Quá trình khai quật hang Ngườm Hầu , Đoàn khảo cổ của Viện Khảo cổ học Việt Nam và Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang thu thập được hơn 400 di vật khảo cổ, chủ yếu là đồ đá người cổ Ngườm Hầu, có niên đại cách ngày nay khoảng từ 4.000 đến 4.200 năm.
Lớp vỏ ốc khai quật tại hang Ngườm Hầu
Ngườm Hầu là một hang rộng khoảng 30 m2, nằm trên sườn dãy núi đá vôi và cao khoảng 8 mét, thuộc địa phận thôn Nà Lộc, xã Thanh Tương, huyện Na Hang. Đường lên hang thuận tiện, bề mặt hang khá bằng phẳng, phần lớn diện tích lòng hang nhận được ánh sáng tự nhiên, thuận tiện cho con người cư trú.
Kết quả khai quật ban đầu cho thấy, dấu tích của người tiền sử được tìm thấy ở hầu khắp diện tích hang, với 2 lớp văn hóa phát triển trực tiếp lên nhau, không có lớp phân cách. Đó là lớp văn hóa sớm, nằm ở phía dưới dày gần 1m và lớp văn hóa muộn dày gần 20 cm. Tại các lớp văn hóa này đều có nhiều công cụ lao động đặc trưng của người cổ Ngườm Hầu. Hầu hết các lớp văn hóa đều tìm thấy dấu vết của bếp lửa, với lớp than tro mỏng, đất đỏ cháy. Ngoài ra, Đoàn khảo cổ còn phát hiện được một ngôi mộ, được đánh dấu bằng 14 tảng đá xếp theo một chiều dài hơn 1,6m.