Nghệ thuật dạy học sinh cá biệt

(ANTĐ) -Học sinh cá biệt (HSCB) là học sinh hư về đạo đức, lười nhác học tập, ví dụ như: Càn quấy, ý thức tổ chức kỷ luật kém, thích “chơi trội” theo kiểu con nhà đại gia giàu có cụm lại với nhau đối lập với tập thể lớp. Họ thích ăn chơi phá phách hơn là học hành tử tế, kết quả học tập thất thường, sút kém, luôn xếp “đội sổ”, dẫn đến chán học.

Nghệ thuật dạy học sinh cá biệt

(ANTĐ) -Học sinh cá biệt (HSCB) là học sinh hư về đạo đức, lười nhác học tập, ví dụ như: Càn quấy, ý thức tổ chức kỷ luật kém, thích “chơi trội” theo kiểu con nhà đại gia giàu có cụm lại với nhau đối lập với tập thể lớp. Họ thích ăn chơi phá phách hơn là học hành tử tế, kết quả học tập thất thường, sút kém, luôn xếp “đội sổ”, dẫn đến chán học.

HSCB, trường nào cũng có. HSCB không nhiều, song lại là “lực cản” rất lớn, thậm trí là thế lực “đen” đe dọa, khống chế những nhân tố tích cực dám đấu tranh bảo vệ lẽ phải ở trong lớp, trong trường.

Cách dễ nhất, đỡ mất công sức, đã có thầy cô “áp dụng” là loại dần, một cách “hợp pháp” HSCB ra khỏi lớp để lớp “sạch”, dễ bề đạt danh hiệu “Lớp tốt” trong các phong trào thi đua.

Cần nâng cao vai trò của thầy cô, gia đình và xã hội nhằm giảm những học sinh cá biệt
Cần nâng cao vai trò của thầy cô, gia đình và xã hội nhằm giảm những học sinh cá biệt

Nhiệm vụ của trường học là “Dạy” và “ Dỗ”, giáo dục các em học sinh nên người, kể cả HSCB. Giáo dục HSCB là một thử thách, bản lĩnh, lòng vị tha của thầy, cô. Cải tạo học sinh hư thành con ngoan trò giỏi, công dân tốt, để xã hội bớt đi một người xấu chẳng phải đó là nhiệm vụ của thầy, cô giàu tình thương, hết lòng vì “Học sinh thân yêu” đó sao?

Một lớp học, xuất phát điểm có nhiều HSCB, hết năm học xóa hết “gánh nặng” cho lớp, cho trường, cho gia đình, công lao của thầy, cô được đền đáp. Vinh quang của nghề dạy học là ở chỗ đó, xã hội đánh giá nghề dạy học “nghề cao quý trong các nghề cao quý” nghề “ trồng người” cũng vì lẽ đó.

Nếu nói trường học, lớp học là một xã hội thu nhỏ, thì ngoài xã hội có loại cá biệt nào, trong trường học có loại cá biệt đó. Có học sinh mệnh danh là “Chí Phèo” vì tính cách ngang bướng, có học sinh được gán cho biệt danh “chầy cối”, bởi hay cãi “ ba bửa”, trọc cười gây rối trong lớp. Có học sinh lý lẽ theo kiểu “thắng lợi tinh thần”, học giỏi để làm gi? Cũng có học sinh đến lớp để vỗ ngực dương dương tự đắc “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba là… mỗ đây”.

Nghề dạy học vốn là nghề “sáng tạo trong các nghề sáng tạo”. Nói theo cách nói của thầy thuốc: Thầy phải “chẩn” đúng bệnh, dùng loại thuốc “đặc trị” phù hợp mới cứu được con “bệnh” cá biệt.

Đừng nghĩ HSCB, bộ mặt lúc nào cũng câng câng, bất cần đời là có “trái tim đá”. Dưới vẻ mặt lạnh lùng, vô cảm là sự hụt hẫng tình thương. Phải là những thầy cô giáo chủ nhiệm giàu kinh nghiệm, có cách đối nhân xử thế bao dung, vi tha, kiên nhẫn mới “phá” được “lô cốt” tưởng là “bất khả xâm phạm”, đem đến cho các em hơi ấm của tình người, để các em biết người tốt chung quanh ta, nhiều lắm!

Cha mẹ Hoàn chia tay nhau lúc Hoàn mới bi bô gọi được hai tiếng: Bà-ba. Hoàn ở với bà nội. Bà cưng chiều Hoàn, bù đắp, lo cho Hoàn đủ thứ. Nhưng sao, càng lớn càng xa lánh mọi người, đôi mắt lúc nào cũng đượm buồn. Những bạn bè vô tư vui chơi, bố mẹ đón đưa đi học, tổ chức sinh nhật với chiếc bánh gatô cao nhiều tầng, mặc những bộ quần áo “mốt” nhất, Hoàn có vẻ như “đội mũ phớt” không quan tâm.

Đêm về, đối diện với chính mình, Hoàn tủi thân, thèm được “chia sẻ” biết nhường nào. Thầy cô chủ nhiệm, người mẹ hiền nhậy cảm, tế nhị, biết thổi vào “trái tim cô đơn” ấy “một tình yêu bao la”, chắc chắn Hoàn sẽ hòa vào bạn bè. Tuổi trẻ bao giờ cũng sống bằng tình bạn hữu. Nhân ngày 26-3, thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, lớp tổ chức tọa đàm về “tình bạn, tình yêu”.

Hoàn nói: “Con đường từ trái tim đến với trái tim là gần nhất. Chính thầy cô chủ nhiệm, các bạn đã đến với tôi bằng trái tim yêu thương, giúp tôi thay đổi cách nhìn đời, nhìn người. Đáp lại tấm lòng thầy cô, đáp lại tấm lòng bạn bè, tôi xin hát bài “ Cuộc sống ơi! Ta mến yêu người”. Cả lớp vỗ tay hòa vào niềm vui chung của tập thể.

Giáo dục HSCB còn một yêu cầu quan trọng, thầy, cô phải giỏi nghề. Thầy, cô luôn cải tiến, đổi mới phương pháp giảng dạy. Tiết sau “mới” hơn tiết trước. Sau một tiết học, trò học được nhiều tri thức bổ ích tạo nên sự đam mê học hỏi, khám phá tự tin, khẳng định mình.

Thầy, cô biết hỏi “gợi mở” mang tính “phát động”, nhất định sẽ nhận được câu trả lời độc đáo. Thầy hỏi: “Theo em cô Tấm có mặt nào tốt, mặt nào chưa tốt. Em thích Tấm ở đức tính gì?”. Trò mạnh dạn trả lời: “Em không thích nhân vật Tấm. Tấm chỉ sống dựa vào người khác.

 Tấm cũng ác không kém gì mụ dì ghẻ. Tấm lừa giết Cám để trả thù. Tấm thật đáng sợ”. Ta khoan bình luận đúng sai. Em học sinh dám đưa ra một đánh giá riêng của mình. Cũng giống Phùng Quán phê phán câu ca dao cổ: “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Hoa sen đẹp, lại có hương thơm, nhờ có “bùn”. Tại sao sen lại vô tình “không tanh mùi bùn”.

Thầy, cô biết “cuốn” học sinh vào trò chơi học tập, sẽ “lấp” thời gian “chết”, trò không “nhàn cư…” nghịch, đánh cờ ca rô, nhắn tin… ngay trong tiết học.

Giáo dục HSCB là một nghệ thuật, nghệ thuật dạy trẻ. Thầy, cô đứng trên bục giảng phải đóng nhiều vai: Tác giả kịch bản, đạo diễn, diễn viên, cả khán giả-tức học sinh ngồi nghe giảng trên lớp. Làm thầy, nhưng phải hiểu trò đang nghĩ gì, làm gì trong giờ học. Bài giảng là một “món ăn”, nếu nhàm chán, học trò sẽ bỏ ăn-bỏ học.

Lê Sĩ Tứ