Hạn chế đào đi đào lại
Nội thành Hà Nội sẽ thoát ngập sau khi hệ thống cống được nâng cấp
Giám đốc Ban Quản lý dự án Thoát nước Hà Nội, ông Phạm Văn Cường cho biết, phần lớn các tuyến phố được nâng cấp cống ngầm đợt này thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm (20 tuyến phố). Số còn lại nằm rải rác ở các quận Ba Đình, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Đống Đa, Hoàng Mai và Cầu Giấy. Hệ thống cống ngầm này có “tuổi đời” 60-80 năm, nhiều đoạn đã bị lún, sụt, cản trở dòng chảy. Ngay cả gạch xây cống cũng đã bị “mủn” do thời gian sử dụng quá lâu.
Đại diện BQLDA Thoát nước cho biết, tổng vốn đầu tư cho gói thầu cải tạo cống ngầm 44 tuyến phố khoảng 400 tỷ đồng. Do nhiều tuyến phố có bề rộng mặt đường nhỏ hẹp, lưu lượng phương tiện đi lại lớn nên phương án thi công như thế nào để đảm bảo an toàn giao thông và không ảnh hưởng tới người dân đang là vấn đề nan giải. “Đào đường và lắp đặt cống thì đơn giản nhưng phức tạp ở chỗ dưới lòng đường còn đủ thứ công trình ngầm hay hệ thống cấp nước, cáp điện, thông tin viễn thông... nên phải thận trọng” - ông Phạm Văn Cường băn khoăn.
Theo đề xuất của BQLDA Thoát nước, có 29 tuyến chỉ thi công vào ban đêm (từ 22h tới 5h sáng hôm sau). Các đoạn phố thi công được làm hàng rào tôn di động, thi công trong rào, đến 5h sáng hoàn tất việc san lấp cát, đổ và đầm đá móng đường, phủ tôn đảm bảo giao thông. Sau khi hoàn thành khoảng 100m dài mới tiến hành rải bê tông atphan.
Với 14 tuyến phố có mặt phố đủ rộng để phân luồng giao thông, sẽ thi công cả ngày và đêm phía trong hàng rào tôn cố định. Do tính chất khó khăn khi thi công, dự kiến, để “nâng đời” xong hệ thống cống ngầm cho 44 tuyến phố trên, phải mất 2 năm, tức đến hết năm 2013, với 4 đợt thi công nối tiếp nhau. Kế hoạch thi công thực hiện, theo phương án “cuốn chiếu” nhưng không quá 2 tuyến phố cùng thi công trên địa bàn 1 quận. “Kế hoạch cụ thể sẽ phải cân nhắc kỹ và phối hợp với các đơn vị khác có trách nhiệm trong công tác chỉnh trang đô thị để không “lấp xuống rồi lại đào lên” - ông Phạm Văn Cường nói.
Khó tránh ảnh hưởng
Phức tạp nhất trong số 44 tuyến phố này là phố Lò Đúc. Hệ thống cống ngầm ở phố này cực lớn, chiếm gần hết bề rộng mặt đường. Cửa xả ra sông Kim Ngưu cũng choán hết mặt phố Kim Ngưu. Dự kiến, trên tuyến phố này, sẽ lắp đặt cống hộp đôi kích cỡ lớn (2x2.600x2.300). Cống rộng tới mức ô tô 7 chỗ có thể chạy trong lòng. Tuy nhiên, phương án thi công cụ thể hiện còn chưa rõ.
Ông Phạm Văn Cường thông tin: “Có thể xin phép thi công từng đoạn ngã tư liền nhau, làm hàng rào cố định và cấm xe máy, ô tô đi lại, để làm cả ngày lẫn đêm. Đấy mới là dự kiến, còn phương án cụ thể ra sao phải chờ các ngành thành phố cho ý kiến. Chúng tôi sẽ xin phép đào thăm dò cắt ngang một số vị trí trên phố Lò Đúc để nắm được các công trình ngầm hiện có và hiện trạng chính xác của cống cũ để đưa ra phương án thiết kế chi tiết phục vụ thi công tuyến phố này vào quý IV-2012. Đây là trục phố lớn, đông đúc và khá dài nên thi công chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn tới việc đi lại của nhân dân”.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo An ninh Thủ đô về mức độ ảnh hưởng tới sinh hoạt và hoạt động buôn bán, đi lại của người dân, ông Phạm Văn Cường cho biết, ở mỗi tuyến phố, các cơ quan quản lý và nhà thầu đều cố gắng tối đa để tìm phương án thi công phù hợp nhất, hạn chế tới mức thấp nhất tác động tới cuộc sống người dân, kể cả về giao thông, làm ăn hay vệ sinh môi trường. Tuy vậy, với hiện trạng đường Hà Nội nhỏ hẹp, cộng thêm lưu lượng phương tiện tham gia giao thông rất lớn, nên sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng là điều không tránh khỏi.
Ông Cường nói: “Những tuyến phố này đều đã tới lúc không thể không làm. Khi cải tạo xong cống ngầm 44 tuyến này, khả năng tiêu thoát nước trong khu vực nội thành sẽ được cải thiện rất lớn và các quận cơ bản sẽ không còn ngập úng cục bộ nữa. Vì thế, mong người dân cùng chia sẻ, ủng hộ, chúng tôi sẽ thi công với tốc độ khẩn trương nhất có thể để hoàn trả lại cảnh quan các tuyến phố cho bà con...”.