Khó khăn “gõ cửa” ngành du lịch

(ANTĐ) - Trước tình hình kinh tế thế giới đang lâm vào tình trạng suy thoái, lạm phát tăng cao ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều ngành nghề, trong đó có ngành du lịch. Hiện nay, việc đi du lịch, nghỉ dưỡng của nhiều khách du lịch đến Việt Nam đều có phần suy giảm. Theo nhận định và đánh giá chung của giới chuyên môn, các công ty du lịch, lữ hành quốc tế và trong nước, tình hình những tháng cuối năm 2008, chiều hướng xấu tiếp tục ảnh hưởng không nhỏ đến ngành du lịch.

Khó khăn “gõ cửa” ngành du lịch

(ANTĐ) - Trước tình hình kinh tế thế giới đang lâm vào tình trạng suy thoái, lạm phát tăng cao ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều ngành nghề, trong đó có ngành du lịch. Hiện nay, việc đi du lịch, nghỉ dưỡng của nhiều khách du lịch đến Việt Nam đều có phần suy giảm. Theo nhận định và đánh giá chung của giới chuyên môn, các công ty du lịch, lữ hành quốc tế và trong nước, tình hình những tháng cuối năm 2008, chiều hướng xấu tiếp tục ảnh hưởng không nhỏ đến ngành du lịch.

Thắc thỏm… cán đích

Con số 4,8-5 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam theo chỉ tiêu phấn đấu của ngành du lịch đến nay là một đích đến không dễ gì đạt được. Bởi lẽ, với con số thống kê của 10 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái tăng 3,5% với gần 3,6 triệu lượt khách - một sự tăng trưởng đáng mừng nhưng với tình hình kinh doanh hiện nay đặt nhiều công ty, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch không khỏi lo âu.

Đổ hết nguyên nhân cho tình hình lạm phát kinh tế toàn cầu e có phần hơi quá, dẫu biết đó là một nguyên nhân nhưng yếu tố khách quan này ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia, kể cả các nước trong khu vực Đông Nam á chứ không chỉ riêng Việt Nam.

Đặt tất cả các yếu tố lên bàn cân để trực tiếp phân tích những nguyên nhân dẫn đến việc khách quốc tế đến với nước ta mấy tháng gần đây có chiều hướng giảm. Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến chính sách tăng phụ phí của các hãng hàng không, giá khách sạn và nhà hàng đã góp phần đẩy giá tour đến Việt Nam tăng 20% trở lên.

Tăng là con số nhìn thấy trong khi cơ sở hạ tầng, sự bình ổn giá, đẩy mạnh quảng bá và giúp khách du lịch “nạp” đủ thông tin về nơi mình đến của chúng ta lại yếu hơn so với các nước trong khu vực. 

Tiếp theo, một khía cạnh cũ xin được nhắc lại đó là sự linh hoạt và sáng tạo trong việc liên kết hướng đến chiến lược phát triển du lịch bền vững vẫn còn thiếu. Hàng loạt những chương trình lớn có cơ hội quảng bá hình ảnh Việt Nam như Festival Huế, Hoa hậu hoàn vũ, Diễn đàn du lịch châu á, Tuần lễ du lịch Việt Nam tại Nhật, Nga… nhưng vẫn mang nặng tính chất quảng bá vùng, miền.

Tính liên kết giữa các công ty du lịch, lữ hành với nơi sở tại thiếu sự phối hợp, kết dính. Kế nữa đó là chúng ta thiếu hẳn những sản phẩm du lịch mang thương hiệu quốc gia. Một nhóm nguyên nhân quan trọng khác là việc đổi mới, nâng cấp của ngành du lịch còn ít, dẫn đến việc sửa đổi, khắc phục những hạn chế bất cập cũ chưa nhiều.

Ngoài ra, sự mòn của điểm đến gần như bị chúng ta bỏ quên. Hội An, Vịnh Hạ Long, Đà Lạt, Sapa… là những địa danh mãi hát khúc “quanh đi quẩn lại” khiến ngành du lịch rơi vào trạng thái bão hòa; trong khi những địa danh khác lại chưa được quan tâm, đầu tư để khai thác du lịch đúng mức.

Thay đổi để khắc phục (?)

Đã có rất nhiều luồng ý kiến đưa ra nhằm phân tích thực trạng và “hiến” các giải pháp nhằm khắc phục tình trạng hiện nay. Từ việc hy vọng giá tour giảm do giá xăng dầu giảm, giá vé máy bay xuống thấp. Từng bước chủ động trong việc đối phó với các yếu tố khách quan để duy trì số lượng khách.

Tiếp tục quảng bá du lịch qua nhiều kênh thông tin, chương trình và hoạt động ấn tượng có tầm cỡ. Ngoài những vấn đề bên ngoài, chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện và phát triển cơ sở hạ tầng chuyên biệt phục vụ du lịch, luôn đảm bảo đủ phòng khách sạn trong những mùa cao điểm, bảo tồn các điểm đến tham quan của du khách, chú trọng đào tạo có chiều sâu các hướng dẫn viên du lịch, đặc biệt là tiếng hiếm.

Để ngành du lịch vượt qua giai đoạn lạm phát kinh tế toàn cầu như hiện nay, ngành du lịch cũng nên đưa ra những giải pháp thực tế giúp đỡ các doanh nghiệp, công ty du lịch, lữ hành. Xét theo từng thời điểm của thị trường để đưa ra những chính sách giá hợp lý, xúc tiến quảng bá điểm theo từng vùng, miền kết hợp với địa phương sở tại nhằm gắn kết và tạo nên sự phối hợp liên ngành vững chắc.

Cơ hội trong khó khăn - điều này đã đúng kể cả trong trường hợp này. Bên cạnh những yếu tố bất lợi, một số nguyên nhân khách quan có thể sẽ là lợi thế cho Việt Nam. Hiện nay, sức hấp dẫn của du lịch Thái Lan đang bị giảm sút vì tình hình chính trị và giá cả những resort nghỉ dưỡng miền biển tăng cao. Ngoài ra, Việt Nam đang có sức hấp dẫn với du khách các nước trong khu vực.

Du khách từ Singapore, Malaysia, Philippines, Thái Lan… đến Việt Nam tăng. Nếu quảng bá tốt và nắm bắt được thị hiếu, nhu cầu của các đối tượng khách này, ngành du lịch Việt Nam sẽ bù được phần nào doanh thu giảm sút từ nguồn khách Anh, Mỹ, Nhật... đang tiếp tục giảm.

Chúng ta đều có quyền hy vọng vào những điều tốt đẹp như lời của ông Richard Brouwer, Giám đốc điều hành Công ty Diethlem Travel Group của Thụy Sỹ trên Báo Du lịch TTG Asia dự đoán từ tháng 10 đến tháng 12, tình hình du lịch của Việt Nam cũng như các quốc gia Đông Nam á sẽ khả quan hơn.             

Hồng Hạnh