Quản lý người sau cai nghiện ma túy: Trăm đường đều khó

ANTĐ - Làm thế nào để giúp người sau cai nghiện hòa nhập cộng đồng để họ có thể tìm được một công việc nuôi sống bản thân? Và đặc biệt, làm thế nào để giúp họ không tái nghiện là những vấn đề nhức nhối đặt ra đối với công tác quản lý sau cai nghiện hiện nay.
Dạy nghề, ổn định việc làm sẽ giúp người nghiện tránh xa quá khứ, tái hòa nhập cộng đồng (ảnh minh họa)


Tăng số thanh niên nông thôn nghiện ma túy

Số liệu từ BCĐ phòng chống ma túy TP Hà Nội cho thấy, tính đến thời điểm hiện tại, số người nghiện ma túy trên địa bàn TP là 21.000 người, trong đó, hơn 11.000 người ở ngoài cộng đồng, số còn lại đang cai nghiện bắt buộc tại các Trung tâm. Đó còn chưa tính, hàng nghìn đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp ngoài cộng đồng chưa thống kê được con số cụ thể. Trung tá Nguyễn Đăng Quyền (CATP Hà Nội), BCĐ Phòng chống ma túy TP cho biết: “Số đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp nhiều nhưng lại chưa có hướng dẫn cai nghiện, nếu bắt buộc đối tượng này đi cai có thể thành con dao hai lưỡi”. Bởi, đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp chỉ khi có điều kiện thích hợp như nhạc to, kích thích… mới sử dụng thuốc và không gây nghiện, tuy nhiên, nếu sử dụng nhiều sẽ loạn thần kinh. Theo Trung tá Nguyễn Đăng Quyền, từ đầu năm đến nay, lực lượng công an trên địa bàn TP đã bắt hơn 1.900 vụ án ma túy, trong đó, có vụ án thu giữ 11 bánh heroin.

Tình hình nghiện ma túy trong độ tuổi thanh niên đang có những diễn biến phức tạp tại những khu vực nông thôn, nhất là các khu vực được bồi thường đất do thu hồi, là nhận định của Bí thư huyện đoàn Đông Anh Nguyễn Thế Mạnh. Có tình trạng này, theo ông Mạnh là do việc quản lý kinh phí đền bù không tốt, không có phương pháp. “Bỗng nhiên nhận được một số tiền lớn, hàng tỷ đồng đền bù ruộng đất, phần lớn các gia đình nông thôn không biết cách sử dụng sao cho hiệu quả, dẫn đến con cái chơi bời, sa vào nghiện ngập. Bản chất những thanh niên này không phải là hư hỏng, nhưng do hoàn cảnh cộng thêm bản lĩnh không vững, dễ bị lôi kéo, rủ rê”, ông Mạnh nói.

Nếu không chung sức gánh vác

Trong khi thanh thiếu niên nông thôn dễ sa vào nghiện ngập do bị rủ rê lôi kéo gia tăng thì tỷ lệ thanh niên tái nghiện sau cai lên tới 90%. Ông Nguyễn Văn Trí, Phó giám đốc Trung tâm quản lý dạy nghề và giải quyết việc làm số 1 (Sở LĐTBXH Hà Nội) cho biết, hiện trung tâm đang tiếp nhận gần 900 học viên sau cai nghiện, trong khi chỉ tiêu TP giao là 900 thì năm nay, con số này sẽ vượt lên đến 1.300-1.500. “Quản lý học viên sau cai nghiện rất khó, bởi, 100% học viên sau cai nghiện đều không muốn ở lại trung tâm mà muốn trở về cộng đồng. Do đó, tâm lý bất ổn, hoang mang, lúc nào cũng tiềm ẩn nguy cơ học viên trốn trại”, ông Trí phản ánh.

Mặc dù các Trung tâm quản lý sau cai đều đã xác định được mục tiêu là tạo cho học viên một nghề để có thể kiếm sống, nuôi bản thân. Song, ông Nguyễn  Đức Tuấn, Giám đốc Trung tâm giáo dục lao động hướng nghiệp thanh niên Hà Nội cho biết, sức khỏe của học viên sau cai suy giảm, trong đó, gồm cả học viên mắc các bệnh truyền nhiễn như HIV/AIDS, viêm gan B, giang mai… trình độ học vấn, văn hóa của các học viên cũng rất khác nhau, có học viên đã qua đào tạo cử nhân, nhưng cũng không ít học viên còn chưa biết chữ. Do vậy, việc dạy nghề và kiếm việc cho các học viên rất khó. Ông Trí cho biết: “Vấn đề tìm kiếm việc làm để đảm bảo 100% học viên có việc để làm trong thời gian ở Trung tâm hoàn toàn do Ban giám đốc các Trung tâm tự xoay sở. Trong khi đó, hầu hết các doanh nghiệp đến các Trung tâm tuyển lao động thì cứ đến rồi lại ra đi”.

Bởi vậy, ông Trí cho rằng, Nhà nước cũng như TP cần đầu tư hơn nữa vào nhà xưởng, cơ sở vật chất cho cho các Trung tâm quản lý giáo dục và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy. “Có thể đầu tư theo hình thức, TP xây dựng nhà xưởng đủ rộng, đủ tiêu chuẩn, nhân lực sẽ là các học viên tại Trung tâm, còn doanh nghiệp sẽ đưa công nghệ, sản phẩm vào”, ông Trí đề xuất. Thêm vào đó, nhiều người cũng cho rằng, ngoài công tác dạy nghề cho học viên sau cai nghiện, cần quan tâm đến các hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí lành mạnh, tạo điều kiện cho học viên tái hòa nhập cộng đồng.