Cần một hệ thống khoa học, hiện đại để chăm sóc sức khỏe và tinh thần
ho người cao tuổi trên toàn quốc. Ảnh: PHÚ KHÁNH
80% phải sống dựa con cái
Những thông tin nói trên được đưa ra tại Tọa đàm “Chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi” vừa diễn ra ở Hà Nội. Trường hợp của ông Nguyễn Tất Bô (65 tuổi, xã Quang Trung, huyện Kinh Môn, Hải Dương) là một ví dụ. Vợ chồng ông Bô có 3 người con đều ra ở riêng và ở xa nên dù tuổi cao, lại may mắn hơn những người cùng độ tuổi trong làng là mỗi tháng được hưởng phụ cấp nhà nước 1,1 triệu đồng, song ông bà vẫn phải tìm kiếm một số công việc phù hợp với sức khỏe của mình. Ông Bô chia sẻ, khoản phụ cấp nhà nước chỉ đáp ứng đủ 40-50% nhu cầu tiêu dùng, sinh hoạt cho 2 vợ chồng nên họ phải chắt bóp từng xu, bởi chẳng may có khi ốm đau bệnh tật, mà vợ ông thì lại không có BHYT…
Nói về vấn đề này, GS-TS. Nguyễn Đình Cử (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cho biết, người cao tuổi ở Việt Nam tỷ lệ phụ nữ nhiều hơn nam giới, 72% sống ở nông thôn, 60% người cao tuổi không có lương hưu, trợ cấp xã hội thường xuyên. Kết quả cuộc khảo sát về già hóa dân số ở Việt Nam năm 2011 cũng cho thấy, do không có tích lũy, không có lương hưu nên khoảng 70-80% người cao tuổi ở nước ta vẫn phải tự kiếm sống hoặc nhờ vào sự nuôi dưỡng và chăm sóc của con cái. Còn theo báo cáo khảo sát của Uỷ ban Quốc gia về Người cao tuổi Việt Nam, người càng cao tuổi thì xác suất nghèo càng cao. Nam giới cao tuổi có tỷ lệ nghèo thấp hơn nữ giới cao tuổi. Người cao tuổi sống ở khu vực nông thôn dễ tổn thương với nghèo hơn là người cao tuổi sống ở khu vực thành thị.
Chủ động đón tuổi già?
Theo TS. Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế), chúng ta hoàn toàn có thể xóa bỏ được những lo ngại khi tuổi già sắp đến nếu thực hiện được tiến trình “già hoá chủ động”. Ông Dương Quốc Trọng cho biết “trong nhân khẩu học có khái niệm “già hoá chủ động”, hiểu một cách đơn giản là sự chủ động chuẩn bị cho giai đoạn này”. Cụ thể, để chuẩn bị cho giai đoạn già hóa dân số, nhà nước cần chủ động bằng cách phát huy vai trò người cao tuổi, chủ động bằng cách thiết lập hệ thống dịch vụ an sinh xã hội và chăm sóc người cao tuổi rộng khắp từ thành thị tới nông thôn. Với bản thân mỗi người, hãy chủ động cho tuổi già của mình bằng cách đóng bảo hiểm xã hội khi đang làm việc để được hưởng lương hưu đủ sống khi về già. Những trường hợp không có con cái hoặc con cái không có điều kiện chăm sóc, hệ thống dịch vụ xã hội sẽ đảm nhiệm việc chăm sóc khi họ về già.
Đồng tình với quan điểm này, ông Brucce Campell, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam cho rằng, đầu tư cho y tế, giáo dục, tham gia vào sự ổn định lớp thanh niên đóng góp phần quan trọng vào việc giải quyết các nhu cầu của thế hệ người cao tuổi trong tương lai. Các chuyên gia cũng khuyên rằng, để chủ động đón tuổi già, mỗi người ngay từ khi còn trẻ tuổi cần tránh xa thuốc lá, rượu chè để đảm bảo sức khỏe. Bên cạnh đó, làm việc chăm chỉ và có tích lũy bằng cách đóng bảo hiểm tự nguyện, gửi tiết kiệm... cũng là cách để chúng ta thoải mái đón tuổi xế chiều.