn đồi, những chị, những bà chăm chỉ hái những nụ chè mơn mởn.

Phụ nữ Mông hái chè bên những cây chè cổ thụ

Ngồi trên xe máy “phượt” trên những cung đường quanh co trong cái ngan ngát, se se của núi rừng thật là tuyệt. Tôi phải dồn số liên tục, chợt thèm được cưỡi trên chiếc Minsk, Win côn tay chuyên dành cho đường núi biết bao. Nhưng với những đoạn dốc không quá cao và đường tương đối phẳng thì chiếc Future cũng đủ để trải nghiệm. Qua cột cây số 15, tôi đã có thể chạm tay vào mây, nghe suối róc rách, đâu đó ẩn hiện những gốc chè hàng trăm tuổi. Em bé chăn trâu, người phụ nữ Mông nhoẻn cười thân thiện, nô đùa khi thấy khách chụp ảnh. Suối Giàng là đây!

Về mặt địa lý, đỉnh Suối Giàng cao gần 1.400m so với mực nước biển, khí hậu tương tự Sa Pa, Tam Đảo. Suối Giàng mưa nhiều, nhưng từng đoạn. Đứng trong mưa nhưng chỉ cách đó mươi bước chân vẫn nắng ráo hoảnh. Du khách thường muốn được thưởng thức thứ chè Shan tinh khiết như núi rừng, thơm mát, nhưng chỉ để một lúc là chuyển sang màu đục. Thế nên hiếm khi thấy gia chủ pha vào ấm to, chỉ chế nước đủ mời khách. Chè Shan càng già, thân càng trắng mốc, lá càng xanh.

Lên đến đỉnh Suối Giàng mà không vào thăm bản Pang Cáng, chưa chạm tay vào đá trong nhà sàn văn hóa, chưa chạm vào những than chè hàng trăm năm tuổi thì coi như chỉ thoáng qua mà thôi. Ở đỉnh Suối Giàng có một ngôi nhà sàn khá đặc biệt, không phải ở hình dáng hay những cột xà nhuốm màu thời gian mà trong ngôi nhà ấy có cả một bộ sưu tập đá. Đá phiến xanh, phiến nâu được khắc tinh xảo đủ hình. Giữa nhà là chiếc phản đá xanh được mài kỹ, bóng, sờ mát rượi. Ông chủ nhà khoe: Có một đại gia dưới xuôi đã trả gần một tỷ đồng cho tấm phản đá này nhưng ông không bán. Ông để chơi, để lữ khách hiểu cái chất của người Suối Giàng.

Tôi ngả lưng trên tấm phản đá thấy mát rượi, từ đây toàn cảnh Suối Giàng hiện ra với những đỉnh núi gọn trong mây, cánh đồng Mường Lò ẩn hiện. Chợt nghĩ, sẽ là vô duyên nếu tấm phản đá này được đặt trong những ngôi nhà bê tông khô khốc nơi thành phố. Suối Giàng mà thiếu đá, thiếu chè thì sẽ ra sao?