Giúp việc gia đình: Cần được điều chỉnh bởi Luật pháp

ANTĐ - Sự ràng buộc lỏng lẻo trong mối quan hệ giữa chủ gia đình (chủ sử dụng lao động) và người giúp việc (lao động), cùng với sự thiếu đào tạo một cách chuyên nghiệp cũng như việc chưa có cơ quan nào đứng ra quản lý người giúp việc… khiến cho thị trường lao động giúp việc luôn tiềm ẩn các nguy cơ.

Những rắc rối trong cuộc sống giữa gia chủ và người giúp việc vẫn ngày một nóng. Hàng loạt vụ án liên quan đến người giúp việc vẫn cứ liên tiếp xảy ra, nhỏ thì là trộm cắp tài sản, hay nguy hiểm hơn là bắt cóc trẻ em và cả những vụ án giết người. Đến khi vụ án xảy ra, người ta mới ngớ ra rằng chẳng có gì ràng buộc giữa gia chủ và người giúp việc, ngoài mấy câu thỏa thuận miệng.

Gần đây nhất, vụ án người giúp việc Võ Thị Thanh Thúy nhiễm HIV bắt cóc con của chủ nhà đã khiến nhiều người hoang mang. Từ đó đặt ra rất nhiều vấn đề đối với việc quản lý người giúp việc. Người giúp việc trên được chủ nhà thuê thông qua một công ty giới thiệu việc làm, nhưng tại sao một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như vậy mà cả phía doanh nghiệp môi giới và chủ nhà đều không biết. Điều đó cho thấy sự thả nổi trong việc tuyển dụng người giúp việc. Đối với các ngành nghề khác, khi tuyển dụng lao động, thì người lao động phải phải có  hồ sơ cá nhân, trong đó có sơ yếu lý lịch có xác nhận của địa phương, có giấy khám sức khỏe, có giấy tờ tùy thân cũng như những chứng chỉ cần thiết chứng minh trình độ nghề nghiệp... Nhưng với lao động giúp việc hiện đang rất phổ biến hiện nay nhưng dường như không được nhìn nhận như một nghề nên cũng chưa có những quy định pháp luật cụ thể để điều chỉnh.

Hiện nay, con đường để người giúp việc đến với các gia đình chủ yếu là thông qua các trung tâm giới thiệu người giúp việc, qua môi giới, qua các mối quan hệ quen biết… Như thế có thể thấy, chỉ có các trung tâm giới thiệu người giúp việc là có thể kiểm soát được về tình trạng người giúp việc. Song thực tế thì các trung tâm chỉ quan tâm đến việc giới thiệu để lấy tiền chứ chưa quan tâm đến việc đào tạo kỹ năng cũng như lý lịch nhân thân người giúp việc. Và các trung tâm, ngoài việc cho phép chủ nhà thay đổi người giúp việc cho vừa ý chứ cũng không chịu trách nhiệm đến cùng khi phát sinh những vấn đề liên quan đến pháp luật. Còn các “kênh” giới thiệu khác, giữa chủ nhà và người giúp việc chỉ có thỏa thuận miệng.

Chính sự ràng buộc lỏng lẻo, không ký kết hợp đồng, không có sự thỏa thuận quyền và nghĩa vụ của các bên nên dẫn đến tình trạng người giúp việc đôi khi bị chủ lạm dụng sức lao động, quỵt tiền, thậm chí còn xâm phạm thân thể… Và cũng không ít chủ nhà bị người giúp việc “bùng”, rồi trộm cắp tài sản, gây án… đến lúc cần tìm người giúp việc thì đã biệt tăm mà không biết tung tích quê quán ở đâu.

Điều 139 Bộ luật Lao động hiện hành quy định: “Người được thuê mướn để giúp việc trong gia đình có thể giao kết hợp đồng bằng miệng hoặc văn bản, nếu được thuê mướn để trông coi tài sản thì phải ký kết bằng văn bản”. Tuy nhiên, đây mới là những quy định chung nhất, mà chưa những hướng dẫn cụ thể cũng như những chế tài về việc bắt buộc phải giao kết hợp đồng khi sử dụng lao động, dẫn đến tình trạng người sử dụng lao động thích thì làm hợp đồng mà không thích thì thôi, còn người lao động cũng không muốn làm hợp đồng vì tâm lý sợ bị ràng buộc và khó có cơ hội sang nhà khác khi trả lương cao hơn.

Để lành mạnh hóa thị trường lao động giúp việc gia đình, dự thảo sửa đổi Bộ luật Lao động mới đây nhất đã quy định chặt chẽ hơn vấn đề này khi quy định chủ sử dụng thuê người giúp việc gia đình ổn định lâu dài sẽ phải ký hợp đồng lao động. Hợp đồng này sẽ phải tuân thủ các nguyên tắc quy định tại Bộ luật Lao động như mức lương tối thiểu, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương làm thêm giờ, điều kiện lao động, các chế độ khác cho người lao động như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp... Bộ LĐ-TB&XH, đơn vị soạn thảo Bộ Luật cho biết, Bộ đang soạn thảo nghị định hướng dẫn việc thực hiện điều khoản về người giúp việc. Với một nghề có quá nhiều đặc thù thì việc đó là hết sức cần thiết. Đồng thời, để quản lý người giúp việc cũng như chuyên nghiệp hóa nghề này cần có một cơ quan quản lý, đào tạo tuyển dụng người giúp việc. Người giúp việc trước khi được tuyển dụng đến làm việc tại các gia đình đều phải qua sự kiểm duyệt đủ điều kiện mới được “thông hành”.

Ông Đặng Đức San - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Lđ-TB&Xh): Cần có sự ràng buộc về mặt pháp lý

Lao động giúp việc gia đình là loại hình công việc đặc biệt, dễ bị lạm dụng. Công nhân thì làm việc hết giờ là về, còn người giúp việc được chủ nhà giao toàn bộ nhà, ở trong nhà chủ cả ngày, cả đêm. Thế nên càng cần có sự ràng buộc về mặt pháp lý và người giúp việc gia đình phải thực sự chuyên nghiệp. Hai bên phải ký hợp đồng lao động bằng văn bản, đồng thời người giúp việc gia đình cũng phải được đóng và hưởng chế độ bảo hiểm xã hội. Ở đây Bộ Luật chỉ điều chỉnh những người làm nghề giúp việc gia đình là người đi làm thường xuyên và hưởng lợi từ nghề này. Bộ luật cũng cần quy định rõ về trách nhiệm của người giúp việc gia đình.

Thạc sĩ Hoa Hữu Vân - Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch): Người giúp việc cần được luật pháp bảo vệ

Người giúp việc phải được coi là một nghề chính đáng, mà đã là một nghề chính đáng thì phải coi họ là một lao động với đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật, được luật pháp bảo vệ. Và như vậy theo quy định của Luật Lao động thì lao động làm việc từ 3 tháng trở lên phải được ký hợp đồng lao động kèm theo đó là cả chủ sử dụng lao động và lao động phải tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Việc thực hiện tất nhiên sẽ khó khăn, nhưng luật pháp bắt buộc phải điều chỉnh, và cũng như nhiều vấn đề khác nó cần có thời gian để thích ứng dần. Đồng thời, việc thực thi cũng phải liên thông với các vấn đề khác như đào tạo, quản lý lao động giúp việc. Người giúp việc cũng phải có hồ sơ lý lịch như các lao động khác.

Bà Hà Vân Anh - Trưởng phòng Dịch vụ việc làm (Trung tâm Dịch vụ việc làm 20-10, Hội LHPN thành phố Hà Nội): Cần nhìn nhận nghiêm túc về nghề giúp việc


Việc đưa nghề giúp việc vào quản lý trong Bộ luật Lao động, trong đó việc ký hợp đồng giữa chủ sử dụng lao động và lao động là rất cần thiết để lành mạnh hóa thị trường này. Tất nhiên, ở nghề giúp việc sẽ khó thực hiện hơn các nghề khác, ở chỗ người ta vẫn chưa ý thức được nó là một nghề. Nhưng tiến tới, Chính phủ, các Bộ ngành làm quyết liệt trong việc đưa nó trở thành một nghề như bao nghề khác, người lao động có đóng bảo hiểm, có các chế độ lương hưu… như công chức Nhà nước, thì chắc chắn bộ phận không nhỏ người lao động sẽ ý thức được nghề nghiệp của mình, và mọi người cũng có cái nhìn nghiêm túc về nghề giúp việc. Tất nhiên, kèm theo đó chúng ta phải đồng bộ với vấn đề đào tạo, phải có một hệ thống đào tạo, cung cấp lao động giúp việc.
Chị Nguyễn Thị Hà ( Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội)
Sẵn sàng thực hiện chế độ cho người giúp việc
Tôi chắc hiện nay không ít gia đình ở hoàn cảnh giống gia đình tôi, liên tục phải thuê người giúp việc, đổi người giúp việc vì không đáp ứng yêu cầu, người giúp việc ưng ý thì hay đòi tăng lương và luôn nhìn ngó chỗ khác tốt hơn mà chẳng có ràng buộc gì nên đành chịu. Nếu Luật quy định ký hợp đồng lao động với người giúp việc thì tôi rất ủng hộ, sẵn sàng thực hiện các chế độ cho họ. Đổi lại cũng cần quy định rõ để lao động giúp việc phải đáp ứng những phẩm chất, kỹ năng cơ bản của công việc.

Chị Trần Thị Oanh (Cầu Giấy, Hà Nội): Cần quản lý chặt các trung tâm môi giới người giúp việc

Tôi đã trải qua rất nhiều trung tâm môi giới người giúp việc, nói thật là tôi vô cùng mệt mỏi. Nhiều người giúp việc đã bỏ về, tôi gọi đến Trung tâm thì họ khất lần, tôi phát chán cũng chẳng muốn gọi nữa. Nhiều người giúp việc còn câu kết với trung tâm để lừa đảo khách hàng.Tôi rất mong pháp luật sẽ có những quy định cụ thể cả về trách nhiệm của các trung tâm giới thiệu việc làm và buộc họ phải tuân thủ.